Hiện nay, trên phương diện lý thuyết có nhiều định nghĩa về doanh nghiệp, mỗi định nghĩa đều mang một nội dung nhất định với một giá trị nhất định. Điều này cũng là đương nhiên vì mỗi tác giả đứng trên nhiều quan điểm khác nhau khi tiếp cận doanh nghiệp để phát biểu. Doanh nghiệp là thuật ngữ có nguồn gốc từ lĩnh vực kinh tế học.
Ở góc độ pháp lý: Theo điều 4, Luật Doanh nghiệp ban hành ngày 26 tháng 11 năm 2014 định nghĩa: “Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài
sản,có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh” [17, Điều 4].
Xét theo quan điểm luật pháp: Doanh nghiệp là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân, có con dấu, có tài sản, có quyền và nghĩa vụ dân sự hoạt động kinh tế theo chế độ hạch toán độc lập, tự chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động kinh tế trong phạm vi vốn đầu tư do doanh nghiệp quản lý và chịu sự quản lý của Nhà nước bằng các loại luật và chính sách thực thi.
Xét theo quan điểm chức năng: Doanh nghiệp được định nghĩa như sau: Doanh nghiệp là một đơn vị tổ chức sản xuất mà tại đó người ta kết hợp các yếu tố sản xuất (có sự quan tâm giá cả của các yếu tố) khác nhau do các nhân viên của công ty thực hiện nhằm bán ra trên thị trường những sản phẩm hàng hóa hay dịch vụ để nhận được khoản tiền chênh lệch giữa giá bán sản phẩm với giá thành của sản phẩm ấy (M.Francois Peroux).
Xét theo quan điểm phát triển: Doanh nghiệp là một cộng đồng người sản xuất ra những của cải. Nó sinh ra, phát triển, có những thất bại, có những thành công, có lúc vượt qua những thời kỳ nguy kịch và ngược lại có lúc phải ngừng sản xuất, đôi khi tiêu vong do gặp phải những khó khăn không vượt qua được [9].
Xét theo quan điểm hệ thống: Doanh nghiệp bao gồm một tập hợp các bộ phận được tổ chức, có tác động qua lại và theo đuổi cùng một mục tiêu. Các bộ phận tập hợp trong doanh nghiệp gồm 4 phân hệ sau: sản xuất, thương mại, tổ chức, nhân sự.