4. NGỮ NGHĨA HỌC DỤNG PHÁP
4.2 Nghĩa hàm ẩn Tiền giả định và hàm ngôn
4.2.1. Nghĩa hàm ẩn
- Khái niệm: Nghĩa hàm ẩn là nghĩa không có sẵn trong câu chữ, có tính gián tiếp, người nghe hay người đọc phải viện đến một sự suy luận nào đó mới hiểu được.
- Ví dụ: câu “Ở đây ngột ngạt quá”, tùy theo ngữ cảnh, sẽ có thể được suy ra: + Nếu là lời một nữ sinh nói với bạn đến chơi ở phòng mình thì đó hẳn là một gợi ý kín đáo: nên đi ra đâu đó bên ngoài cho mát mẻ,...
+ Nếu là lời nói của ai đó trong căn phòng đông người mà cửa sổ lại đóng kín thì có thể đó là gợi ý nên mở cửa sổ ra,...
- Phân loại tổng quát nghĩa hàm ẩn:
+ Ý nghĩa hàm ẩn tự nhiên: Được suy ra một cách ngẫu nhiên. Ví dụ: Chị A đưa con đi bệnh viện.
(1) Chị A có con. (2) Con chị A bị ốm.
+ Ý nghĩa hàm ẩn không tự nhiên (cố ý): Được truyền đạt một cách có ý định.
Ví dụ: A: Cậu giúp mình làm bài tập nhé. B: Tớ nhức đầu quá.
B không trả lời câu hỏi của A mà cố ý nói về sức khỏe của mình không tốt hàm ý từ chối làm bài tập giúp A.
- Phân loại ý nghĩa hàm ẩn:
+ Tiền giả định (kí hiệu pp’): Những căn cứ cần thiết để người nói tạo ra ý nghĩa tường minh trong phát ngôn gồm: Tiền giả định nghĩa học và tiền giả định dụng học.
+ Hàm ngôn (kí hiệu là imp): Những nội dung có thể suy ra từ ý nghĩa tường minh và tiền giả định của nó. Gồm: Hàm ngôn nghĩa học và hàm ngôn dụng học.
- Cơ chế tạo ra nghĩa hàm không tự nhiên:
Cơ chế tổng quát: Dựa vào tất cả các quy tắc ngữ dụng học, từ quy tắc chiếu vật và chỉ xuất, đến quy tắc chi phối các hành động ngôn ngữ, quy tắc lập luận và các quy tắc hội thoại.
Trên cơ sở đó:
• Người nói tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc ngữ dụng, sẽ tạo ra ý nghĩa tường minh.
• Người nói một mặt tôn trọng các quy tắc ngữ dụng và giả định rằng người nghe cũng biết và tôn trọng chúng, mặt khác lại cố ý vi phạm chúng và giả định rằng người nghe cũng ý thức được chỗ vi phạm đó của mình, sẽ tạo ra ý nghĩa hàm ẩn cố ý.
+ Sự vi phạm quy tắc chiếu vật và chỉ xuất: Cố ý thay đổi cách xưng hô hàm ẩn sự thay đổi về quan hệ giao tiếp.
Ví dụ: Anh nhân viên trẻ A phát hiện ra bác đồng nghiệp B lớn tuổi có một cô con gái xinh xắn. Anh ta bèn thay đổi gọi B từ “bác” sang “bố” tạo ra nghĩa hàm ẩn “Con muốn làm con rể bố”.
+ Sử dụng các hành vi ngôn ngữ gián tiếp: Cố ý vi phạm các điều kiện sử dụng hành vi ở lời nhằm truyền báo các ý nghĩa hàm ẩn.
Ví dụ: Thầy hỏi một học sinh vào lớp muộn: “Bây giờ là mấy giờ rồi?” (Hàm ý: phê bình, cảnh cáo).
+ Sự vi phạm quy tắc lập luận: Cố ý không hoàn tất các bước lập luận. Ví dụ: Chiều 30 tết:
Chồng: Anh tin là em sẽ không đến “Dạ hội năm mới” với chiếc váy áo kiểu cũ. Vợ: Ôi! Anh thật chu đáo quá!
+ Sự vi phạm các quy tắc hội thoại: Cố ý vi phạm các quy tắc điều khiển cấu trúc, chức năng của hội thoại.
Ví dụ: A: Cậu có biết C đang ở đâu không? B: Có cái xe SH trước phòng cái D đấy.
Ở ví dụ này B đã vi phạm một cách cố ý quy tắc hội thoại: Hỏi – Trả lời thành Hỏi – Miêu tả để ngầm trả lời cho A.
+ Phương châm cộng tác hội thoại của Grace và ý nghĩa hàm ẩn. • Sự “xúc phạm” phương châm về lượng.
Ví dụ: Người bố hỏi con: Con đã làm bài tập Toán và Tiếng Anh chưa?” Người con: Con đã làm bài tập Toán rồi ạ.”
Ngoài hiển ngôn đã làm bài tập Toán thì còn có ý nghĩa hàm ẩn là chưa làm bài tập Tiếng Anh.
• Sự “xúc phạm” phương châm về chất. Ví dụ:
A: Cái Thủy có bản lĩnh đấy chứ.
B: Cái Thủy ấy à? Một tảng bê tông, đụng vào nó chỉ có sứt đầu mẻ trán. Hàm ý rằng: Thủy là một người cứng cỏi, không dễ bắt nạt.
• Sự “xúc phạm” phương châm về quan hệ.
Ví dụ: A: Này, lại xem tin giật gân này. Đáng sợ thật đó. B: Tôi buồn ngủ quá.
Hàm ý là không quan tâm đến chuyện đó. • Sự “xúc phạm” phương châm về cách thức.
Ví dụ: Chồng: Bé A hôm nay ngoan lắm, phải thưởng cho bé cái gì chứ? Vợ: Bờ anh sắc nhé!
Hàm ý chưa muốn cho con biết để chờ xem ý kiến của chồng hoặc sợ con đòi ăn ngay mà họ chưa chuẩn bị kịp.
4.2.2. Tiền giả định
- Khái niệm: Tiền giả định là những căn cứ cần thiết để người nói tạo ra một phát ngôn. Tiền giả định đúng thì câu nói mới có ý nghĩa chuẩn xác; tiền giả định sai thì câu nói không chuẩn xác, không có nghĩa (chứ không phải không đúng).
Ví dụ:
(1) A nói với B: “B, chúng ta ăn trước đi, chắc C không đến đâu”. Các tiền giả định:
+ B biết C là ai.
+ Theo dự kiến, C đáng lẽ phải đến rồi. + A và B đang đợi C đến để cùng ăn cơm.
(2)“Anh trai của Nga tên là gì?” Các tiền giả định:
+ Có một người tên Nga + Nga có anh trai
- Một số đặc trưng đáng lưu ý của tiền giả định.
+ Tiền giả định được đưa vào phát ngôn nhờ những phương tiện và cơ chế ngôn ngữ nhất định.
+ Thông tin tiền giả định mang tính ổn định cao, không bị biến đổi theo ngữ cảnh.
+ Thông tin tiền giả định mang tính ổn định cao trước một số phép biến đổi: khẳng định, phủ định, trần thuật, nghi vấn, mệnh lệnh (những biến đổi hình thái). Nhưng tính chất này có giới hạn với điều kiện giữ nguyên nội dung mệnh đề của phát ngôn. Do đó, nội dung mệnh đề phải đồng nhất.
+ Thông tin tiền giả định không được diễn hiển ngôn. Nhưng tất cả mọi người đều có thể rút ra một cách như nhau.
+ Thông tin tiền giả định là cái phải được chấp nhận trước là đúng để cho phát ngôn có thể được sử dụng một cách bình thường.
- Một số tiền giả định:
+ Tiền giả định bách khoa và tiền giả định ngôn ngữ.
Ví dụ: “Vũ hội làm chúng ta quên rằng bây giờ đã là 12 giờ khuya.” Phát ngôn này có các tiền giả định sau đây:
(1) Có một cuộc vũ hội.
(2) Vũ hội tổ chức vào ban đêm.
(3) Vào ban đêm không nên thức quá khuya vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và thời gian nghỉ ngơi của người khác.
(4) Ở Việt Nam, 12 giờ đêm là đã quá khuya rồi. Nghĩa (1), (2) là tiền giả định ngôn ngữ.
Nghĩa (3), (4) là tiền giả định bách khoa.
• Tiền giả định bách khoa: Bao gồm tất cả những hiểu biết về hiện thực bên trong và bên ngoài tinh thần con người mà các nhân vật giao tiếp cùng có chung, trên nền tảng đó mà nội dung giao tiếp hình thành và diễn tiến.
Ví dụ: Bình thường ta hoàn toàn có thể nói mục sư ấy đang còn độc thân, trong khi không thể chấp nhận linh mục ấy đang còn độc thân vì hiểu biết ngoài ngôn ngữ mách cho ta tu sĩ Tin lành được phép lấy vợ, mà tu sĩ Thiên chúa giáo lại không.
• Tiền giả định ngôn ngữ: Những tiền giả định được diễn đạt bằng các tổ chức hình thức của phát ngôn. Gồm 2 nhóm:
a. Tiền giả định ngữ dụng và tiền giả định nghĩa học.
- Tiền giả định ngữ dụng: Những nhân tố quy tắc dụng học làm tiền đề cho một phát ngôn nào đó.
- Tiền giả định nghĩa học: Tiền giả định có quan hệ với tổ chức hình thức ngôn ngữ diễn đạt nội dung miêu tả tường minh của phát ngôn. Gồm:
+ Tiền giả định tồn tại. + Tiền giả định đề tài. + Tiền giả định điểm nhấn.
- Tiền giả định từ vựng: Những ý nghĩa, chức năng của từ quy định điều kiện sử dụng từ được hiện thực hóa, trở thành tiền giả định từ vựng của phát ngôn.
Ví dụ:
(1) Tàu dừng ở ga Hưng Yên 15 phút rồi chạy tiếp.
Tiền giả định từ vựng: Tàu di chuyển từ nơi này đến nơi khác trên một tuyến đường nhất định.
(2) Nó cai thuốc lá rồi.
Tiền giả định: Trước đây nó có hút thuốc, gắn với vị từ “cai”.
+ Tiền giả định từ thực: Những tiền giả định do ý nghĩa của từ thực tạo nên.
Tiền giả định hạn chế lựa chọn: Tương ứng với các nét nghĩa đặc hữu trong cấu trúc nghĩa biểu hiện của từ (nhắm nói về mắt, ngửi nói về mũi,…).
Tiền giả định khái quát: Tương ứng với các nét nghĩa khái quát, nghĩa phạm trù trong cấu trúc nghĩa biểu niệm của từ (chạy, bò, lăn,... có chung nét nghĩa khái quát là vận động dời chỗ).
+ Tiền giả định từ hư: Những tiền giả định do sự xuất hiện của những từ hư trong phát ngôn mà có.
Ví dụ: Cô ấy cũng xinh.
Hư từ “cũng” xuất hiện trong phát ngôn có hàm ý nếu so với tiêu chuẩn đẹp thì nếu miễn cưỡng thì cũng có thể xếp vào dạng xinh đẹp.
- Tiền giả định cú pháp: Những tiền giả định do tổ chức của phát ngôn diễn đạt (trừ ý nghĩa tường minh) và không gắn với ý nghĩa hoặc chức năng của từ.
Ví dụ: Anh ta đi lấy thuốc cho vợ.
Tiền giả định cú pháp của phát ngôn này là: Anh ta đã có vợ.
4.2.3. Hàm ngôn
- Khái niệm: Hàm ngôn là tất cả những nội dung có thể suy ra từ một phát ngôn cụ thể nào đó: từ ý nghĩa tường minh và tiền giả định của ý nghĩa tường minh.
▪ Tiền giả định: Trước đây, bạn A không biết nói tiếng Nhật.
▪ Hàm ngôn: Sau này, bạn A có thể trò chuyện lưu loát với người Nhật.
- Phân loại hàm ngôn:
+ Hàm ngôn ngữ nghĩa: Những nội dung được suy ra từ hàm ngôn ngữ nghĩa tường minh của phát ngôn. Có cơ sở là các “lẽ thường”. Còn gọi là hàm ngôn lập luận, hàm ngôn mệnh đề (vì căn cứ vào mệnh đề đã được diễn đạt một cách tường minh trong phát ngôn).
Ví dụ:
(1) “Ừ, thì lấy! Con lớn thuốc, con bé thuốc… Thuốc lắm rồi sau cũng có lúc được đi ăn mày.” (Nam Cao - Nước mắt)
Hàm ý: Con cái ốm đau nên hết cả tiền.
(2) Ớt hiểm nó còn ăn được, huống gì ớt này Hàm ý: Ớt này chắc chắn nó ăn được.
+ Hàm ngôn ngữ dụng: Những hàm ngôn do sự vi phạm các nguyên tắc ngữ dụng.
Ví dụ:
A: Thưa giáo sư, năng lực nghiên cứu của sinh viên C thế nào? B: À, C là một sinh viên chăm chỉ đoàn kết với bạn bè.
Hàm ý: B không trả lời thẳng vào câu hỏi của A mà trả lời sang hạnh kiểm của C, ý chỉ năng lực của C không có gì đặc biệt.
TÀI LIỆU THAM KHẢO Đã truy lục 3 8, 2022, từ ELLO: http://www.ello.uos.de/field.php/Semantics/SemanticsMeaningrelationsamongsente nces#:~:text=The%20most%20important%20types%20of,synonyms%20at%20the %20lexical%20level. Dẫn luận ngôn ngữ học - P1.
Hoàng Dũng - Bùi Mạnh Hùng . (2007). Giáo trình Dẫn luận Ngôn ngữ học.
Lyons, J. (2006). Linguistic Semantics: An Introduction.
Mai Ngọc Chừ, V. Đ. (1997). Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt.
Nam, N. Nghĩa của câu là gì? Được truy lục từ https://luathoangphi.vn/nghia-cua-cau-la-gi/
Paper, T. (2016). Được truy lục từ
https://www-grin-com.translate.goog/document/341843? _x_tr_sl=en&_x_tr_tl=vi&_x_tr_hl=vi&_x_tr_pto=op,sc
Ruminda, I. (2020, 11 23). Sentence Relations and Truth (1). Đã truy lục 3 7, 2022, từ https://www.youtube.com/watch?v=vj4VfOg7oXg&t=7s
TTientienNguyen. (2021). Được truy lục từ
https://www.webtretho.com/f/sach-truyen-tho/mon-dan-luan-ngon-ngu-nhung-van- de-chung-ngu-nghia-hoc-ii3
Thắng, L. K. (2009). Phạm trù nội động/ ngoại động trong tiếng Việt. Thành phố Hồ Chí Minh.
Thiêm, L. Q. (không ngày tháng). Giáo trình Ngữ nghĩa học. NXB Giáo dục.
gia Hà Nội. Đã truy lục 3 6, 2022, từ http://www.uet.vnu.edu.vn/~thuyhq/Student_Thesis/K50_Pham_Thi_Thu_Uyen_T hesis.pdf https://m.tailieu.vn/doc/bai-giang-dan-luan-ngon-ngu-chuong-4-2-dh- thuong-mai-1982835.html?view=1 https://ngnnghc.wordpress.com/tag/y-nghia-s%E1%BB%9F-ch%E1%BB %89/ https://www.webtretho.com/f/sach-truyen-tho/mon-dan-luan-ngon-ngu- nhung-van-de-chung-ngu-nghia-hoc-ii4 https://www.webtretho.com/f/sach-truyen-tho/mon-dan-luan-ngon-ngu- nhung-van-de-chung-ngu-nghia-hoc-ii5