Nhân tố pháp luật

Một phần của tài liệu TĂNG CƯỜNG GIÁM SÁT CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC CHI NHÁNH TỈNH CAO BẰNG ĐỐI VỚI CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI (Trang 49 - 50)

Một trong những nguyên tắc của hoạt động thanh tra, giám sát là tuân thủ pháp luật. Do vậy, cần thiết phải có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng, các quy định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, trình tự và thủ tục thanh tra, giám sát,… đồng bộ, nghiêm minh và phù hợp với thông lệ quốc tế, làm cơ sở pháp lý quan

trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng, đồng thời buộc đối tượng thanh tra, giám sát thực hiện nghiêm các yêu cầu của thanh tra, giám sát ngân hàng. Mặt khác, thanh tra, giám sát ngân hàng là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước thể hiện ở chỗ thanh tra, giám sát ngân hàng có những quyền hạn được pháp luật quy định và được Nhà nước đảm bảo, để thanh tra, giám sát phát huy vai trò của mình, hệ thống pháp luật phải trao cho thanh tra, giám sát ngân hàng những quyền hạn tương xứng với nhiệm vụ. Sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật nói chung và về thanh tra, giám sát ngân hàng nói riêng là một trong những nhân tố không thể thiếu, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra, giám sát.

Xuất phát từ tầm quan trọng của hoạt động thanh tra, giám sát đối với việc đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng Việt Nam nên Chính phủ và NHNN đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách điều chỉnh hoạt động này. Đó là hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật gồm Luật, Nghị định, Thông tư, Chỉ thị, Quyết định, Quy chế. Đáng chú ý là sự ra đời của Luật NHNN và Luật Các TCTD năm 2010 được xem là bước tiến quan trọng trong hoạt động của ngành ngân hàng. Công tác thanh tra và giám sát các TCTD đã thể hiện rõ sự thay đổi về cơ chế quản lý của ngành ngân hàng, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo Luật NHNN “Thanh tra ngân hàng là hoạt động thanh tra của Ngân hàng Nhà nước đối với các đối tượng thanh tra ngân hàng trong việc chấp hành pháp luật về tiền tệ và ngân hàng”; “Giám sát ngân hàng là hoạt động của Ngân hàng Nhà nước trong việc thu thập, tổng hợp, phân tích thông tin về đối tượng giám sát ngân hàng thông qua hệ thống thông tin, báo cáo nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời rủi ro gây mất an toàn hoạt động ngân hàng, vi phạm quy định an toàn hoạt động ngân hàng và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Một phần của tài liệu TĂNG CƯỜNG GIÁM SÁT CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC CHI NHÁNH TỈNH CAO BẰNG ĐỐI VỚI CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI (Trang 49 - 50)