Dhammapada, I 1&2 (Pháp Cú Kinh)

Một phần của tài liệu VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM BAN THIỀN HỌC NGUYÊN THỦY- THIỀN NGAY BÂY GIỜ. Thiền sư Goenka, Tỳ khưu Pháp Thông dịch (Trang 33 - 34)

phản ứng này làm chuyển động một chuỗi các sự kiện mới mà khởi đầu của nó là sự phản ứng hay hành, sankhara. Đây là lý do tại sao Đức Phật nói,

Phàm khổ gì phát sinh, Tất cả các duyên hành. Do đoạn diệt các hành Khổ không còn hiện hữu.10

Nghiệp (kamma) đích thực, hay nhân đích thực của khổ là sự phản ứng của tâm. Một phản ứng thoáng qua của cảm giác thích hay không thích có thể không mãnh liệt lắm và không cho ra quả báo nhiều, nhưng nó sẽ có một hiệu quả tích lũy. Sự phản ứng được lặp đi lặp lại hết lúc này sang lúc khác, qua mỗi lần như vậy cường độ sẽ gia tăng, và cuối cùng phát triển thành tham ái hay sân hận. Đây là những gì trong bài pháp đầu tiên (Kinh chuyển Pháp Luân) Đức Phật gọi là taṇhā, nghĩa đen là “khát ái”: thói quen khao khát không bao giờ thỏa mãn của tâm đối với

những gì không có, cũng hàm ý một sự bất toại nguyện tương đương và không thể sửa chữa được đối với những gì đã có. 11 Khát ái và bất toại nguyện càng mãnh liệt bao nhiêu, ảnh hưởng của chúng trên ý nghĩ của chúng ta, trên lời nói của chúng ta, và trên hành động của chúng ta càng sâu đậm hơn bấy nhiêu – đồng thời cái khổ mà chúng gây ra cũng sẽ nhiều hơn bấy nhiêu.

Một số phản ứng, Đức Phật nói, giống như chữ viết trên mặt nước: ngay khi vừa viết xong chúng liền bị xóa đi. Những phản ứng khác giống như những chữ viết trên bờ cát: nếu viết vào buổi sáng thì buổi tối cũng bị thủy triều hoặc gió xóa sạch. Những phản ứng khác thì giống như chữ khắc sâu trong đá với búa và đục. Tất nhiên chúng cũng bị xóa nhòa đi khi đá mòn, nhưng muốn cho chúng mất hẳn sẽ mất hàng thế kỷ.12

Mỗi ngày trong suốt cuộc đời của chúng ta tâm cứ tiếp tục phát ra nhựng phản ứng, nhưng nếu cuối ngày chúng ta cố gắng nhớ lại, chúng ta chỉ có thể nhớ được một hoặc hai phản ứng tạo ấn tượng sâu đậm nhất trong ngày hôm đó thôi. Lại nữa, nếu cuối một tháng chúng ta cố gắng nhớ lại tất cả những phản ứng của chúng ta, may ra chúng ta chỉ nhớ được một hay hai phản ứng nào tạo ấn tượng sâu sắc nhất trong tháng đó. Cũng vậy, cuối một năm chúng ta sẽ chỉ có thể nhớ lại được một hoặc hai phản ứng để lại ấn tượng sâu sắc nhất suốt năm đó. Những phản ứng sâu đậm như vậy rất là nguy hiểm vì chúng đưa đến khổ đau vô cùng.

Bước đầu tiên hướng đến sự xuất ly khỏi khổ là biết chấp nhận hiện thực của khổ, không phải như một khái niệm triết học hay như một tín điều, mà như một thực tế của hiện hữu ảnh hưởng đến mỗi chúng ta trong cuộc đời. Cùng với sự chấp nhận này là một sự hiểu biết về khổ là gì và tại sao chúng ta phải khổ, lúc đó chúng ta mới có thể không còn bị (xe) lái đi mà bắt đầu biết lái chiếc xe của đời mình. Nhờ biết cách trực nhận bản chất của mình, chúng ta có thể tự đặt mình trên đạo lộ dẫn đến giải thoát khỏi khổ đau.

Một phần của tài liệu VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM BAN THIỀN HỌC NGUYÊN THỦY- THIỀN NGAY BÂY GIỜ. Thiền sư Goenka, Tỳ khưu Pháp Thông dịch (Trang 33 - 34)