Thời vụ và giống, cây trồng

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ kinh tế huyện nam đàn, tỉnh nghệ an dưới triều nguyễn thời kỳ 1802 1884 ( the economy of nam dan district, nghe an province under nguyen dynasty in the period 1802 1884 ) (Trang 79 - 83)

6. Bố cục của luận án

3.2.1. Thời vụ và giống, cây trồng

3.2.1.1. Thời vụ

Căn cứ ghi chép trong tổng số 40 địa bạ ở huyện Nam Đàn thời kỳ 1802 - 1884,

cư dân làng xã ở Nam Đàn hàng năm canh tác chủ yếu là: vụ hạ vào tháng 5 (vụ

chiêm) và vụ thu vào tháng 10 (vụ mùa).

Vụ hạ, cư dân chủ yếu trồng lúa và các hoa màu khác trên đất phù sa, đất sét, đất cát pha thuộc các cánh đồng ở hữu ngạn sông Lam như: Nam Kim, Hoành Sơn, Dương Liễu, Trung Cần, Dương Phổ Tứ, Vạn Lộc, Tàm Tang, Phú Thọ, Khoa Trường... Hoặc các cánh đồng ở các làng, xã thuộc tả ngạn sông Lam như: Hữu Biệt,

Kim Liên, Yên Lạc, Đa Lạc, Chung Tháp, Tự Trì, Xuân La, Tuần Lã, Diên Lãm… Trước thế kỷ XIX, cư dân làng xã ở lưu vực sông Lam đã khai phá đất đai và duy trì vụ hạ trên những cánh đồng màu mỡ để ổn định cuộc sống. Đến thời Nguyễn, đây chỉ là sự kế thừa mùa vụ của cha ông từ nhiều thế kỷ trước.

Vụ thu, phần lớndiện tích đấtđều được sử dụng để trồng lúa. Trên đất màu thì

cấy hoặc gieo hạt, sau đó chờ trời mưa. Ngoài ra còn có thêm vụ tháng 3 và tháng 8.

Sách Nghệ An ký cho biết: “Mỗi năm cày cấy 2 mùa, tháng 11 cấy lúa, tháng 4 gặt; tháng 6 cấy lúa, tháng 10 gặt. Nhưng giữa vụ đông và vụ hạ lại có lúa tháng 3. Giữa vụ hạ và vụ đông lại có lúa tháng 8. Tùy theo chất đất mà trồng trọt thì đều có thể thu hoạch được cả” [106, tr.26 - 27]. Còn sách Đại Nam nhất thống chílại chép về thời vụ và việc làm ruộng ở khu vực này như sau: Về vụ cày cấy thì có hai vụ: “Tháng 11 cấy thì tháng 4 lúa chín, tháng 6 cấy thì tháng 10 lúa chín. Lại có thứ lúa gặt về tháng 3 và tháng 8 âm lịch, tùy theo thổ nghi, đều có kết quả tốt cả” [155, tr.783]. Bên cạnh đó,

sách Đồng Khánh địa dư chí còn cho biết thêm: “Mùa màng một năm 2 vụ. Tháng 9 xuống cấy, tháng 6 năm sau gặt. Vụ thu, tháng 5 gieo mạ, tháng 10 lúa chín. Lại có giống lúa tháng 3 và tháng 8 rải rác có cấy ở một số nơi, nhưng cũng không được bao lăm” [165, tr.1247].

Ngoài vụ chiêm và vụ mùa là chính, còn có thêm vụ tháng 8 (gọi là vụ bát) cấy

lúa Bát ngoạt. Thời gian cấy gặt của vụ bát chỉ kéo dài trong khoảng 3 tháng, ngắn hơn

1 - 2 tháng so với hai vụ chính. Như vậy, trên đồng ruộng Nam Đàn, tùy đặc điểm địa hình, chất đất, lượng nước mà canh tác các loại lúa khác nhau: “Lúa vụ chiêm và lúa Bát ngoạt phần nhiều cấy ruộng trũng, lúa vụ mùa phần nhiều cấy ruộng cao” [154, tr.145].

Khi đề cập đến tình hình nông nghiệp, đặc biệt là đặc điểm về thời vụ trong trồng trọt ở Nghệ An, các sách như Nghệ An ký, Đại Nam nhất thống chí Đồng Khánh địa dư chílược có thống kê, tổng số mùa vụ canh tác trên đồng ruộng ở Nghệ

An có 4 vụ lúa. Tuy nhiên, đó là sự thống kê mùa vụ ở tất cả các khu vực trong tỉnh. Còn riêng ở địa bàn huyện Nam Đàn và một số huyện đồng bằng lân cận như: Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành... nghề trồng lúa nước của nông dân chỉ có 3 mùa vụ đó là vụ chiêm, vụ mùa và vụ bát.

Việc phân chia mùa vụ trong nông nghiệp ở Nghệ An và Nam Đàn chịu ảnh hưởng lớn của thời tiết, khí hậu. Nơi đây, mùa nóng thường có hạn hán, trong những ngày hè gió Lào thổi mạnh cả ngày lẫn đêm khiến cho cỏ cây khô héo, ruộng đồng nứt nẻ, nhưng lại có những trận mưa giông với lượng mưa lớn đột ngột bất thường làm hạ nền nhiệt, dịu sức nóng, nước chảy lênh láng lại làm bào mòn đi mùn đất, mùn lá do sức gió trước đó cày lên khiến cho đất đai thêm cằn cỗi ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Hàng năm vào tháng 7 đến tháng 9, Nam Đàn thường chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những cơn bão có cường độ mạnh, kèm với bão là lũ lụt làm cho nước sông Lam dâng cao, gây ngập úng hoa màu, nhấn chìm nhiều nhà cửa, xóm làng nhất là ở vùng hữu ngạn thuộc tổng Nam Hoa (Nam Kim) cũ như làng Dương Liễu, Hoành Sơn, Trung Cần… hay ở Thịnh Lạc (xã Hùng Tiến), Xuân La (xã Xuân Lâm) ở vùng tả ngạn sông Lam. Nhiều khi đang giữa mùa khô hạn, lốc xoáy kèm theo mưa đá lại đột ngột nổi lênlàm đổ nhà cửa, hư hỏng cả vật dụng và hoa màu gây nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của cư dân làng xã.

Mùa đông ở Nam Đàn, ngoài giá rét còn xuất hiện thêm hiện tượng mưa dầm kéo dài từ ngày này qua ngày khác. Mưa dầm trong mùa đông kèm gió mùa đông bắc khiến cho nền nhiệt càng hạ thấp, giá rét bao phủ toàn vùng, khiến cho cây trồng chậm phát triển, năng suất thu hoạch không cao.

Nhà Nguyễn duy trì chính sách không đắp đê ở dọc sông Lam, sông La, nên hậu quả lũ lụt gây nên cho các mùa vụ trong năm rất lớn. Quốc sử quán triều Nguyễn

trong sách Đại Nam nhất thống chí ghi rõ: “Nước lũ từ miền núi đầu nguồn đổ xuống rất mạnh, làm cho nhà cửa, súc sản thường bị cuốn trôi. Nhưng vì núi cao lại gần bể, nước đổ xuống chỉ vài ngày đã tiêu hết, nên xưa nay không nghĩ đến việc đắp đê”

[155, tr.782].

3.2.1.2. Giống, cây trồng

Ở nước ta, giống cây trồng các loại hàng mấy trăm năm không thay đổi. Theo

Đại Nam nhất thống chí, nghề trồng lúa có hơn 90 loại giống lúa tẻ và lúa nếp. Trong đó, một số giống lúa tẻ cho gạo trắng, thơm như: Minh Xuân, Thơm, Móng Châu,

Cánh, Tám Xoan, Bát Lùn, Hiên, Dự.... Các giống lúa này thường có thời gian cấy gặt là 5 tháng, nhưng cũng có các loại giống ngắn ngày hơn như: Lúa bát (Bát ngoạt, Bát lùn) Ba giằng... là các giống có thời gian cấy gặt khoảng 3 tháng [200, tr.105]. Đây là những giống lúa được trồng ở nhiều nơi trên cả nước. Tuy vậy, sách này không ghi giống lúa cụ thể ở từng địa phương.

Về giống, cây trồng ở địa phương, theo Lê Quý Đôn trong sách Vân đài loại ngữcho biết: Ngô trồng ở Nghệ An phần nhiều là ngô trắng, còn lúa thì có giống lúa tẻ và lúa nếp [48, tr.420]:

Đối với các giống lúa tẻ được trồng phổ biến như:

- Lúa Ba Trăng, cũng gọi là ba tháng; từ lúc gieo mạ đến khi lúa chín, vừa vặn chỉ, ba tháng. Các loại lúa này tuy năng suất thấp nhưng lại cho gạo trắng, cơm thơm, dẻo nhiều bột, thời gian cấy trồng ngắn.

- Lúa Chiêm có thân mềm, bông gạo to, lúa đỏ, cơm dẻo được nông dân canh

tác ở vùng ruộng sâu, tháng 5 cấy tháng 8 thì thu hoạch;

- Lúa Chiêm vàng cây cao, lá to, gió mưa không sợ đổ rạp, được cấy vào ruộng tốt, thóc đỏ, gạo không trắng lắm, cơm hạt cứng;

Các giống lúa Chiêm (lúa Chăm) có thân cứng, thấp, bông dày hạt tròn, ưa ruộng trũng thời gian canh tác từ tháng 11 cấy đến tháng 4 thu hoạch cũng được trồng phổ biến. Còn các giống khác như: tám xoan, bát ngoạt, ba lá, ba giằng, lúa lốc, lúa thông... được trồng ở ruộng cao, hoặc ruộng vừa không cao, không thấp tùy theo địa

hình [48, tr.421 - 423].

Các giốnglúa nếpđược trồng thường có các loại sau:

- Lúa nếp chuối, cây cao hạt dài mà to, được nhiều gạo, vị mềm nhuyễn, ưa ruộng bùn sâu.

- Lúa nếp tượng hay nếp voi bất cứ ruộng nào cũng cấy được, thóc to gạo trắng,

cấy vào mùa thu.

- Lúa nếp quạ thóc gạo đều đen, thổi cơm thơm và dẻo.

- Lúa nếp hương có bông to, hạt tròn, gạo trắng mag thơm dẻo.

- Lúa nếp hoa vàng(nếp ả) cây to, hạt nhiều to dẹt, bông cao, gạo trắng rất dẻo.

- Lúa nếp lùn ngọn bông lúa không ra khỏi lá, hạt thóc, hạt gạo đều có mùi thơm... [48, tr.424 - 425].

Các giống lúa nếp thường được trồng trên những chân ruộng có chất lượng đất vừa phải, thời gian phát triển nhanh hơn các giống lúa tẻ. Theo kinh nghiệm dân gian, lúa nếp thường phải cấy thưa mới cho năng suất cao và hạn chế sâu bệnh.

Ngoài các giống lúa cấy trồng hai vụ, trên các vùng đất bãi bồi ven sông Lam, nông dân Nam Đàn trong thời kỳ này đã tiến hành gieo trồng các loại hoa màu phù hợp với chất đất nhằm đảm bảo lương thực, thực phẩm cho đời sống gồm các giống như: lạc, ngô, khoai, đậu, vừng, rau, củ, quả... Trong Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch

còn cho biết thêm: “các thứ rau, củ, quả, nấm, măng không tháng nào không có” [106, tr.27]. Điều này cho thấy sự đa dạng, phong phú về sản phẩm lương thực trong đời sống hàng ngày của cư dân trên vùng đất Nam Đàn.

Ở một số vùng như Nộn Liễu, Thanh Thủy, Tràng Đen, Ngọc Trừng, Đông Liệt, Diên Lãm, Nghĩa Động, Nam Kim, Vạn Lộc, Vũ Nguyên, Tàm Tang, Hoành Sơn... cư dân làng xã còn khai phá các thung lũng nhỏ hẹp dọc theo các sườn đồi, núi Đại Huệ, Thiên Nhẫn, Ngũ Liên Châu, Hùng Sơn... để trồng chè, hồng, cam, dứa, ngô,

sắn, kê, bầu, bí, rau quả [78]... Phần đất khai hoang, phục hoá dọc theo dãy Thiên Nhẫn, Đại Huệ... không nằm trong diện tích đất bị đánh thuế do năng suất các loại cây trồng thấp vì lệ thuộc hoàn toàn vào khí hậu, thời tiết lại thường xuyên bị châu chấu, chuột, thú rừng... phá hoại. Nhân dân địa phương gọi loại hình đất đai này là rày, trại. Theo khảo sát của chúng tôi, phần đất rày, trại dọc theo sườn núi Đại Huệ và Thiên Nhẫn thuộc sở hữu tư nhân và có thể được truyền từ đời cha sang đời con, hoặc có thể mua, bán, chuyển nhượng, nhưng giá trị thấp.

Trong thế kỷ XIX, cũng như nhiều địa phương khác ở trấn/tỉnhNghệ An, canh

tác nông nghiệp ở huyện Nam Đàn vẫn chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên. Do đó, yếu tố khí hậu, địa hình, chất đất đã tác động đến đặc điểm trong nông nghiệp của huyện Nam Đàn là sự đa dạng về giống, cây trồng trong trồng trọt, đặc biệt là trồng lúa. Năng suất, sản lượng lúa và các loại hoa màu từ các giống cây, trồng Nam Đàn không cao, chủ yếu để phục vụ nhu cầu tại chỗ; việc trao đổi, mua bán các sản phẩm nông nghiệp trong địa bàn huyện là nhằm góp phần cải thiện cuộc sống thường nhật của cư dân làng xã lúc bấy giờ.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ kinh tế huyện nam đàn, tỉnh nghệ an dưới triều nguyễn thời kỳ 1802 1884 ( the economy of nam dan district, nghe an province under nguyen dynasty in the period 1802 1884 ) (Trang 79 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(199 trang)