Thuận lợi hoá thương mại là một trong những nội dung chính luôn thường trực trong chương trình nghị sự và các kế hoạch hành động của APEC. Tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC tháng 6 năm 2001 tại Thượng Hải, Trung Quốc, APEC đã đưa ra các nguyên tắc về thuận lợi hoá thương mại, đó là:
Minh bạch hoá: các chính sách, luật, các quy định, các tiêu chuẩn, quy trình thủ tục… liên
quan đến thương mại hàng hoá và dịch vụ cần phải công khai và dễ tiếp cận đối với tất các ai quan tâm.
Truyền thông và tham vấn: các cơ quan có thẩm quyền phải tạo thuận lợi và thúc đẩy
những cơ chế hiệu quả để truyền thông, tham vấn và trao đổi với các bên hưởng lợi, đặc biệt là cộng đồng kinh doanh và thương mại.
Đơn giản hoá, tính thực tiễn và hiệu quả: các quy định pháp luật, quy trình thủ tục liên
quan đến thương mại cần phải được đơn giản hoá đảm bảo không tạo gánh nặng hoặc hạn chế không cần thiết cũng như phải mang tính thực tiễn và được ứng dụng một cách có hiệu quả.
Không phân biệt đối xử: các quy định pháp luật và quy trình thủ tục liên quan đến thương
mại phải được áp dụng theo cách không phân biệt đối xử giữa các sản phẩm hoặc dịch vụ tương tự hoặc các thực thể kinh tế trong những điều kiện giống nhau.
Tính thống nhất và có thể dự đoán được: các quy định pháp luật và quy trình thủ tục liên
quan đến thương mại cần phải được áp dụng một cách thống nhất, có thể dự đoán được và trước sau như một nhằm giảm thiếu sự không chắc chắn, dễ thay đổi đối với thương mại và các bên tham gia hoạt động thương mại.
Hài hoà hoá, tiêu chuẩn hoá và thừa nhận lẫn nhau: các tiêu chuẩn, quy tắc, quy định và quy trình thủ tục của từng nền kinh tế thành viên phải hài hoà hoá càng nhiều càng tốt ở mức có thể trên cơ sở các tiêu chuẩn quốc tế. Cần thúc đẩy các hiệp định thừa nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn và hợp chuẩn và tăng cường hợp tác phát triển cơ sơ hạ tầng kỹ thuật.
Hiện đại hoá và sử dụng công nghệ mới: các quy định pháp luật và quy trình thủ tục liên quan đến thương mại cần được thường xuyên rà soát và xem xét, cập nhật, nâng cấp nếu cần thiết căn cứ vào những thay đổi khách quan của thực tiễn, sự tiến bộ của khoa học công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin. Khi ứng dụng công nghệ mới cần cố gắng đảm bảo rằng mọi bên có liên quan đều được hưởng lợi từ quá trình này.
Sự hợp tác: các cơ quan có thẩm quyền của chính phủ và các cộng đồng kinh doanh và
thương mại các nền kinh tế thành viên APEC cần đẩy mạnh sự hợp tác qua lại với nhau và với các tổ chức, thể chế kinh tế, tài chính, thương mại quốc tế trong việc đưa ra và thực thi các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại có tính thực tiễn và hiệu quả cao.
Đồng thời trong năm 2001, các nhà Lãnh đạo APEC đã thông qua một quyết định giảm 5% chi phí giao dịch trong khu vực trong vòng 5 năm. Năm 2002 một Kế hoạch hành động về thuận lợi hoá thương mại đã được hình thành, hoạt động dưới sự điều hành của Uỷ ban Thương mại và Đầu tư (CTI) trong APEC. Các nền kinh tế thành viên đồng ý thống nhất về một loạt các biện pháp thuận lợi hoá thương mại bao gồm: thủ tục hải quan, tiêu chuẩn và hợp chuẩn, đi lại của doanh nhân, thương mại điện tử và đã có báo cáo hàng năm về những tiến bộ mà từng nền kinh tế thành viên đạt
được trong các lĩnh vực này. Năm 2006 sẽ thực hiện tổng kết 5 năm thực hiện Kế hoạch cắt giảm chi phí giao dịch trên. Tuỳ thuộc vào thành công, có thể sẽ có một kết hoạch cắt giảm chi phí giao dịch 5% trong 5 năm lần thứ 2 sẽ được áp dụng.
Cũng trong năm APEC Việt Nam 2006 này, một Đối thoại công tư về thuận lợi hoá thương mại sẽ được tổ chức bên lề Hội nghị các quan chức cấp cao lần thứ hai (SOM II) tại TP. Hồ Chí Minh và Đối thoại sẽ tập trung vào việc thông báo kết quả của 5 năm thực hiện Kế hoạch hành động thuận lợi hoá thương mại trong APEC tới cộng đồng APEC, đồng thời kêu gọi sự đóng góp của khu vực tư nhân nhằm xác định các bước tiếp theo tạo thuận lợi cho thương mại và cải thiện môi trường kinh doanh trong khu vực.