MỘT SỐ NÉT KHÁI QUÁT VỀ QUAN HỆ KINH TẾ VIỆT NAM VÀ HOA KỲ 1 Quan hệ thương mại:

Một phần của tài liệu Những điều cần quan tâm về APEC (Trang 40 - 42)

1. Quan hệ thương mại:

Từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, buôn bán giữa hai nước đã có những bước phát triển nhảy vọt, đặc biệt là XK hàng hóa từ Việt Nam sang Hoa Kỳ. Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) đã góp phần thúc đẩy hoạt động XK của Việt Nam vào thị

trường Hoa Kỳ. Theo số liệu của Hải quan Hoa Kỳ, năm 1993 Việt Nam chưa hề XK sang Hoa Kỳ bất kỳ một sản phẩm nào và cũng chỉ NK từ Hoa Kỳ khoảng 7 triệu USD. Sau khi Tổng thống Bill Clinton quyết định chấm dứt cấm vận buôn bán với Việt Nam ngày 3/2/1994, hàng hóa của Việt Nam bắt đầu tiếp cận thị trường Hoa Kỳ và ngay trong năm đầu tiên này, giá trị XK của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã đạt 50,5 triệu USD. Sau khi có BTA, XK của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng mạnh từ 1.053 triệu USD năm 2001 lên 5.276 triệu USD năm 2004. Việt Nam hiện NK hơn 1 tỷ USD mỗi năm từ thị trường Hoa Kỳ. Việt Nam XK sang Hoa Kỳ chủ yếu là hàng dệt may, thủy hải sản, dầu khí, giày dép và đồ gỗ gia dụng và NK từ Hoa Kỳ các thiết bị y tế, máy bay, máy công cụ. Mặc dù XK của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng tới 5 lần kể từ sau khi có BTA, song con số này cũng chỉ mới chiếm khoảng 0,4% tổng giá trị NK của Hoa Kỳ. Với kim ngạch NK 1.764 tỷ USD năm 2004, Hoa Kỳ đang là thị trường lớn cho các loại hàng hoá và dịch vụ XK của Việt Nam.

Năm 2005, kim ngạch XK hai chiều đạt khoảng 7,6 tỉ USD. Trong đó, Việt Nam XK 6,5 tỉ USD, NK từ Hoa Kỳ 1,1 tỉ USD. Các số liệu đã cho thấy Hoa Kỳ tiếp tục là một trong những khu vực thị trường quan trọng nhất của hàng XK Việt Nam với thị phần ước đạt xấp xỉ 20% tổng kim ngạch XK của Việt Nam năm 2005. Để tiện so sánh, XK sang Hoa Kỳ các năm trước: năm 2003 là 4,5 tỉ USD, chiếm 19,5%; năm 2004 là 5,2 tỉ USD, chiếm 18,8%. Một số mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2005 như: dệt may ước đạt xấp xỉ 2,8 tỉ USD; giày dép ước đạt 730 triệu USD; đồ gỗ và nội thất ước đạt 724 triệu USD; thủy sản ước đạt 608 triệu USD; hàng nông sản ước đạt 377 triệu USD.

Chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải sang Hoa Kỳ (tháng 6/2005) mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần to lớn tăng cường và phát triển quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có thương mại. Dấu ấn của sự kiện này trên lĩnh vực thương mại được thể hiện qua tổng giá trị các hợp đồng ký kết của doanh nghiệp hai nước trong chuyến thăm của Thủ tướng lên tới hàng trăm triệu USD. Trong đó, đáng kể nhất là ba hợp đồng thương mại quan trọng giữa các công ty Việt Nam với các công ty, tập đoàn lớn của Hoa Kỳ: Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) ký hợp đồng mua 4 máy bay Boeing 787; Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) cùng hai tập đoàn năng lượng và thiết bị năng lượng lớn của Hoa Kỳ (Fluor Corporation và Unocal International Corporation) ký hợp đồng bổ sung triển khai nghiên cứu khả thi dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt ở miền Nam Việt Nam; Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn Motorola ký hợp đồng về cung cấp trang thiết bị cải tạo mạng di động tại 8 tỉnh miền Nam. Ngoài ra, trong chương trình chuyến thăm của Thủ tướng, Chính phủ Việt Nam đã trao giấy phép thành lập và hoạt động cho hai hãng bảo hiểm lớn của Hoa Kỳ (New York Life International và ACE INA International Holdings). Đây là một mốc quan trọng trong tiến trình phát triển quan hệ song phương trên lĩnh vực thương mại dịch vụ.

Cuối năm 2005, cả Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu thông qua việc bãi bỏ Tu chính án Byrd (song vẫn tiếp tục có hiệu lực đối với các lô hàng NK vào Hoa Kỳ trước ngày 1/10/2007). Đạo luật này cho phép các doanh nghiệp Hoa Kỳ tham gia khởi kiện được chia một phần từ số tiền thuế thu được sau các vụ kiện chống bán phá giá hàng hóa NK. Việc huỷ bỏ Tu chính án Byrd là một tín hiệu tốt đối với các doanh nghiệp Việt Nam vì nó làm giảm bớt động cơ khởi kiện chống bán phá giá của các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đạo luật này chỉ là một phần của hệ thống pháp luật về chống bán phá giá của Hoa Kỳ nên chúng ta không vội lạc quan mà cho rằng các vụ kiện chống phá giá sẽ biến mất trong thời gian tới.

Bước sang năm 2006, thêm một số cam kết của Việt Nam trong BTA bắt đầu có hiệu lực, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam theo đó sẽ có thêm các thách thức mới ngay tại sân nhà. Dưới đây là các cam kết trong lộ trình mở cửa thị trường của Việt Nam trong BTA, có hiệu lực kể từ ngày 10/12/2005:

- Loại bỏ mọi sự phân biệt đối xử quốc gia về giá và phí đối với tất cả các hàng hoá và dịch vụ, bao gồm cả giá điện và vận tải hàng không.

- Loại bỏ hạn chế về số lượng trong NK phù hợp với quy định tại phụ lục B của Hiệp định.

- Xây dựng và áp dụng thủ tục đăng ký cấp phép thành lập liên doanh có vốn đầu tư Hoa Kỳ không quá 49% để kinh doanh các dịch vụ viễn thông cơ bản.

Các ngành hàng XK chủ lực của Việt Nam trong năm 2006 sẽ tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn không nhỏ tại thị trường Hoa Kỳ. Hàng dệt may từ những nước đã được xóa bỏ hạn ngạch, đặc biệt là từ Trung Quốc với rất nhiều hạn ngạch (theo Hiệp định dệt may Hoa Kỳ - Trung Quốc mới ký tháng 11/2005), là một bài toán khó đối với ngành dệt may Việt Nam vốn vẫn tiếp tục phải chịu hạn ngạch. XK thủy sản năm 2006 sang Hoa Kỳ phải đương đầu với những khó khăn như vấn đề dư lượng chất kháng sinh, vấn đề nộp ký quỹ đối với các doanh nghiệp XK tôm đông lạnh... Đồ gỗ nội thất và giày dép tuy được đánh giá sẽ duy trì tăng trưởng cao trong năm 2006, song kinh nghiệm đối với những mặt hàng XK có tốc độ cao tại thị trường này đòi hỏi chúng ta phải luôn cảnh giác với những diễn biến bất lợi có thể xảy đến từ những vụ kiện phá giá.

2. Quan hệ hợp tác về đầu tưii:

Bên cạnh những kết quả tích cực về trao đổi thương mại, hoạt động hợp tác đầu tư giữa hai nước cũng có những bước tiến đáng kể. Đầu tư của Hoa Kỳ, kể cả thông qua nước thứ ba, tăng đáng kể từ sau khi Hiệp định có hiệu lực, đặc biệt là trong hai năm 2003 và 2004. Trong khoảng thời gian trước khi BTA có hiệu lực (từ năm 1996-2001) vốn thực hiện của Hoa Kỳ bao gồm cả đầu tư qua nước thứ ba rất nhỏ, chỉ khoảng 3%/năm. Tuy nhiên, từ năm 2001 đến 2004, đầu tư thực hiện của Hoa Kỳ tăng vọt, trung bình tăng 27%/năm, đặc biệt năm 2003 và 2004 đạt mức cao gấp hai lần những năm trước. Năm 2003, đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam, kể cả thông qua nước thứ ba, vọt lên dứng thứ hai trong tất cả các quốc gia, chỉ sau Nhật Bản. Năm 2004, đầu tư của Hoa Kỳ kể cả thông qua nước thứ ba vượt qua tất cả các quốc gia khác.iii Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội Michael Marine cho biết tổng vốn đầu tư trực tiếp của các công ty Hoa Kỳ vào Việt Nam hiện đạt khoảng 2,6 tỷ USD, trong đó 730 triệu USD được đầu tư trực tiếp từ Hoa Kỳ và 1,9 tỷ USD từ các công ty con của Hoa Kỳ ở nước ngoài. Ông cho biết Hoa Kỳ là nước đầu tư thực tế lớn nhất vào Việt Nam trong năm 2004, với 531 triệu USD, chiếm 19% tổng giá trị đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam. Lĩnh vực đầu tư lớn nhất của các công ty Hoa Kỳ vào Việt Nam là dầu lửa, chiếm gần 1 tỷ USD. Nhiều công ty Hoa Kỳ cũng đang quan tâm tới lĩnh vực chế tạo và dịch vụ ở Việt Nam. Đầu năm 2006, Công ty Intel (Hoa Kỳ) đã đầu tư vào Việt Nam Dự án Công nghệ Thông tin với quy mô vốn đầu tư lớn là 605 triệu USD.

Từ năm 1989 đến nay, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu từ ra nước ngoài với tổng số vốn thực hiện trên 12 triệu và vốn đăng ký là 225 triệu USD. Tuy nhiên, tỷ trọng vốn đầu tư thực hiện của Việt Nam tại Hoa Kỳ chỉ chiếm gần 1% tổng đầu tư thực hiện ra nước ngoài của Việt Nam; vốn đăng ký chỉ chiếm 3%. Đầu tư vào Hoa Kỳ là một trong những cách để thâm nhập thị trường Hoa Kỳ. Kinh nghiệm của các nước khác cho thấy rằng thông qua đầu tư vào Hoa Kỳ sẽ giúp doanh nghiệp tạo thế đứng vững chắc hơn trên thị trường này. Ví dụ: hãng Honda của Nhật Bản đã đầu tư rất nhiều vào các nhà máy lớn ở Hoa Kỳ để không chỉ XK xe hơi sang Hoa Kỳ mà còn coi đây là một trung tâm sản xuất của mình phục vụ cho thị trường Hoa Kỳ và các nước khác. Một ví dụ khác mà các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể học hỏi là trường hợp hãng Haier của Trung Quốc. Hãng này đã coi đầu tư vào Hoa Kỳ là một cách làm có hiệu quả để củng cố vị thế của hãng tại Hoa Kỳ và là cách để tránh các vụ kiện chống bán phá giá. Các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ hơn cơ hội đầu tư vào Hoa Kỳ theo cam kết của Hiệp định.

Một phần của tài liệu Những điều cần quan tâm về APEC (Trang 40 - 42)