Vai trò của tổ chức pháp chế trong các doanh nghiệp Nhà nước

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Vai trò của tổ chức pháp chế trong các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Trang 30 - 34)

Nói đến “vai trò” là nói đến những “tác dụng, chức năng trong sự hoạt động, sự phát triển của cái gì đó” [21, tr.1075]. Như vậy, có thể hiểu “vai trò

của tổ chức pháp chế trong hoạt động của các doanh nghiệp” là vị trí, chức năng, tác dụng của tổ chức pháp chế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Các tổ chức pháp chế là công cụ sắc bén, hữu hiệu, là cơ quan tham mưu về chính sách, pháp luật, là “tai mắt” giúp lãnh đạo theo dõi việc thực hiện chính sách, pháp luật của doanh nghiệp. Tổ chức pháp chế là một bộ phận của công tác tư pháp. Mục tiêu đặt ra đối với công tác pháp chế là góp phần quản lý Nhà nước, quản lý xã hội có hiệu lực, hiệu quả.

Vai trò của tổ chức pháp chế thể hiện trên ba phương diện:

- Tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo doanh nghiệp trong việc xây dựng, bổ sung, sửa đổi điều lệ doanh nghiệp, xây dựng và ban hành nội dung, quy chế của doanh nghiệp, kiến nghị với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các VBQPPL có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

- Đại diện pháp lý cho doanh nghiệp: Tổ chức pháp chế thay mặt cho chủ doanh nghiệp tham gia giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người lao động; tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện pháp lý theo ủy quyền của chủ doanh nghiệp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp và người lao động.

- Quản trị rủi ro cho doanh nghiệp: trong đó dự báo, đánh giá và kiểm soát rủi ro là quan trọng, đặc biệt là khi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế bởi lợi nhuận càng cao rủi ro càng lớn.

Bởi vậy, vai trò của tổ chức pháp chế doanh nghiệp vô cùng quan trọng nhằm dự báo, đánh giá, kiểm soát rủi ro trong môi trường đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đảm bảo an toàn pháp lý trong hoạt động của mình.

Lợi ích hàng đầu mà tổ chức pháp chế mang lại cho doanh nghiệp đó là bảo đảm sự tồn tại và phát triển bền vững của doanh nghiệp bởi lẽ trong kinh doanh lợi nhuận là yếu tố hàng đầu, nhưng để đạt được lợi nhuận một cách an toàn và hiệu quả mà không gặp rủi ro thì yếu tố an toàn pháp lý phải được đảm bảo. Là bộ phận dẫn dắt doanh nghiệp trong hành lang pháp lý an toàn, tổ chức pháp chế doanh nghiệp có thể giúp doanh nghiệp tự tin tiến bước trên thương trường. Về phương diện xã hội, đội ngũ “gác cổng” chuyên nghiệp này còn giúp doanh nghiệp xây dựng được văn hóa tuân thủ pháp luật, góp phần bảo đảm pháp chế XHCN cũng như có ý thức học hỏi và tôn trọng luật pháp quốc tế trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp khi đã xây dựng được được đội ngũ cán bộ pháp chế vững mạnh thì vị thế doanh nghiệp được nâng lên trong các cuộc đàm phán với đối tác, nhất là với các đối tác nước ngoài. Điều này còn là một khẳng định doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, minh bạch, luôn tuân thủ luật pháp và đáng tin cậy. Chủ doanh nghiệp sẽ yên tâm về tất cả các hợp đồng, các hồ sơ, tài liệu bởi những rủi ro pháp lý đã được lường trước, giảm bớt và có thể được loại bỏ bởi sự thẩm định của cán bộ pháp chế.

Tổ chức pháp chế cũng giúp doanh nghiệp tìm hiểu, nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để kịp thời tránh cho doanh nghiệp những thiệt hại không đáng có. Như vậy có thể thấy việc doanh nghiệp xây dựng cho mình một đội ngũ “thầy thuốc” chuyên chữa trị những căn bệnh pháp lý cho chính doanh nghiệp là vô cùng cần thiết. Pháp chế doanh nghiệp là những người am hiểu pháp luật, cùng với việc cọ xát thực tế kinh doanh của doanh nghiệp giúp người quản lý có quyết sách đúng, triển khai hoạt động kinh doanh đúng pháp luật, hạn chế rủi ro. Bộ phận pháp chế tham gia ngay ở giai đoạn đầu đối với tất cả các hợp đồng,ban hành quy chế công ty, nội quy công ty đều có bộ phận pháp chế tư vấn.

Tổ chức pháp chế là bộ phận chuyên trách chuyển tải kiến thức pháp luật vào đời sống doanh nghiệp, từng bước mở rộng và nâng dần hệ thống tri thức pháp luật cho lãnh đạo doanh nghiệp và cán bộ, công nhân, viên chức của doanh nghiệp. Điều này giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật trên cơ sở chuyển biến ý thức, hành vi chấp hành pháp luật từ tự phát sang tự giác. Xây dựng lòng tin của doanh nghiệp vào pháp luật khi pháp luật thực sự bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, đảm bảo sự công bằng và tổ chức pháp chế hoạt động như một cầu nối giữa việc gắn thực thi pháp luật với hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Tổ chức pháp chế doanh nghiệp với chức năng của mình giúp doanh nghiệp có sự chặt chẽ trong kinh doanh, đồng thời nắm bắt nhiều cơ hội kinh doanh, hạn chế rủi ro trong hoạt động của mình. Những ý kiến tư vấn của pháp chế doanh nghiệp thực sự mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, tạo được sự tín nhiệm của lãnh đạo.

Với những Tập đoàn, Tổng công ty và những doanh nghiệp có quy mô lớn thì bộ phận pháp chế được thành lập do quy mô sản xuất ngày càng phát triển, phạm vi kinh doanh ngày càng mở rộng, nhiều hợp đồng hợp tác kinh doanh lớn có liên quan tới yếu tố nước ngoài, nhiều dự án đầu tư phải tiến hành đấu thầu quốc tế phải thuê các công ty luật, các công ty tư vấn giám sát dự án đầu tư. Hoạt động này ngày càng trở nên phổ biến khi nhiều doanh nghiệp đã gặp những rủi ro trong quá trình làm ăn với các đối tác nước ngoài do thiếu hiểu biết về pháp luật, tập quán kinh doanh của mỗi quốc gia và thông lệ quốc tế. Do đó, pháp chế doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong quá trình quản trị, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; vừa giúp lãnh đạo những vấn đề thuộc phạm vi pháp luật; vừa làm đầu mối quan hệ với các tổ chức tư vấn chuyên môn, tư vấn luật để đảm bảo về mặt pháp lý. Mục tiêu chính của các doanh nghiệp khi thành lập ra tổ chức pháp chế là giúp cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp luôn an toàn trong hành lang pháp lý.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Vai trò của tổ chức pháp chế trong các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Trang 30 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)