Viện trợ phát triển chính thức (ODA)

Một phần của tài liệu QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC VIỆT NAM HÀN QUỐC TRONG LĨNH VỰC KINH TẾ (2009 - 2020). (Trang 26 - 29)

ODA là viện trợ phát triển chính thức và có vai trò mở đường cho FDI nên đây cũng là một lĩnh vực được nhiều học giả quan tâm.

Ở phạm vi trong nước, hai tác giả Thu Hà, Minh Thanh (2009 trong nghiên cứu “Vài nét về viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Hàn Quốc” đã tóm tắt về lịch sử viện trợ ODA của Hàn Quốc cho Việt Nam từ năm 1987 [37]. Chương trình viện trợ chính thức đầu tiên của chính phủ Hàn Quốc nhằm mục đích hỗ trợ công nghiệp hóa và phát triển kinh tế ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Trong giai đoạn sau, chính phủ hàn quốc cũng đã mở rộng phạm vi hỗ trợ thông qua các tổ chức đa phương như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á và Cơ quan phát triển quốc tế. Các khoản vay được chấp thuận sau khi đã được Bộ Tài chính xem xét kế hoạch chi tiết và khả năng hoàn trả. Đối với Việt Nam, vào tháng 10 năm 2008, Chính phủ Hàn Quốc chấp thuận cho Việt Nam vay vốn 100 triệu USD, khoản cho vay lớn nhất trong lịch sử của EDCF. ODA được coi là một công cụ ngoại giao quan trọng của Hàn Quốc bởi nguồn vốn cho vay này chú trọng tới các lĩnh vực mà người Hàn Quốc có lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác và để nâng

tầm vị thế của Hàn Quốc.

Các tác giả Huong, Vu Thanh; Phuong, Nguyen Thi Minh (2018) với nghiên cứu “Đánh giá hiệu quả của Hỗ trợ Phát triển của Hàn Quốc tại Việt Nam” cho rằng, ODA của Hàn Quốc đã trở thành một nguồn lực quan trọng trong việc tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam và đóng góp vào thiết lập cơ sở hạ tầng, phát triển nông nghiệp nông thôn cũng như xóa đói giảm nghèo [97]. Bài nghiên cứu đánh giá hiệu quả ODA của Hàn Quốc tại Việt Nam ở ba cấp độ: quốc gia, nhà tài trợ và cấp dự án. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng ở cấp độ quốc gia và cấp tài trợ, ODA của Hàn Quốc tại Việt Nam thành công và hiệu quả trong việc điều chỉnh mục tiêu của cả hai bên, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của tư nhân trong các lĩnh vực. Ở cấp độ dự án, chương trình KOICA được chứng minh là thành công, phù hợp và có tác động rất tích cực. Bên cạnh đó, bài nghiên cứu cũng chỉ ra những thiếu sót trong việc giải ngân viện trợ phát triển, sử dụng hệ thống tài chính, các điều kiện ràng buộc và hạn chế hợp tác toàn diện giữa Hàn Quốc và Việt Nam . từ đó đề ra chính sách để tăng cường hiệu quả viện trợ phát triển chính thức của Hàn Quốc tại Việt Nam trong tương lai.

Tác giả Nguyen Hoang Tien (2019) với nghiên cứu “Phân tích so sánh đầu tư ODA của Nhật Bản và Hàn Quốc vào Việt Nam” đã phân tích và so sánh ODA từ Hàn Quốc và Nhật Bản vào Việt Nam để thấy rõ tầm quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội [118]. Dựa trên kết quả nghiên cứu, đóng góp trung bình vào GDP giai đoạn 2005-2015 của Hàn Quốc và Nhật Bản lần lượt là 0,17% và 0,83%. Điều này cho thấy đây là hai các nước đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng, đặc biệt là trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng cho phát triển toàn diện của quốc gia. Từ đó, cần thiết có các giải pháp thích hợp để thu hút thúc đẩy ODA, tận dụng nguồn lực này để tạo tiền đề vì sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Ngoài ra, cần thiết phải nâng cao khả năng sử dụng vốn từ chính phủ, bao gồm: nâng cao khả năng quản lý, cải thiện khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh trong phát triển dự án, nâng cao khả năng tìm kiếm lợi nhuận từ vốn ODA được cấp.

Tác giả Nguyễn Cảnh Huệ (2016) trong bài viết “Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc từ 1992 đến nay - thành tựu và vấn đề đặt ra” khẳng định rằng Việt Nam lànước được Hàn Quốc ưu tiên trong lĩnh vực ODA với ba trọng tâm là tăng trưởng xanh, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở hạ tầng [47]. Năm 2011, Hàn Quốc tuyên bố coi Việt Nam là trọng tâm và là một trong 26 ĐTCL về ODA và cam kết cung cấp cho Việt Nam 1,2 tỷ USD vốn ưu đãi trong giai đoạn 2012 - 2015. Hàn Quốc hiện đang là nước cung cấp ODA lớn thứ hai cho Việt Nam và Việt Nam là nước nhận viện trợ ODA lớn nhất của Hàn Quốc. Chính vì vậy, Việt Nam phải cố gắng tận dụng nguồn vốn này một cách hiệu quả nhất có thể.

Tác giả Thành Nam có bài viết: “Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nguồn vắc xin Covid-19”. Theo đó, Hàn Quốc đã dành gần 30 triệu USD cho chương trình cho vay vốn với lãi suất thấp mới để giúp các nước, trong đó có Việt Nam [183]. Số tiền hỗ trợ phát triển chính thức này nhằm tăng cường sự hỗ trợ nhân đạo của Hàn Quốc cho các quốc gia và hợp tác y tế trong các dự án khác nhau, như tăng cường các cơ sở y tế và đảm bảo nguồn cung cấp ổn định các mặt hàng phòng chống dịch bệnh. Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Chính phủ Hàn Quốc đã lựa chọn các nước nhận nguồn vốn ODA này, dựa trên sự cân nhắc toàn diện các ưu tiên trong chính sách của Hàn Quốc, nhu cầu tăng cường khả năng chăm sóc sức khỏe người dân và quan hệ song phương. Hàn Quốc sẽ xem xét việc có nên tăng số lượng các nước nhận nguồn vốn này hay không tùy thuộc vào nhu cầu hợp tác. Như vậy, Việt Nam là một trong nước nước được Hàn Quốc ưu tiên trong cung cấp ODA để phòng chống Covid-19. Trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong phòng chống dịch, thì sự giúp đỡ trên đây là vô cùng quý báu, cho thấy quan hệ ĐTCL đã được thể hiện rất cụ thể và thiết thực.

Cùng với các hỗ trợ trên, VOV5 đã có bản tin về việc “Hàn Quốc hỗ trợ vốn ODA giúp Việt Nam phát triển Công nghệ hỗ trợ”. Việc hỗ trợ này được tiến hành thông qua Dự án thành lập Trung tâm Tư vấn và Giải pháp công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VITASK). Theo đánh giá, đây là dấu mốc nhằm giải quyết nhu cầu chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới quản lý sản xuất, kết nối và phát triển thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam, trước mắt là trong lĩnh vực ô tô, điện– điện tử. Đồng thời, dự án này một lần nữa khẳng định mối quan hệ hợp tác bền chặtgiữa hai Chính phủ cũng như giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc. Trung tâm VITASK có mục tiêu cao nhất là thông qua các hoạt động hỗ trợ đa dạng giúp doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp ô tô và điện - điện tử tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu (GVC - Global Value Chain), từ đó doanh nghiệp có thể chủ động chuẩn bị nền tảng cho sự phát triển bền vững. Trong thời gian tới, chính phủ hai nước sẽ tiếp tục hỗ trợ nguồn lực, tài chính để nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý và vận hành Trung tâm VITASK và tiếp tục hợp tác chặt chẽ, hướng tới mục tiêu đưa ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai [314]. Như đã biết, công nghiệp ô tô và điện tử của Việt Nam còn thua kém thế giới khá xa. Chính vì vậy việc Hàn Quốc cung cấp ODA để giúp Việt Nam trong hai lĩnh vực này là việc làm hết sức kịp thời và quý giá.

Tác giả Phạm Mai Ngân, Nguyễn Thị Kim Oanh (2020) với bài viết “Việt Nam trước tác động của suy giảm vốn ODA” đã chỉ ra thuận lợi, khó khăn và gợi ý chính sách đối với Việt Nam trong bối cảnh suy giảm dòng vốn ODA trong đó có chỉ ra một số vấn đề

liên quan đến ODA Hàn Quốc [175]. Các khoản vay từ Hàn Quốc có yêu cầu bắt buộc là nhà thầu phải là công ty Hàn Quốc hoặc liên danh mà công ty Hàn Quốc nắm giữ nhiều hơn 50% cổ phần. Tác giả cho rằng các đơn vị thực hiện dự án ODA, các cơ quan lãnh đạo và người dân cần ý thức được sự cần thiết, tính cấp bách của việc không phụ thuộc vào nguồn viện trợ nước ngoài. Việt Nam nên học tập Hàn Quốc trong việc kiểm soát ODA. Hàn Quốc nhận nguồn vốn hỗ trợ phát triển kể từ những năm 1960 nhưng chính thức ngừng nhận viện trợ sau 30 năm và từ năm 1993 chuyển từ vai trò nước tiếp nhận sang nước tài trợ.

Tác giả Jeong, S. (2018) trong nghiên cứu “Nghiên cứu về tác động của Chính sách hỗ trợ phát triển chính thức của Hàn Quốc đối với Việt Nam” đã tập trung tìm hiểu những thành tựu và điểm yếu của ODA Hàn Quốc vào Việt Nam [99]. Cuối cùng, bài nghiên cứu đưa ra khuyết nghị về ODA cho Hàn Quốc có thể thực hiện ODA trong tương lai cho Việt Nam và các quốc gia khác. Chính sách ODA của Hàn Quốc đã phát huy tác dùng và tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, các chính sách này vẫn có những nhược điểm. Thứ nhất, người dân Việt Nam phải đốimặt với những khoản nợ khổng lồ về vốn vay ưu đãi. Thứ hai, tiến trình thực hiện các dự án còn chậm do phải trải qua nhiều giai đoạn. Khuyến nghị được đưa ra nhằm giảm bớt tính kém hiệu quả của chương trình là loại bỏ hệ thống cơ quan cung cấp viện trợ kép. Hàn Quốc nên lựa chọn một trong hai cơ quan KOICA và EDCF để có thể kiểm soát hiệu quả. Việc sử dụng hai cơ quan gây trùng lặp và kém hiệu quả.

Nhìn chung, các tác giả đều cho rằng ODA từ Hàn Quốc có tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam. Quan trọng hơn nữa, nguồn ODA này còn giúp Việt Nam về đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao năng lực quản lý góp phần mang lại hiệu quả trong dài hạn. Rõ ràng là quan hệ kinh tế nói chung, quan hệ về ODA nói riêng với Hàn Quốc đã đem lại cho Việt Nam những lợi ích vô cùng lớn. Nhờ có quan hệ ĐTCL, hợp tác giữa hai nước trong từng lĩnh vực cụ thể trong đó có OAD đều đang được tăng cường, phát triển, đem lại nhiều lợi ích cho cả hai bên.

Một phần của tài liệu QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC VIỆT NAM HÀN QUỐC TRONG LĨNH VỰC KINH TẾ (2009 - 2020). (Trang 26 - 29)