Chủ nghĩa tự do (liberalism) hay cách “tiếp cận tự do” là trường phái xuất hiện từ thời kỳ cải cách tôn giáo thế kỷ XVI ở Châu Âu. Chủ nghĩa tự do đã phát triển thành một trường phái gồm nhiều nhánh tư tưởng khác nhau, mặc dù cùng chung những giả định cơ bản. Theo đó, chủ nghĩa tự do đề cao vai trò của các cá nhân, hạn chế vai trò của nhà nước, nhấn mạnh nguyên tắc thượng tôn pháp luật, đồng thời bảo vệ các quyền tự do dân sự cá nhân, quyền sở hữu tư nhân [40]. Dù có nhiều tư tưởng tự do khác nhau, nhưng khái quát lại, chủ yếu có ba loại là tự do về chính trị, về kinh tế và về xã hội. “Chủ nghĩa tự do chính trị” nói về những tư tưởng ủng hộ việc thay thế nền quân chủ chuyên chế hay độc tài bằng một nền dân chủ tự do (có thể là cộng hòa hoặc quân chủ lập hiến). “Chủ nghĩa tự do xã hội” để chỉ những tư tưởng ủng hộ bình đẳng, đặt bình đẳng lên trên sự bất bình đẳng về cơ hội. Chủ nghĩa tự do đề cao lợi ích của hợp tác quốc tế, vốn có thể giúp các quốc gia thu được lợi ích tuyệt đối từ mối quan hệ với các quốc gia khác.
Lý luận về chủ nghĩa tự do đã giúp cho các nước có quyền được thiết lập các quan hệ với các đối tác khác một cách bình đẳng, cùng có lợi. Trên thực tế, Việt Nam và Hàn Quốc là hai quốc gia độc lập, đã thực hiện đầy đủ quyền lực của mình để xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Để thực hiện có hiệu quả các hoạt động đó, mỗi nước không chỉ tập trung vào các quan hệ đối nội, mà còn chú trọng các quan hệ đối ngoại, nhằm khai thác một cách tốt nhất những yếu tố tích cực từ bên ngoài để phát triển đất nước.Cụ thể ở đây là việc hai nước đã thiết lập quan hệ ở cấp độ đối tác chiến lược. Chủ nghĩa tự do kinh tế là một chủ thuyết lớn trong nghiên cứu kinh tế, ra đời khoảng từ thế kỷ XVII, do ảnh hưởng của Phái Khai sáng, với tư tưởng chủ đạo là đề cao tinh thần tự do - tự do sản xuất, tự do thương mại…Trong những giai đoạn phát triển khác nhau và bị chi phối bởi những điều kiện lịch sử - cụ thể khác nhau, nên đã xuất hiện nhiều trường phái kinh tế thuộc dòng chủ thuyết
này. Chẳng hạn, ở Pháp là Chủ nghĩa trọng nông, với đại biểu xuất sắc là F.Quesnay (1694- 1774). Ở Anh được thể hiện qua Chủ nghĩa cổ điển Anh với các đại biểu điển hình là W.Petty (1623-1678), A.Smith (1723-1790) và D.Ricardo (1772-1823).
Mặc dù có nhiều trường phái khác nhau, phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau, nhưng tư tưởng cơ bản của chủ nghĩa tự do trong kinh tế là tôn trọng các quy luật của thị trường, tôn trọng các lợi ích của các chủ thể tham gia thị trường. Trên thực tế, mặc dù Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm khác nhau, từ kinh tế đến chính trị…nhưng hai nước vẫn tôn trọng sự khác biệt đó, lấy hợp tác làm cơ sở, nhằm đảm bảo hài òa lợi ích của cả hai bên. Chẳng hạn, theo A. Smith, muốn có nền thương mại bền vững, thì quan hệ giữa các quốc gia phải mang tính chất bình đẳng (trao đổi ngang giá), đem lại lợi ích cho cả hai bên. Việc trao đổi hàng hóa căn cứ trên cơ sở chi phí sản xuất ra hàng hóa đó. Không được dùng các biện pháp của Nhà nước để cản trở buôn bán giữa các quốc gia. Những tư tưởng này đã được Việt Nam và Hàn Quốc thể hiện rất rõ từ việc ký các hiệp định đến thực tế triển khai các hiệp định ấy. Với tính chất bổ sung lẫn nhau, việc Hàn Quốc và Việt Nam ký Hiệp định thương mại tự do đã thúc đẩy thương mại nói riêng, hợp tác kinh tế nói chung phát triển không ngừng. Đáng chú ý là quan hệ kinh tế của Việt Nam với một số đối tác khác như Mỹ, Trung Quốc…bên cạnh hợp tác, cũng có không ít mâu thuẫn, bởi các nước đó đã tìm cách bảo hộ nền kinh tế của họ. Tuy nhiên, trong quan hệ kinh tế với Hàn Quốc, Việt Nam hầu như chưa gặp những trở ngại nào do phía Hàn Quốc tìm cách cản trở. Rõ ràng là việc tuân theo các quy luật của thị trường, cùng tôn trọng lợi ích của nhau đã làm cho quan hệ kinh tế nói riêng, quan hệ nói chung giữa Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng trở nên vững chắc.
Về vai trò của Nhà nước, vì nhấn mạnh vai trò của thị trường, nên chủ nghĩa tự do cho rằng, Nhà nước can thiệp vào nền kinh tế càng ít càng tốt. Nền kinh tế cần phải được phát triển trên cơ sở tự do kinh tế (tự do sản xuất, tự do liên doanh, liên kết, tự do mậu dịch). Hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa được phát triển theo sự điều tiết của bàn tay vô hình. Vai trò của Nhà nước chỉ nên là tối thiểu với ba chức năng chính: đảm bảo hòa bình để phát triển kinh tế, vai trò của một người bảo hộ tạo môi trường tự do cạnh tranh cho các quy luật kinh tế khách quan hoạt động, cung ứng hàng hỏa công cộng: an ninh, quốc phòng, giao thông... Thực tế, với Hàn Quốc là nền kinh tế thị trường đầy đủ, nên các tính chất này đã được thể hiện rất rõ. Còn Việt Nam, dù đang trong quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường, nhưng việc tuân theo các quy luật kinh tế, thực hiện những cam kết với các nước …cũng đang được triển khai một cách nghiêm túc, ngày càng có hiệu quả
hơn.
Hiện nay, hầu hết các quốc gia đều áp dụng cơ chế kinh tế hỗn hợp, trong đó có “bàn tay hữu hình là Nhà nước”, thông qua luật pháp, thuế và các chính sách kinh tế để điều chỉnh nền kinh tế xã hội kết hợp. Tuy nhiên, yếu tố tự do, “bàn tay vô hình” vẫn không thể bỏ qua được. Thậm chí trong một số hoàn cảnh, việc quản lý nền kinh tế phải để cho bàn tay thị trường tự quyết định, chứ bàn tay Nhà nước không thể làm thay được. Cả Việt Nam và Hàn Quốc đều đang áp dụng mô hình nền kinh tế hỗn hợp. Điều này cho thấy hai nước đang cùng đi theo một hướng, cùng tuân theo một “luật chơi chung”. Đây là cơ sở quan trọng, là yếu tố thuận lợi để hai nước hợp tác với nhau có hiệu quả hơn.
Trong thời kỳ hiện đại, người ta ít đưa ra các lý thuyết về tự do kinh tế, vì điều đó đã được khẳng định. Thay vào đó, nhân loại tìm cách biến những tư tưởng đó thành thực tế. Ví dụ như thông qua việc xây dựng các thể chế, các cơ chế hoạt động của nền kinh tế thế giới. Điển hình cho hoạt động này là việc ra đời của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Về bản chất, WTO chính là một “sân chơi” bình đẳng, một môi trường cạnh tranh hoàn hảo cho tất cả các đấu thủ…WTO đưa ra nhiều nguyên tắc, trong đó có các nguyên tắc mà ngay tên của nó cũng đã thể hiện sự tự do, bình đẳng trong quan hệ kinh tế quốc tế như nguyên tắc mở cửa thị trường, nguyêntắc cạnh tranh công bằng…. Việt Nam và Hàn Quốc đều là thành viên của WTO cũng như một số tổ chức, liên kết kinh tế như Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)….Đây là điều kiện giúp cho việc hợp tác nói chung, hợp tác kinh tế nói riêng giữa hai nước thêm thuận lợi.
Như vậy, chủ nghĩa tự do có nhiều luận điểm giải thích cho việc Việt Nam và Hàn Quốc hợp tác với nhau. Việc hợp tác này đựa trên cơ sở tôn trọng độc lập, tôn trọng quyền lợi của nhau. Trong bối cảnh chủ nghĩa tự do được triển khai trên thực tế, thông qua việc hình thành các tổ chức, thể chế quốc tế, Việt Nam và Hàn Quốc đều tích cực tham gia. Điều này đã làm cho quan hệ hai bên được củng cố không chỉ trên phương diện song phương, mà còn cả ở góc độ đa phương.