Các loại trụ trồng tiêu

Một phần của tài liệu Tài liệu tập huấn cho nông dân kỹ thuật sản xuất hồ tiêu bền vững (Trang 29 - 32)

3. Kỹ thuật trồng mới hồ tiêu

3.3. Các loại trụ trồng tiêu

Nhóm trụ sống

Trồng tiêu trên cây trụ sống là một trong những biện pháp canh tác hướng đến sản xuất hồ tiêu bền vững. Cây trụ sống tạo nên ánh sáng tán xạ nhẹ phù hợp với yêu cầu sinh thái của cây tiêu.

- Muồng đen (Cassia siamea) thuộc họ đậu, cây thân gỗ cao, to, vỏ cây hơi nhám thích hợp cho rễ tiêu leo bám. Có thể trồng bằng cây con gieo từ hạt hoặc trồng bằng cành.

Hình 19: Trụ muồng đen (thực sinh)

Hình 21: Trồng tiêu trên trụ keo dậu

Hình20: Trụ muồng đen (giâm cành)

- Keo dậu (Leucaena leucocephala) thuộc họ đậu, rễ có khả năng cố định đạm tốt, tán lá nhỏ, chịu được rong tỉa. Cây thích hợp với nhiều vùng trồng tiêu. Nếu trồng keo dậu cùng năm với trồng tiêu thì phải trồng thêm cây trụ tạm cho tiêu leo bám.

- Cây gòn (Ceiba pentandra) thuộc họ cẩm quỳ, thường được trồng bằng cây thực sinh hoặc giâm cành. Cây gòn chủ yếu được trồng ở vùng Đông Nam Bộ. Hiện nay nông dân ở vùng Tây Nguyên cũng đã trồng nhiều.

Ngoài ra còn có một số loài cây khác có thể sử dụng làm trụ sống cho tiêu như cây núc nác (Oroxylum indicum), cây mít (Artocarpus heterophyllus), xoan, cóc, hồng

Hình 22: Cây lồng mức làm trụ sống.

Hình 23: Trồng tiêu trên trụ gòn Hình 24: Trồng tiêu trên trụ núc nác

- Cây lồng mức(Wrightia annamensis) thuộc họ trúc đào, là cây thân gỗ, vỏ dày hơi xù xì nên dễ cho rễ tiêu leo bám. Có thể trồng bằng cây con gieo từ hạt hoặc bằng cành. Nhược điểm của cây lồng mức là chậm lớn, ít chịu rong tỉa.

Ưu điểm

- Chi phí đầu tư thấp.

- Điều hoà năng suất vườn tiêu, tránh hiện tượng cho quả cách năm, thời gian khai thác dài.

- Điều hoà tiểu khí hậu vườn tiêu, bảo vệ vườn tiêu trong điều kiện nắng hạn hoặc gió bão, sử dụng làm gỗ dân dụng.

- Rễ cây trụ sống thuộc họ đậu có tác dụng cố định đạm, cành và lá làm phân xanh bón cho tiêu, hoặc làm thức ăn cho gia súc.

Nhược điểm

- Phải mất ít nhất 1-2 năm, cây trụ sống mới đủ tiêu chuẩn cho cây tiêu leo. Do vậy, phải có trụ tạm cho cây tiêu leo bám trong khoảng 2 năm.

- Tốn công rong tỉa trong mùa mưa, một số sâu bệnh gây hại cây trụ

- Ở vùng Đông Nam Bộ thường trồng bằng cây gòn giâm cành, chỉ phát triển rễ ngang, không có rễ cọc. Do vậy, khả năng chống chịu với gió bão kém, đặc biệt là những trụ tiêu cao 6-8 m, dễ bị gãy đổ.

Nhóm trụ chết: bao gồm trụ gỗ, trụ gạch xây, trụ đúc xi măng.

- Trụ gỗ (không khuyến cáo): Phần lớn diện tích trồng hồ tiêu trên trụ gỗ tập trung ở vùng Tây Nguyên. Người dân lấy cây gỗ chắc như căm xe làm trụ trồng tiêu. Hình thức canh tác này không bền vững, tác động xấu đến môi trường rừng.

- Trụ gạch: Kích thước và hình dạng trụ gạch biến đổi tùy theo nông hộ, địa phương.

Có 2 loại trụ gạch thông dụng:

- Trụ gạch vuông có lõi sắt, cạnh 20 – 25cm. Chiều cao trụ từ 3,2 - 3,5m. Trụ gạch vuông này đang được sử dụng rộng rãi ở Đăk Lăk.

- Trụ gạch tròn có đường kính gốc trụ 0,8 – 1,0m, dài 4- 4,5m và đường kính đỉnh trụ 0,6 – 0,8 m.

- Trụ đúc bê tông:

Chiều rộng phần gốc trụ từ 20 – 22 cm, phần ngọn trụ từ 17 – 19cm. Chiều cao trụ 4 – 4,5m. Sau khi dựng trụ, chiều cao trụ còn 3,5 – 4m tính từ mặt đất. Hình dáng trụ phù hợp là trụ đúc vuông; lục giác rỗng bên trong có 3 – 4 cây sắt phi 10 – 12 mm làm lõi.

Nhận xét

- Có thể trồng tiêu ngay sau việc chôn trụ, dây tiêu leo bám ngay trên cây trụ. Tuy nhiên, chi phí đầu tư ban đầu cao, thời gian trồng mới cần che chắn cẩn thận do đó chi phí tăng. Trồng tiêu trên trụ gỗ làm gia tăng tình trạng phá rừng, kém bền vững.

- Vườn tiêu thường ra hoa quả quá độ, cho bội thu đầu thời kỳ kinh doanh và sau đó cây suy kiệt, sản lượng giảm nhanh, cây dễ nhiễm các loại sâu bệnh hại và tàn lụi. Các loại trụ bằng vật liệu xây dựng như trụ gạch, trụ đúc bê tông cũng có tình trạng suy kiệt tương tự nếu vườn tiêu không được trồng cây che bóng để điều tiết sự ra hoa quả hợp lý.

Một phần của tài liệu Tài liệu tập huấn cho nông dân kỹ thuật sản xuất hồ tiêu bền vững (Trang 29 - 32)