6 Cái ghè: một loại bình bằng đất tựa như cái lu nhưng nhỏ hơn.
NHÂN GẦN CỦA KHỔ
Thế giới thực không giống như thế giới của các câu chuyện thần tiên trong đó mọi người sống với nhau một cách hạnh phúc cho đến mãi về sau. Chúng ta không thể tránh được sự thực phũ phàng rằng cuộc đời là bất toàn, bất túc, bất toại nguyện – sự thực về sự hiện hữu của khổ. Khi xét đến hiện thực này, điều quan trọng chúng ta muốn biết là khổ có (nguyên) nhân hay không, và nếu có, liệu chúng ta có thể loại trừ được nhân ấy để cho khổ được loại trừ hay không. Nếu trường hợp nhân sanh ra cái khổ của chúng ta chỉ là những chuyện xảy ra tình cờ qua đó có thể chúng ta không có quyền kiểm soát hay ảnh hưởng gì được, thì chúng ta cũng đành bất lực và nên từ bỏ mọi cố gắng truy tìm con đường thoát khổ đi thì hơn. Hoặc nếu những khổ đau của chúng ta được định đoạt bởi một đấng quyền năng nào đó làm việc theo lối độc đoán và bí ẩn, thời chúng ta phải tìm cách làm nguôi cơn thịnh nộ của đấng này để ông sẽ không còn giáng khổ đau lên chúng ta nữa.
Đức Phật thấy rõ rằng khổ đau của chúng ta không phải là sản phẩm của sự tình cờ. Có những nguyên nhân nằm đằng sau nó, vì mọi hiện tượng hay các pháp đều do nhân duyên sanh. Quy luật nhân quả - kamma (nghiệp) – là quy luật phổ quát và cơ bản cho sự hiện hữu. Những nhân ấy không nằm ngoài quyền kiểm soát của chúng ta.
Kamma
Chữ kamma (hay, trong hình thức Sanskrit phổ biến rộng rãi hơn của nó, karma) thường được mọi người hiểu theo nghĩa “số phận”. Tiếc thay, hàm ý của từ này ngược hẳn với những gì Đức Phật có ý định muốn nói bằng từ kamma. Số phận là cái gì đó nằm ngoài quyền kiểm soát của chúng ta, là mệnh trời hay ý của Thượng đế, những gì đã được định trước cho mỗi người chúng ta. Tuy nhiên kamma nghĩa đen là “hành động”. Những hành động của chúng ta là nhân của những gì chúng ta cảm thọ trong cuộc đời: “Các chúng sanh là chủ nhân của nghiệp, là kẻ
thừa tự của nghiệp, được sanh ra từ nghiệp, bị trói buộc bởi nghiệp; nghiệp là nơi nương nhờ của họ. Nghiệp họ làm thấp hèn hay cao thượng thế nào, cuộc sống của họ sẽ thấp hèn hay cao thượng như thế ấy”.7
Mọi việc chúng ta gặp trong cuộc đời là kết quả của những hành động hay nghiệp riêng của chúng ta. Do đó, mỗi người chúng ta có thể làm chủ được số phận của mình bằng cách làm chủ những hành động chúng ta làm. Mỗi người chúng ta phải có trách nhiệm đối với những hành động làm phát sinh ra khổ đau của chúng ta. Đức Phật nói,
Ta là chủ nhân của ta,
Ta tạo tương lại cho chính ta.8
Theo đó, mỗi người chúng ta cũng giống như một người bịt mắt chưa hề học lái xe, ngồi đằng sau tay lái của một chiếc xe tốc hành trên một xa lộ đông đúc. Chắc chắn anh ta không thể về đến nơi đã định mà không gặp rủi ro. Anh ta có thể nghĩ rằng mình đang lái xe, nhưng thực sự là xe đang lái anh ta. Nếu anh ta muốn tránh tai nạn, chưa nói đến việc về đến đích, anh ta phải bỏ cái khăn bịt mắt ra, phải học cách điều khiển xe, và biết cách tránh sự hiểm nguy càng nhanh càng tốt. Tương tự, chúng ta phải biết những gì chúng ta làm và cũng phải học cách thực hiện những nghiệp nào sẽ dẫn đến chỗ chúng ta thực sự muốn đến.