HAI CHIẾC NHẪN
Một ông nhà giàu nọ chết để lại hai đứa con. Hai đứa con tiếp tục sống chung với nhau một thời gian theo tập tục Ấn Độ, trong một căn nhà chung, một gia đình chung. Nhưng sau đó hai đứa cãi nhau và quyết định tách riêng, chia đôi toàn bộ gia tài. Thế là mọi thứ được đem ra chia đều nhau, và từ đó chúng ổn định công việc của mình. Tuy nhiên, sau khi mọi việc ổn định thì mới phát hiện ra một gói nhỏ mà cha chúng đã cất giấu rất cẩn thận. Chúng mở cái gói ấy ra và thấy rằng trong đó có hai chiếc nhẫn, một chiếc có gắn một viên kim cương rất giá trị, còn chiếc kia là một chiếc nhẫn bằng bạc giá trị chỉ vài rupees.13
Thấy kim cương, người anh liền khởi lên tâm tham, anh ta bắt đầu giải thích cho người em, “Theo anh nghĩ thì chiếc nhẫn này không phải của cha chúng ta làm ra, mà đúng hơn là một bảo vật từ đời tổ tiên chúng ta. Đó là lý do tại sao cha lại để riêng nó khỏi những vật sở hữu khác. Và vì lẽ nó đã được lưu truyền qua các thế hệ trong gia tộc của chúng ta, nó phải được giữ gìn cho các thế hệ tương lai. Do đó anh, là anh cả, sẽ giữ nó. Em nên lấy chiếc nhẫn bạc hơn.”
Người em mỉm cười và nói, “Được thôi, anh hãy vui với chiếc nhẫn kim cương, còn em sẽ vui với chiếc nhẫn bạc.” Cả hai người cùng đeo nhẫn vào tay và đường ai nấy đi.
Người em tự nhủ. “Thật dễ hiểu tại sao cha lại giữ kỹ chiếc nhẫn kim cương; vì nó rất giá trị. Nhưng tại sao ông lại giữ chiếc nhẫn bạc tầm thường này nữa? Anh xem xét kỹ chiếc nhẫn và thấy có hàng chữ khắc trên đó: “Điều này rồi cũng sẽ đổi thay!”. “Ô, đây là câu mật chú của cha ta chăng: “Điều này rồi cũng sẽ đổi thay!” Anh đeo chiếc nhẫn vào ngón tay của mình trở lại. Cả hai anh em đã phải đương đầu với mọi thăng trầm của cuộc đời. Khi mùa xuân đến (ám chỉ khi thành công cuộc đời), người anh cảm thấy rất là phấn chấn, mất đi sự quân bình của tâm. Khi mùa thu hay mùa đông đến (ám chỉ khi thất bại), anh rơi vào tình trạng chán chường cay đắng, cũng lại mất đi tâm quân bình của mình. Anh ta trở nên căng thẳng, mắc chứng bệnh huyết áp cao, không thể ngủ được vào ban đêm. Anh ta bắt đầu dùng đến những viên thuốc ngủ, thuốc giảm đau, và những loại dược phẩm mạnh hơn.
Cuối cùng, anh đến giai đoạn đòi hỏi phải có những ca điều trị tâm thần bằng điện. Đây là trường hợp của người anh với chiếc nhẫn kim cương.
Còn về người em với chiếc nhẫn bạc, khi mùa xuân đến, anh thọ hưởng nó; anh không tìm cách tránh né nó. Anh thọ hưởng nhưng không quên nhìn vào chiếc nhẫn của mình để nhớ rằng, “Điều
này rồi cũng sẽ đổi thay.” Và khi nó thay đổi, anh có thể mỉm cười và tự nhủ, “À, ta biết rằng nó
sẽ thay đổi mà. Giờ đây nó thay đổi, thì đã sao nào!” Khi mùa thu hay mùa đông đến, anh lại nhìn vào chiếc nhẫn và nhớ, “Điều này rồi cũng sẽ thay đổi.” Anh không than khóc, biết rằng điều này rồi cũng sẽ thay đổi. Và đúng như vậy, nó đã thay đổi, nó đã qua đi. Đối với mọi việc thành bại, thăng trầm trong cuộc đời, anh biết rằng chẳng có gì vĩnh cửu cả, rằng mọi thứ đến chỉ để ra đi. Anh không mất sự quân bình của tâm và sống một cuộc sống bình an và hạnh phúc. Đây là trường hợp của người em với chiếc nhẫn bạc.