2.2.Cơ sở thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón
2.2.1.2 Cung cầu phân bón trên thế giớ
a. Nhu cầu phân bón trên thế giới
Năm 2018, tiêu thụ phân bón thế giới tăng trưởng +1% yoy, ước đạt 189,4 triệu tấn chất dinh dưỡng. Trong đó, Đông Á, Nam Á, Tây và Trung Âu chiếm tới 62% lượng tiêu thụ toàn cầu. Những năm gần đây, nhu cầu trì trệ ở các khu vực này khiến tốc độ tăng trưởng tiêu thụ phân bón toàn cầu chậm dần chỉ từ 0,5% – 1,4%/năm. Tốc độ tăng trưởng nhu cầu phân bón bị thu hẹp chủ yếu đến từ điều kiện thời tiết, giá cả các mặt hàng nông sản gây bất lợi cho các khu vực nông nghiệp. Chính sách môi trường ở Trung Quốc và chiến lược cải tạo phân bón ở Ấn Độ đã tác động đến nhu cầu phân bón của các quốc gia tiêu thụ phân bón lớn nhất thế giới này. Bên cạnh đó, việc sử dụng phân bón hiệu quả hơn ở các quốc gia phát triển cũng khiến nhu cầu tiêu thụ phân bón tăng trưởng chậm lại.
b. Nguồn cung phân bón trên thế giới
Nguồn cung toàn cầu năm 2018 tiếp tục xu hướng tăng, tuy nhiên tốc độ tăng đã chậm lại so với giai đoạn trước. Thặng dư cung cầu có xu hướng thu hẹp, do các chính sách pháp lý tại một số khu vực. Tại Trung Quốc, các quy định về thanh tra môi trường đã buộc các nhà máy không đạt tiêu chuẩn phải đóng cửa. Sản lượng phân bón giảm mạnh (-2,4%/năm từ 2015 - 2018), đặc biệt là phân lân và Urê. Theo ước tính của AgroMonitor, Trung Quốc đã cắt giảm khoảng 30% sản lượng đá phosphate nguyên liệu trong năm 2018.
Tại Ấn Độ, chính sách cải tạo phân bón của nước này đã khiến công suất phân Urê bị cắt giảm mạnh, nguồn cung phụ thuộc lớn vào nhập khẩu. Tính đến nửa đầu năm 2019, 2/3 số nhà máy Urê công suất lớn tại Ấn Độ vẫn đang ngừng hoạt động, dự kiến sẽ khôi phục lại từ đầu năm 2021. Tại Bắc Mỹ, nguồn cung phosphate tiếp tục bị thắt chặt sau khi Mosaic (công ty phân bón đứng đầu tại Mỹ) quyết định đóng cửa vĩnh viễn nhà máy Plant City tại Florida, sau thời gian dừng hoạt động từ cuối năm 2017.