27 Upanishad Kinh (veda và Ấn Độ Giáo) Những luận văn về học thuyết bí ẩn, đỉnh cao của Veda và cơ sở của Ấn Độ giáo Vedanta: Một trong sáu hệ thống tư biện của đạo Ba la môn.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ THIỀN TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
Niệm hơi thở (Anāpānā)
Hành niệm hơi thở khi cảm thấy tâm cùn nhụt hoặc tháo động, nếu thấy khó cảm giác các cảm thọ hoặc khó mà không phản ứng lại với chúng (các cảm thọ). Hành giả có thể bắt đầu với niệm hơi thở và rồi chuyển sang vipassanā (minh sát các cảm thọ), hoặc, nếu cần, tiếp tục quan sát hơi thở cho đến hết giờ. Để hành niệm hơi thở, hành giả giữ sự chú tâm nơi vùng dưới mũi
và trên môi trên (khoảng giữa nhân trung). Duy trì cái biết hay niệm từng hơi thở khi nó đi vào hoặc đi ra. Nếu tâm quá cùn nhụt hoặc quá tháo động hãy thở một cách cố ý và hơi nặng
hơn trong một lát (để nhận biết hơi thở). Ngoài ra, hơi thở nên ở trạng thái tự nhiên. Hành minh sát
Di chuyển sự chú tâm theo hệ thống từ đầu đến chân và từ chân lên đầu. Quan sát theo thứ tự từng phần một của thân bằng cách cảm giác mọi cảm thọ mà bạn gặp. Quan sát một cách khách quan, đó là, giữ thái độ xả (không thích cũng không ghét) với các cảm thọ mà bạn kinh nghiệm, dù đó là lạc, khổ hay trung tính, bằng cách hiểu tính chất vô thường của chúng. Giữ cho sự chú tâm của bạn di chuyển, không bao giờ dừng lại ở bất kỳ chỗ nào quá
hai hoặc ba phút. Cũng đừng để cho việc thực hành trở nên máy móc quá. Làm việc theo những cách khác nhau tùy theo loại thọ mà bạn kinh nghiệm. Các vùng của thân có những cảm thọ thô khác nhau cần phải được quan sát riêng ra bằng cách di chuyển sự chú tâm lần lượt từ phần này đến phần khác. Các bộ phận đối xứng như hai tay hoặc hai chân, có những cảm thọ vi tế như nhau, có thể được quan sát cùng một lúc với nhau. Nếu bạn đã kinh nghiệm được những cảm thọ vi tế khắp cấu trúc vật lý hay ở toàn thân rồi, bạn có thể thỉnh thoảng quét toàn thân và rồi lại quan sát từng phần một.
Rải tâm từ (Mettā)
Cuối giờ thư giãn, hãy để cho những lao xao của thân hoặc tâm lắng xuống, rồi tập trung sự chú ý của bạn vào những cảm thọ vi tế trên thân trong ít phút và làm tràn ngập tâm và thân bạn với những ý nghĩ và cảm xúc của từ ái đối với tất cả chúng sinh.
Ngoài giờ hành thiền
Chú tâm trọn vẹn vào bất kỳ công việc nào bạn đang làm, nhưng thỉnh thoảng cũng kiểm tra lại xem bạn có đang duy trì niệm và xả của mình hay không. Khi một vấn đề gì phát
sinh, nếu có thể hãy niệm hơi thở hoặc các cảm thọ của bạn, ngay cả chỉ vài giây thôi, cũng sẽ giúp bạn giữ được quân bình trong mọi tình huống.
Bố thí (Dāna)
Sẻ chia bất cứ điều tốt lành nào bạn có được với những người khác. Nhờ làm vậy, bạn sẽ diệt trừ thói quen cũ của việc tự xem mình là trung tâm hay thói ích kỷ. Người hành thiền hiểu rằng điều giá trị nhất họ có là chia sẻ Pháp (Dhamma), vì thế họ làm tất cả những gì có thể làm được để giúp những người khác học kỹ thuật minh sát này. Với thiện chí trong sạch ấy họ đóng góp cho những phí tổn của các thiền sinh khác.
Dāna hay hành động bố thí này là nguồn quỹ duy nhất cho các khóa thiền và cho việc điều hành các trung tâm thiền trên thế giới.
Vị tha phục vụ
Còn có một bố thí lớn hơn nữa là hy sinh thời gian và sức lực của mình để giúp đỡ trong việc tổ chức hoặc điều hành những khóa thiền hay bằng cách làm những công việc phổ biến Pháp (Dhamma) khác. Tất cả những ai (kể cả các vị thầy và các vị trợ lý) cống hiến sự phục vụ của họ như một hình thức bố thí sẽ không thọ nhận bất cứ vật gì đáp trả. Sự phục vụ này không chỉ đem lại lợi ích cho người khác, mà còn giúp cho những người có tâm cống hiến ấy diệt trừ được tính ích kỷ, hiều được lời dạy (Pháp) ở mức sâu xa hơn. Và như vậy họ đã thăng tiến trên đạo lộ giải thoát.
Đạo lộ duy nhất
Không được pha trộn kỹ thuật này với các kỹ thuật khác. Nếu như bạn đang thực hành một pháp môn nào khác, bạn có thể tham dự hai hoặc ba khóa thiền minh sát để giúp bạn quyết định kỹ thuật nào bạn thích hơn. Lúc đó hãy chọn một kỹ thuật nào mà bạn thấy là thích hợp nhất và lợi ích nhất đồng thời cống hiến toàn tâm toàn lực cho kỹ thuật ấy.
Nói cho người khác biết về thiền minh sát
Bạn có thể mô tả kỹ thuật (thiền này) cho người khác nhưng không được dạy họ. Bằng không, thay vì giúp, bạn có thể làm cho họ rối rắm, lầm lẫn thêm mà thôi. Hãy khuyến khích
những người muốn hành thiền gia nhập một khóa thiền có tổ chức hẳn hoi, ở đây họ có được một người hướng dẫn đã được huấn luyện một cách thích đáng.
Nói một cách tổng quát thì tiến bộ (trong việc hành thiền) đến rất từ từ. Ai cũng buộc phải mắc sai lầm – hãy học hỏi từ những sai lầm ấy. Khi bạn nhận ra mình đã phạm một lầm lẫn, hãy mỉm cười và bắt đầu trở lại!
Việc rơi vào hôn trầm (buồn ngủ), trạo cử, phóng tâm và những khó khăn khác trong thiền là chuyện bình thường. nhưng nếu bạn duy trì được việc thực hành bạn sẽ thành công.
Bạn cứ việc tự nhiên đến gặp các vị thầy (thiền sư) hoặc các vị thầy trợ lý để được hướng dẫn. Hãy tận dụng sự hỗ trợ của các thiền sinh cùng hành thiền với bạn. Ngồi thiền chung với họ sẽ cho bạn thêm sức mạnh.
Tận dụng bầu không khí tĩnh lặng ở các thiền đường hay pháp đường bằng cách đi đến đó ngồi thiền bất cứ khi nào bạn có thể, ngay cả chỉ trong vài ngày hoặc vài giờ. Là một thiền sinh cũ bạn cũng được tự do đến tham dự các khóa thiền mười ngày, tùy thuộc vào điều kiện chỗ ở sẵn có, và bạn được xem là chỉ đang hành theo kỹ thuật minh sát này.
Trí tuệ thực sự nằm ở chỗ biết nhận ra và chấp nhận rằng mọi kinh nghiệm đều vô thường. Với tuệ giác này bạn sẽ không bị những thăng trầm của cuộc đời áp đảo, và nếu bạn duy trì được một sự quân bình nội tại, bạn có thể chọn cho mình cách hành động nào sẽ tạo được sự an vui cho bạn và cho người khác. Hãy sống từng khoảnh khắc an lạc với một cái tâm buông xả, chắc chắn bạn sẽ tiến tới được mục tiêu cuối cùng của sự giải thoát khỏi mọi khổ đau.