Quy mô nguồn vốn FDI

Một phần của tài liệu QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC VIỆT NAM HÀN QUỐC TRONG LĨNH VỰC KINH TẾ (2009 - 2020). (Trang 89 - 94)

Theo tuyên bố chung về "Ðối tác hợp tác chiến lược" vì hòa bình, ổn định và phát triển của Việt Nam – Hàn Quốc, Hàn Quốc đánh giá cao nỗ lực của phía Việt Nam trong việc phát triển cơ chế kinh tế thị trường thông qua việc thực hiện chính sách cải cách-mở cửa trong hơn 20 năm qua và công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường. Việt Nam đánh giá cao việc Hàn Quốc là một trong những quốc gia đầu tư hàng đầu tại Việt Nam và khẳng định sẽ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.

Trước khi Việt Nam-Hàn Quốc thiết lập quan hệ ĐTCL, lượng FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam là không đáng kể. Sau khi Việt Nam gia nhập WTO vào đầu năm 2007, khối lượng vốn và số lượng dự án tăng lên nhanh chóng và đạt kỷ lục vào năm 2007 và 2008. Năm 2007, lượng vốn tăng 522%, số lượng dự án tăng 96% so với năm 2005 [55]. Trước hết, khi Việt Nam gia nhập WTO, môi trường pháp lý cần được cải thiện để trở nên hoàn chỉnh, minh bạch hơn giúp các nhà đầu tư cảm thấy yên tâm hơn. Các cơ chế đơn giản, hiệu quả cũng giúp cho các nhà đầu tư nước ngoài tiết kiêm thời gian và tài chính trong quá trình thành lập và xúc tiến đầu tư. Trong giai đoạn này, không chỉ vốn FDI từ Hàn Quốc mà từ các nền kinh tế khác cũng tăng nhanh chóng, chỉ riêng năm 2008 đã thu hút được 64 tỷ đô, gấp 3 lần so với năm 2007 [55]. Trở thành một thành viên chính thức của WTO cũng

đồng nghĩa với việc Việt Nam phải tuân thủ nguyên tắc không phân biệt đối xử của WTO và bãi bỏ áp dụng tỉ lệ xuất khẩu bắt buộc đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dẫn đến mở rộng thị trường, gỡ bỏ rào cản đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, khi gia nhập WTO, đánh dấu việc Việt Nam mở cửa thị trường dịch vụ. Đây là một thị trường vô cùng màu mỡ do các doanh nghiệp nội địa đa số là các công ty vừa và nhỏ, chưa có đầy đủ kinh nghiệm cũng như đủ nguồn lực để cạnh tranh với các công ty đa quốc gia. Hơn nữa, Việt Nam là một thị trường đang phát triển với tỷ lệ thanh niên cao sẽ rất nhanh chóng thích ứng và làm quen với những sản phẩm, dịch vụ mớitừ các doanh nghiệp FDI. Việc sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO cũng tạo thêm lòng tin cho các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Khi có bất kì vấn đề gì xảy ra, quyền lợi của các doanh nghiệp sẽ được đảm bảo một các công bằng theo những quy định của luật pháp quốc tế. Như vậy, có thể thấy trong lĩnh vực FDI, quan hệ đầu tư Việt Hàn đã có những khởi sắc từ trước khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược, chủ yếu do sự kiện Việt Nam chính thức là thành viên của tổ chức thương mại thế giới WTO.

Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc được thiết lập vào năm 2009 với rất nhiều cam kết liên quan đến FDI nhằm thúc đẩy đầu tư giữa hai quốc gia. Trong đó, Hàn Quốc cam kết tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam và đề nghị để các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia các lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, ngân hàng và xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vào cuối năm 2008, khối lượng vốn và số dự án FDI từ Hàn Quốc sang Việt Nam giảm mạnh trong giai đoạn 2009-2012 và đạt mức thấp nhất năm 2009 với mức đầu tư chỉ bằng khoảng 45% so với năm 2008 [55]. Số lượng dự án cũng giảm hơn 50% so với năm 2008 cho thấy ảnh hưởng nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng toàn cầu này. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 tác động trực tiếp vào nền kinh tế Hàn Quốc do Hàn Quốc phụ thuộc 97% vào nguồn nhập khẩu năng lượng tự nhiên. Khi khủng hoảng tài chính xảy ra và lan trên diện rộng, giá dầu thô thế giới bắt đầu tăng mạnh, tác động đến tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Nửa đầu năm 2008, giá dầu tăng cao khiến nền kinh tế này mất ổn định, thâm hụt cán cân vãng lai tăng rất mạnh. Bên cạnh đó, các ngân hàng Hàn Quốc vay ngoại tệ đầu tư cho ngành công nghiệp chế tạo. Khi khủng hoảng xảy ra, tất cả các quốc gia đều bị ảnh hưởng và đưa ra các chính chính sách hạn chế nhập khẩu để bảo vệ cho nền kinh tế trong nước. Hàng hóa của Hàn Quốc không thể xuất khẩu như kỳ vọng, dẫn đến hậu quả là các công ty bị tồn hàng, thiếu vốn và không thể mở rộng kinh doanh cũng như đầu tư. Hơn nữa, cuộc khủng hoảng cũng khiến cho nhiều người bị sa thải, tỷ lệ thất nghiệp trong các nền kinh tế

89

và như cầu đối với tất cả các hành hóa, dịch vụ đều giảm so với giai đoạn trước. Trên thị trường chứng khoán, giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán giảm hơn 30%, khiến các nhà đầu tư Hàn Quốc bị hao hụt tài sản và thiếu vốn trầm trọng [55].

Biểu đồ 3.10. FDI Hàn Quốc vào Việt Nam giai đoạn 2009-3/2020

Nguồn: Tổng hợp từ Tổng cục Thống kê từ 2009-2020

Mặc dù Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ĐTCL vào năm 2009, với kỳ vọng sẽ tăng cường hợp tác đầu tư nhằm mang lại lợi ích cho cả hai nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn này, nhưng hiệu quả chưa cao do cả hai nước đều bị tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và không nằm ngoài xu thế chung là cả đầu tư, sản xuất cũng như tăng trưởng kinh tế đều chịu những ảnh hưởng tiêu cực. Giai đoạn 2013-2020, nền kinh tế Hàn Quốc bắt đầu khôi phục sau khủng hoảng, nên khối lượng vốn và số dự án của Hàn Quốc vào Việt Nam tăng mạnh trở lại với những dấu mốc mới trong quan hệ đầu tư hai nước. Giai đoạn này xuất hiện những dự án quy mô siêu lớn, với giá trị lên đến hàng tỷ USD, như dự án đầu tư của Tập đoàn Samsung tại BắcNinh, Thái Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh… với tổng vốn đầu tư là 14,3 tỷ USD [55]. Bên cạnh đó, quan hệ ĐTCL cũng có tác động tích cực đến việc ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Việt – Hàn (VKFTA) có hiệu lực cuối năm 2015 cũng như nhiều thoản thuận song phương và đa phương của Việt Nam. Đây là một trong những bước tiến mới trong quan hệ song phương, bởi trong ASEAN, Hàn Quốc mới chỉ ký FTA với Việt Nam và Singapore. Điều này cho thấy tầm

90

quan trọng của Việt Nam đối với Hàn Quốc và ngược lại. Quá trình hai nền kinh tế duy trì quan hệ tốt trong suốt giai đoạn khủng hoảng là tiền đề cho những hợp tác sâu rộng hơn không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà còn trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Ngoài ra, chính sách hướng Nam mới của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in, hướng đến phát triển quan hệ Hàn Quốc với Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á, cũng thúc đẩy dòng vốn FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam. Chính sách kinh tế mới này nhằm giúp Hàn Quốc bớt lệ thuộc vào các đối tác thương mại truyền thống là Mỹ và Trung Quốc, hai cường quốc kinh tế đang ở trong một cuộc chiến thương mại gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế Hàn Quốc. Các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng muốn phân tán rủi ro, thay vì tập trung vào thị trường Trung Quốc, do vậy, Việt Nam là một trong những lựa chọn tốt nhất trong giai đoạn này. Có thể thấy rằng, quan hệ ĐTCL không phải là yếu tố duy nhất thúc đẩy FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam. Tuy nhiên, đây là một trong những bước tiến quan trọng đánh dấu sự tin tưởng và mong muốn tăng cường hợp tác trong quan hệ hai bên. Việc thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược là tiền đề cho những thỏa thuận hợp tác về sau trong từng lĩnh vực cụ thể, giúp hai nền kinh tế ngày càng thắt chặt mối quan hệ hữu nghị.

Sau khi thiết lập quan hệ ĐTCL, Hàn Quốc luôn nằm trong top 5 quốc gia lớn nhất đầu tư vào Việt Nam. Năm 2013, khối lượng vốn đầu tư vào Việt Nam đạt 4,3 tỷ USD, xếp thứ 3 trong tổng số 54 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam sau Nhật Bản và Singapore. Đến giai đoạn 2015 – 2016, Hàn Quốc vượt qua Nhật Bản và Singapore, trở thành quốc gia đứng vị trí thứ nhất với tổng số vốn đầu tư đạt 6,9 tỷ USD, chiếm 28,81% tổng vốn FDI vào Việt Nam [55]. Nguyên nhân chính dẫn đến sự đột phá này là tác động từ Hiệp định VKFTA có hiệu lực cuối năm 2015.

Giai đoạn 2017-2018, Hàn Quốc đứng vị trí thứ 2 sau Nhật Bản về tổng số vốn đầu tư đăng ký. Tuy nhiên, tổng vốn đầu tư tích lũy đến 12/2018 của Hàn Quốc cao hơn so với Nhật Bản, với tổng vốn đầu tư 62,56 tỷ USD. Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 57,84 tỷ USD và Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký 46,62 tỷ USD. Năm 2019, tổng vốn FDI từ Hàn Quốc đạt mức 7,92 tỷ USD, chiếm khoảng 20,8% tổng số vốn FDI và là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam [55]. Năm 2020, do tác động toàn cầu từ dịch Covid-19, nên tình hình đầu tư trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việt Nam cũng nằm trong xu thế chung đó, với tổng thu hút FDI giảm 15,1% so với cùng kì năm 2019. Mặc dù vậy, thu hút FDI trong 6 tháng đầu năm 2020 vẫn đạt mức trên 15,67 tỷ USD với nhiều dự án lớn trên 1 tỷ USD. Trong nửa đầu năm 2020, mặc dù Hàn Quốc không phải là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, nhưng nếu xét về số lượng dự án đầu tư thì Hàn Quốc vẫn chiếm vị trí đầu tiên với 372 dự án, bỏ xa vị trí thứ 2 và thứ 3 là Trung

91

Quốc với 207 dự án và Nhật Bản với 154 dự án. Tính đến hết năm 2020, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam nếu tính theo vốn lũy kế là 70,6 tỷ USD, chiếm 18,4% tổng lượng vốn FDI [185].

Nhìn chung, luồng FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam tăng và giảm theo xu thế chung của hoạt động đầu tư và các tác động từ môi trường kinh doanh thế giới. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của quan hệ ĐTCL trong việc khẳng định và thúc đẩy mối quan hệ khăng khít, gắn bó giữa hai nền kinh tế Việt-Hàn, giúp đẩy mạnh hợp tác song phương trong lĩnh vực đầu tư.

Một phần của tài liệu QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC VIỆT NAM HÀN QUỐC TRONG LĨNH VỰC KINH TẾ (2009 - 2020). (Trang 89 - 94)