1.1. Sự cần thiết và vai trò giám sát của Ngân hàng Nhà nước
1.1.1. Sự cần thiết của giám sát ngân hàng
Sự phát triển của khu vực ngân hàng và thị trường tài chính với hàng loạt các loại hình dịch vụ hiện đại kéo theo không ít những rủi ro tiềm ẩn. Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn đòi hỏi phải đổi mới về hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng đáp ứng yêu cầu phát triển của hệ thống ngân hàng và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Theo đó, hoạt động giám sát phải được xem là phương thức chủ yếu bởi tính tích cực của nó trong việc cảnh báo sớm và phòng ngừa rủi ro nhằm đảm bảo an toàn hoạt động đối với toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung và từng ngân hàng thương mại nói riêng.
Thực tiễn công tác giám sát các TCTD nói chung và các NHTM nói riêng cho thấy để nắm bắt được thường xuyên thực trạng hoạt động của các TCTD, đặc biệt là tình hình tài chính, các yếu tố dẫn đến rủi ro gây mất an toàn hệ thống; xử lý kịp thời những vấn đề nghiêm trọng xảy ra, tránh lây lan dây chuyền, gây rối loạn cho nền kinh tế, cần phải có một bộ máy tổ chức tối ưu, quy trình giám sát hiệu quả, phương pháp giám sát, công cụ giám sát phù hợp và hạ tầng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại phục vụ hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng.
1.1.2. Khái niệm giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với ngân hàngthương mại thương mại
1.1.2.1. Khái niệm giám sát của ngân hàng nhà nước
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, hoạt động ngân hàng ngày càng mở rộng và phát triển mạnh mẽ làm cho các tổ chức tín dụng (TCTD) đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế nói chung và đối với từng tổ chức kinh tế và cá nhân nói riêng. Thực tiễn cho thấy, hoạt động kinh doanh của TCTD luôn đi kèm với rủi ro có thể xảy ra (rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động, rủi ro
thanh khoản, rủi ro khác). Do vậy, việc mở rộng và phát triển hoạt động ngân hàng luôn đồng nghĩa với việc phải chấp nhận sự xuất hiện thêm nhiều loại rủi ro có thể xảy ra. Với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, các TCTD có thể sẵn sàng chấp nhận mức độ rủi ro cao để đạt được mục tiêu đề ra của mình. Tuy nhiên, khi rủi ro xảy ra thì cũng đồng nghĩa với việc TCTD phải đối mặt với những hậu quả và tổn thất lớn như phá sản hay đóng cửa hoạt động. Việc một ngân hàng mất khả năng thanh khoản hay phá sản mang lại hậu quả cho nền kinh tế là rất nghiêm trọng, nên mọi hoạt động kinh doanh ngân hàng phải cần được giám sát chặt chẽ bởi các cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, ngân hàng để ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ, đảm bảo sự an toàn lành mạnh cho toàn hệ thống.
Theo ủy ban Basel, thuật ngữ "Giám sát ngân hàng" được hiểu theo nghĩa rộng là các hoạt động nhằm đảm bảo sự an toàn và lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng, bao gồm: xây dựng các quy định pháp lý, cấp phép, giám sát từ xa, thanh tra tại chỗ cưỡng chế thực thi các yêu cầu chỉnh sửa. Tuy nhiên, theo nghĩa hẹp, Giám sát Ngân hàng có thể chỉ được hiểu là các hoạt động thanh tra, giám sát tổ chức và hoạt động của Tổ chức tín dụng và hoạt động Ngân hàng của các tổ chức khác.
Theo nghĩa rộng, hoạt động Giám sát ngân hàng được hiểu là các hoạt động nhằm đảm bảo sự an toàn và lành mạnh của hệ thống các TCTD, bao gồm: xây dựng các quy định pháp lý, cấp phép, giám sát từ xa, thanh tra tại chỗ cưỡng chế thực thi các yêu cầu chỉnh sửa. Tuy nhiên, theo nghĩa hẹp, Giám sát Ngân hàng có thể chỉ được hiểu là các hoạt động thanh tra tại chỗ và giám sát từ xa đối với hoạt động của các TCTD và hoạt động Ngân hàng của các tổ chức khác.
Theo định nghĩa của Nguyễn Thị Minh Huệ (2011), hoạt động giám sát ngân hàng được hiểu là tất cả các hoạt động của ngân hàng trung ương trong hệ thống giám sát vĩ mô đối với toàn bộ hệ thống ngân hàng thương mại nhằm đảm bảo cho sự an toàn và lành mạnh của hệ thống, bao gồm: xây dựng hệ thống pháp lý, cấp phép, giám sát từ xa, thanh tra tại chỗ, cưỡng chế thực thi. Theo đó, hoạt động thanh tra tại chỗ và giám sát từ xa đóng vai trò trụ cột đối với hoạt động giám sát của NHNN đối với các
TCTD.
Theo quy định tại Khoản 12 Điều 6 Luật NHNN năm 2010, “Giám sát ngân hàng là hoạt động của Ngân hàng Nhà nước trong việc thu thập, tổng hợp, phân tích thông tin về đối tượng giám sát ngân hàng thông qua hệ thống thông tin, báo cáo nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời rủi ro gây mất an toàn hoạt động ngân hàng, vi phạm quy định an toàn hoạt động ngân hàng và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Luận văn sử dụng khái niệm giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đối với các ngân hàng thương mại theo quy định tại Khoản 12 Điều 6 Luật NHNN năm 2010.
Mục đích thanh tra giám sát ngân hàng của ngân hàng nhà nước được quy định tại Điều 50 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 là “Giám sát ngân hàng nhằm góp phần bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng và hệ thống tài chính; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và khách hàng của tổ chức tín dụng; duy trì và nâng cao lòng tin của công chúng đối với hệ thống các tổ chức tín dụng; bảo đảm việc chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng; góp phần nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng”.