1.3.1. Kinh nghiệm một số địa phương
1.3.1.1. Kinh nghiệm quản lý công chức ở thành phố Đà Nẵng
Về quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng công chức: Thành ủy Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị mỗi đồng chí Thành uỷ viên lựa chọn, giới thiệu với Ban Thường vụ Thành uỷ một cán bộ trẻ dưới 40 tuổi, có năng lực chuyên môn nghiệp vụ khá, tốt nghiệp đại học chính quy, có đạo đức phẩm chất tốt, lịch sử chính trị đảm bảo theo quy định của Trung ương để Ban Thường vụ Thành ủy xem xét đào tạo, bồi dưỡng nhằm bố trí vào các chức danh lãnh đạo, quản lý các cơ quan thuộc Thành phố. Kết quả có 45 cán bộ trẻ mà hầu hết là chuyên viên và trưởng, phó phòng các sở, ngành được giới thiệu tạo nguồn cán bộ chủ chốt quận, huyện, sở ngành thành phố. Đến nay, trong số này đã có 34 đồng chí được bổ nhiệm giữ các chức vụ cao hơn. Bên cạnh việc đào tạo đội ngũ cán bộ các cấp cho thành phố, để tập hợp những cán bộ trẻ, có triển vọng, năng lực và có điều kiện học tập, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, thành phố đã thành lập Câu lạc bộ cán bộ trẻ, các hội viên của Câu lạc bộ thường xuyên được tổ chức bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý.
Tuyển dụng công chức là một khâu trong công tác cán bộ, có mục đích chọn được những người thực sự ưu tú, có đủ tố chất cần thiết để trở thành công bộc của nhân dân. Đà Nẵng luôn đổi mới cách nghĩ, cách làm, sao cho việc tuyển dụng được người có năng lực và phẩm chất vượt trội trong số các ứng viên mà không chệch định hướng của cấp trên. Kinh nghiệm Đà Nẵng là sớm chủ động lựa chọn nguồn ứng cử viên cho việc tuyển dụng công chức. Chính sách chiêu hiền là một cách sớm chủ động lựa chọn. Bởi trải thảm đỏ là vừa phải biết mời vào lại vừa phải biết mời ra. Biết mời vào những người thực sự tài giỏi, tài năng đi đôi với bằng cấp và danh hiệu. Đồng thời biết mời ra những người không được như vậy. Một cách sớm chủ động lựa chọn nữa là tuyển người đưa đi đào tạo theo chuẩn chất lượng cao chủ yếu bằng ngân sách của thành phố.
Chẳng hạn, đưa đi đào tạo đại học và sau đại học ở nước ngoài đi đôi với việc phân công sau đào tạo một cách hợp lý. Nhờ sớm chủ động tạo nguồn ứng cử
viên đa dạng nên việc tuyển dụng công chức ở Đà Nẵng có điều kiện thuận lợi để chọn lựa chính xác những người ưu tú hơn, có đủ tố chất cần thiết trở thành công bộc của nhân dân. Kết quả, kinh nghiệm thi tuyển công chức, cán bộ quản lý của Đà Nẵng cho thấy công tác cán bộ cần sát thực tiễn, luôn đổi mới tư duy, cách làm sáng tạo nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
1.3.1.2. Kinh nhiệm quản lý công chức ở thành phố Cần Thơ
Thành phố Cần Thơ với nỗ lực xây dựng và phát triển thành trung tâm, động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đảng bộ, chính quyền thành phố tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm nhanh chóng đào tạo, xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ có năng lực lãnh đạo, quản lý đưa thành phố phát triển ngang tầm với yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Về quy hoạch và đào tạo công chức thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Cần Thơ đã chỉ đạo các ngành, các cấp bám sát chỉ đạo của TW xây dựng quy hoạch công chức đồng bộ từ thành phố đến cơ sở, lấy quy hoạch cấp dưới làm cơ sở xây dựng quy hoạch cấp trên. Quy trình xây dựng quy hoạch được thực hiện đầy đủ các bước theo quy định và luôn bảo đảm đặt dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của các cấp ủy đảng, đồng thời phát huy dân chủ trong việc phát hiện, giới thiệu nguồn công chức đưa vào quy hoạch. Công tác quy hoạch được tiến hành theo phương châm "động" và "mở". Hằng năm, các cấp ủy đảng đánh giá lại công chức trong diện quy hoạch, từ đó xem xét điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, đưa ra khỏi quy hoạch những người không còn đủ tiêu chuẩn và điều kiện, bổ sung vào quy hoạch những nhân tố mới có triển vọng. Công bố công khai quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của thành phố cho cán bộ, đảng viên và nhân dân biết để giúp đỡ, giám sát. Song song với công tác quy hoạch, Cần Thơ thường xuyên quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho công chức. Đào tạo cán bộ cơ sở, quận, huyện và thành phố đạt chuẩn.
Cần Thơ quan tâm chính sách khuyến khích, hỗ trợ nguồn nhân lực ưu tiên tuyển dụng tiếp nhận người có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ và độ đại học về công tác tại các sở, ban, ngành, các quận, huyện và xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố, chủ động đề ra và thực hiện nhiều mô hình, cách làm hay để chuẩn hóa nâng cao chất lượng công chức.
Kinh nghiệm nổi bật của Cần Thơ là đẩy mạnh đưa tin học hóa trong quản lý cán bộ, công chức thành phố chấp hành tốt các quy định và hướng dẫn của Trung ương trong công tác quản lý công chức. Nhằm quản lý tốt thông tin công chức, thông qua Dự án tăng cường tác động cải cách hành chính thành phố Cần Thơ, Sở Nội vụ phối hợp với Ban quản lý dự án Tăng cường tác động Cải cách hành chính
thành phố xây dựng phần mềm quản lý thông tin cán bộ, công chức, viên chức thành phố Cần Thơ. Phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức là giải pháp tổng thể được thiết kế và xây dựng áp dụng cho khối cơ quan Nhà nước. Giúp cho các cơ quan, đơn vị theo dõi quá trình biến đổi thông tin của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình công tác từ khi bắt đầu vào cơ quan cho đến nghỉ hưu. Ngoài ra, phầm mềm giúp các đơn vị có thẩm quyền quản lý cán bộ công chức, viên chức quản lý hồ sơ nhân sự hiệu quả, giảm chi phí, thời gian, công sức, thuận tiện trong việc báo cáo, tra cứu, tìm kiếm hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức. Các chức năng chính của Phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức, bao gồm: Quản lý tổ chức, Quản lý hồ sơ cán bộ công chức, Quản lý quá trình công tác, Quản lý quá trình lương, phụ cấp, Quản lý quá trình biên chế, hợp đồng, Quản lý quá trình đào tạo, bồi dưỡng, Quản lý quá trình khen thưởng, kỷ luật, Quản lý quá trình bảo hiểm, Quản lý quá trình công tác Đảng .…
1.3.2. Bài học cho Sở Nội vụ tỉnh Lạng Sơn
Từ thực tế quản lý công chức của các địa phương Đà Nẵng, Cần Thơ và thực tiễn công tác quản lý công chức của tỉnh, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho công tác quản lý công chức của Sở Nội vụ tỉnh Lạng Sơn như sau:
Một là:Thực hiện nghiêm túc các Luật, Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Nội vụ và các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, chương trình, đề án của tỉnh về công tác cán bộ.
Hai là: Đặc biệt coi trọng và thực hiện tốt các khâu xây dựng kế hoạch, quy hoạch, tạo nguồn đến đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động… Công tác đào tạo, bồi dưỡng phải lấy tiêu chuẩn chức danh, VTVL và kết quả quy hoạch làm căn cứ đào tạo.
Ba là: Chú trọng công tác tuyển dụng, ưu tiên tuyển dụng tiếp nhận theo VTVL đối với những người có trình độ để chuẩn hóa nâng cao chất công chức. Thực hiện chính sách thu hút nhân tài đưa những người có trình độ cao, có năng lực, các chuyên gia giỏi vào cơ quan quản lý nhà nước.
Bốn là: Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Năm là:Chú trọng tạo điều kiện phát triển đội ngũ công chức.
CHƯƠNG 2