Sự khác nhau giữa khía cạnh tài chính và khía cạnh kinh tế xã hội của dự án đầu tư

Một phần của tài liệu Bài giảng quản trị dự án (Trang 64 - 66)

• Mức độ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống của dân cư được thể hiện gián tiếp qua các số liệu cụ thể về mức gia tăng sản phẩm quốc dân, mức gia tăng tích lũy vốn, tốc độ phát triển.

• Phân phối lại thu nhập thể hiện qua sự đóng góp của công cuộc đầu tư vào việc phát triển các vùng kinh tế kém phát triển, nâng cao đời sống của các tầng lớp dân cư.

• Gia tăng số lao động có việc làm. Đây là một trong những mục tiêu chủ yếu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các nước thừa lao động, thiếu việc làm.

• Tăng thu và tiết kiệm ngoại tệ. Những nước đang phát triển thường không chỉ nghèo mà còn là các nước nhập siêu. Do đó, đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu là những mục tiêu quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân của nước này.

• Các tiêu chuẩn đánh giá khác có thể là: § Tăng thu cho ngân sách;

§ Tận dụng hay khai thác tài nguyên chưa được quan tâm hay mới phát hiện;

§ Phát triển các ngành công nghiệp chủ đạo có tác dụng gây phản ứng dây chuyền thúc đẩy phát triển các ngành nghề khác;

§ Phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương nghèo, các vùng xa xôi, dân cư thưa thớt nhưng có nhiều triển vọng về tài nguyên để phát triển kinh tế.

2.4.2. Sự khác nhau giữa khía cạnh tài chính và khía cạnh kinh tế xã hội của dự án đầu tư đầu tư

2.4.2.1 Sự khác nhau về góc độ và mục tiêu nghiên cứu

Nghiên cứu khía cạnh tài chính chỉ đứng trên góc độ của nhà đầu tư còn phân tích kinh tế - xã hội phải đứng trên góc độ của toàn bộ nền kinh tế và toàn bộ xã hội. Trên góc độ người đầu tư, mục đích cụ thể có nhiều, nhưng quy tụ lại là lợi nhuận. Khả năng sinh lợi của dự án là thước

đo chủ yếu quyết định sự chấp nhận một việc làm mạo hiểm của nhà đầu tư. Dự án có khả năng sinh lợi càng cao thì càng hấp dẫn các nhà đầu tư. Tuy nhiên, trên góc độ nền kinh tế và toàn bộ xã hội thì sự đóng góp của dự án đối với nền kinh tế thông qua gia tăng phúc lợi của toàn xã hội sẽ được quan tâm. Lợi ích của dự án trên góc độ nền kinh tế là lợi ích có tính cộng đồng và đôi khi có thể mâu thuẫn với lợi ích của chủ đầu tư. Chi phí trong nghiên cứu kinh tế - xã hội trong một số trường hợp có thể là lợi ích hoặc ưu đãi mà nhà đầu tư được hưởng.

Nói cách khác, nghiên cứu tài chính chỉ mới xem xét hiệu quả của dự án trên khía cạnh vi mô, còn nghiên cứu kinh tế - xã hội sẽ phải xem xét trên khía cạnh vĩ mô. Nghiên cứu tài chính chỉ xem xét hiệu quả dưới góc độ sử dụng vốn bằng tiền còn nghiên cứu kinh tế - xã hội sẽ xem xét hiệu quả dưới góc độ sử dụng tài nguyên của đất nước.

2.4.2.2 Khác nhau về mặt tính toán

Do khác nhau về góc độ và mục tiêu nghiên cứu, nên trong tính toán cũng sẽ có nhiều điểm khác biệt. Đối với phương pháp nghiên cứu chi phí - lợi ích, về cơ bản việc nghiên cứu kinh tế - xã hội dự án đầu tư không tách rời với phân tích tài chính. Mà giữa chúng có mối liên hệ, hỗ trợ lẫn nhau do các yếu tố đầu vào và đầu ra của dự án nói chung là giống nhau. Về nguyên tắc, nghiên cứu tài chính phải tiến hành trước và làm cơ sở cho nghiên cứu kinh tế - xã hội. Chỉ có điều, khi sử dụng các kết quả của nghiên cứu tài chính để tiến hành nghiên cứu kinh tế - xã hội cần phải chú ý một số điểm sau:

Thứ nhất, đối với thuế: Đối với các nhà đầu tư, thuế phải nộp là một khoản thu nhập của ngân sách quốc gia và cũng là khoản thu của nền kinh tế. Ngược lại, việc miễn hay giảm thuế cho các nhà đầu tư lại là một khoản chi phí mà xã hội phải gánh chịu. Vì vậy, về mặt tính toán, khi tính thu nhập ròng trong nghiên cứu tài chính ta đã trừ đi các khoản thuế thì trong nghiên cứu kinh tế - xã hội ta phải cộng các khoản này vào để xác định giá trị gia tăng cho xã hội mà dự án đem lại (đó là đối với việc tính toán các chỉ tiêu nghiên cứu kinh tế - xã hội từ kết quả của nghiên cứu tài chính).

Tương tự, đối với các khoản trợ cấp, bù giá thì đó là một ưu đãi, một lợi ích cho các nhà đầu tư nhưng nó lại là một khoản chi phí mà xã hội phải gánh chịu đối với việc thực hiện dự án. Vì vậy, khi tính toán các chỉ tiêu nghiên cứu kinh tế - xã hội của dự án, ta phải trừ đi các khoản trợ giá hay bù giá nếu có.

Thứ hai, đối với tiền lương và tiền công trả cho người lao động là một khoản chi đối với nhà đầu tư song lại là một khoản thu mà dự án mang lại cho dự án. Nói cách khác, trong nghiên cứu tài chính, chúng ta coi tiền lương và tiền công là chi phí thì trong nghiên cứu kinh tế - xã hội ta phải coi các khoản này là thu nhập. Tuy nhiên, tiền lương và tiền công thực chi của dự án trong phần lớn các trường hợp không phản ánh hết được giá trị lao động đóng góp cho dự án. Vì vậy, trong nghiên cứu kinh tế - xã hội, người ta thường sử dụng khái niệm “lương mờ” (shadow wage) hay là mức lương tham khảo. Nhưng để đơn giản, người ta có thể điều chỉnh giản đơn như sau: Đối với lao động có kỹ năng (skilled labour) người ta để nguyên như trong nghiên cứu tài chính, đối với lao động không có kỹ năng (unskilled labour) chỉ tính là 50%.

Thứ ba, đối với các khoản vay nợ, khi trả nợ (cả gốc và lãi) không được tính là một chi phí xã hội hay lợi ích xã hội do đây chỉ là một khoản chuyển giao quyền sử dụng vốn từ người này sang người khác mà thôi chứ không phải là khoản gia tăng của xã hội. Nhưng trong nghiên

cứu tài chính, chúng ta đã trừ đi khoản nợ này như là một khoản chi phí, vì vậy trong nghiên cứu kinh tế - xã hội chúng ta phải cộng vào khi tính các chỉ tiêu nghiên cứu có liên quan.

Thứ tư, đối với giá cả đầu ra và đầu vào, trong nghiên cứu tài chính, giá này được lấy theo giá thị trường. Nhưng trong thực tế và đặc biệt là đối với các nền kinh tế đang phát triển thì giá thị trường không phản ánh đúng giá trị thực của hàng hoá (cả đầu ra và đầu vào). Bởi vì do tác động của các chính sách bảo hộ mậu dịch, sự độc quyền... làm cho giá thị trường bị bóp méo và không phản ánh đúng giá trị thực của hàng hoá. Vì vậy, nếu dùng giá này thì nó sẽ không phản ánh đúng mức lời hay lỗ đứng trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế. Do đó, khi nghiên cứu kinh tế - xã hội cần phải loại bỏ những méo mó, sai lệch nói trên của giá cả. Một mức giá tham khảo được sử dụng để điều chỉnh lệch lạc đó gọi là “giá mờ” (shadow price).

Thứ năm, tỷ suất triết khấu trong nghiên cứu tài chính có thể lấy trực tiếp theo mức chi phí sử dụng vốn huy động trên thị trường. Trong khi, tỷ suất triết khấu trong nghiên cứu kinh tế - xã hội là chi phí xã hội thực tế của vốn và có thể phải được điều chỉnh căn cứ vào mức lãi suất trên thị trường vốn quốc tế.

Đối với đất đai, chi phí sử dụng đất chính là chi phí cơ hội của việc sử dụng mảnh đất đó cho dự án.

Khi tính toán hiệu quả tài chính, các chỉ tiêu tính toán thể hiện hiệu quả trực tiếp bằng tiền còn khi tính toán và nghiên cứu hiệu quả kinh tế - xã hội còn xen xét cả các hiệu quả trực tiếp và gián tiếp chúng bao gồm hiệu quả đo được và hiệu quả không thể đo được. Việc nghiên cứu tài chỉnh giúp cho các nhà quản lý vĩ mô chọn được các dự án tối đa hoá phúc lợi xã hội.

Một phần của tài liệu Bài giảng quản trị dự án (Trang 64 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)