Các bước tiến hành đánh giá dự án

Một phần của tài liệu Bài giảng quản trị dự án (Trang 137 - 139)

Mỗi hoạt động tổ chức đánh giá dự án có thể xem như một dự án nhỏ, trong đó, có các mục tiêu cần phải đạt, các công việc phải thực hiện, phải tiến hàng tổ chức triển khai, kiểm tra theo dõi... Quá trình đánh giá dự án bao gồm nhiều bước công việc, trong đó, có một số bước chính như sau:

Bước 1. Ra quyết định đánh giá dự án. Ai quyết định đánh giá dự án tuỳ thuộc đó là loại đánh giá nội bộ hay bên ngoài. Quyết định đánh giá dự án phải được đưa vào kế hoạch ngay từ

khi lập (thiết kế) dự án và chỉ rõ sẽ sử dụng phương pháp đánh giá nào (đánh giá giữa kỳ, đánh giá kết thúc hay đánh giá tác động). Những nguyên nhân và sự cần thiết của việc đánh giá dự án phải được làm rõ, ví dụ, đánh giá để điều chỉnh một số quyết định của nhà tài trợ, đề giải quyết những khó khăn vướng mắc nảy sinh...

Bước 2. Chuẩn bị các điều khoản hợp đồng (TOR) cho hoạt động đánh giá dự án. Bản mô tả các điều khoản hợp đồng phải làm rõ mục đích và phạm vi của đánh giá dự án, mô tả ngắn gọn nội dung cơ bản của dự án được đánh giá, những điều khoản về phương pháp tiến hành đánh giá. TOR cần nêu rõ những kỹ năng, trình độ chuyên môn và những yêu cầu khác mà các chuyên gia tư vấn đánh giá - các ứng viên cần phải có. TOR cũng cần đưa ra qui trình, thủ tục lựa chọn tư vấn để đảm bảo việc đánh giá được khách quan, chính xác. Cần lưu ý, việc dự thảo các điều khoản hợp đồng có thể khó khăn do mâu thuẫn lợi ích. Do đó, có thể tổ chức họp kín giữa nhóm dự án, nhà tài trợ và đại diện những người hưởng lợi từ dự án... để bàn bạc thảo luận các điều khoản hợp đồng.

Bước 3. Lựa chọn và ký hợp đồng với nhóm đánh giá dự án. Việc lựa chọn một chuyên gia hay nhóm tư vấn đánh giá đều tiến hành trên cơ sở những tiêu chuẩn đã xác định rõ trong bản mô tả điều khoản hợp đồng. Những tiêu chuẩn này phải bao gồm đủ những yêu cầu về chuyên môn, kỹ thuật, tiêu chuẩn nhân sự... Để chọn được những ứng viên phù hợp nhất với yêu cầu đánh giá dự án, dựa trên tiêu chuẩn của bản điều khoản hợp đồng, cần đề nghị các ứng viên cung cấp những thông tin cần thiết về năng lực chuyên môn, kinh nghiệm về lĩnh vực đánh giá dự án...

Bước 4. Lập kế hoạch và chuẩn bị công việc. Sau khi được chọn, bước tiếp theo mà nhóm đánh giá phải làm là chuẩn bị một kế hoạch thời gian cũng như làm việc chi tiết và phân chia nhiệm vụ giữa các thành viên trong nhóm. Đồng thời, nhóm cũng sẵn sàng bắt tay ngay vào việc, trước tiên là tiến hành nghiên cứu các tài liệu nếu có thể.

Khi lập kế hoạch đánh giá dự án rất cần thiết phải xây dựng một khung logíc và đưa ra các tiêu chí đánh giá. Khung logíc đánh giá dự án có kết cấu như bảng 4.10

Bảng 4. 10: Khung logic dùng đánh giá dự án

Nội dung Bộ tiêu chí

đánh giá

Đo lường như

đề nào Đo lường cái gì

Công cụ sử dụng 1. Mục đích 2. Kết quả 3. Đầu ra 4. Các hoạt động 5. Đầu vào

Các tiêu chí đánh giá dự án thường bao gồm tiêu chí: Hiệu suất, hiệu quả, tác động, phù hợp và bền vững (đối với dự án ODA)

- Hiệu suất của dự án là việc so sánh mức độ đầu ra với đầu vào của dự án, xem xét khả năng tiết kiệm đầu vào trong khi vẫn đảm bảo được mức độ đầu ra của dự án.

- Hiệu quả: Xem xét mức độ đạt được các mục tiêu của dự án so với các yếu tố đầu vào. Đánh giá xem dự án có đạt được mục đích đặt ra hay không và liệu có thể giảm được qui mô đầu vào mà không ảnh hưởng đến mục đích hay không.

- Tác động: Đánh giá mức độ ảnh hưởng của dự án đến các mặt đời sống kinh tế xã hội. Xem xét xem dự án có ảnh hưởng tiêu cực hay không? Những tác động tích cực là gì và có thể tối đa hoá được không? Dự án ảnh hưởng như thế nào đến dài hạn?

- Tính phù hợp: Đánh giá mức độ phù hợp của dự án với mục tiêu phát triển của vùng, ngành và yêu cầu của những người thụ hưởng. Đánh giá xem hoạt động đầu tư của dự án có phù hợp với mục tiêu chiến lược của vùng, ngành, có đáp ứng yêu cầu của cơ quan thụ hưởng hay không?

- Tính bền vững: Đánh giá khả năng tiếp tục hoạt động của dự án sau khi dự án được chuyển giao (thường với dự án ODA). Đánh giá xem liệu các cơ quan Việt Nam, những người thụ hưởng dự án có thể tiếp tục được dự án, vận hành độc lập sau khi dự án kết thúc hay không?

Bước 5. Tiến hành đánh giá dự án. Trong giai đoạn thực thi nhiệm vụ đánh giá dự án, tất cả các tài liệu quan trọng, liên quan đến dự án cần được thu thập, tổng hợp và phân tích. Trong quá trình thu thập thông tin, nhóm đánh giá rất cần sự giúp đỡ, cộng tác tích cực của ban quản lý dự án như việc sẵn sàng trả lời phỏng vấn trực tiếp, điền các bộ câu hỏi của điều tra viên, tham dự các buổi báo cáo với các nhân viên đánh giá dự án...

Bước 6. Chuẩn bị báo cáo. Sau khi các tài liệu được tổng hợp, phân tích nhóm đánh giá cần viết thành một bản báo cáo. Báo cáo nêu rõ những kết luận, kiến nghị của nhóm. Đồng thời, báo cáo dành một số trang nhất định trình bày phương pháp tiến hành đánh giá và nếu có thể, trình bày những khó khăn nảy sinh và cách khắc phục của nhóm.

Bước 7. Sửa chữa, viết báo cáo cuối cùng và nộp sản phẩm. Báo cáo được đệ trình cho các bên liên quan như nhà tài trợ, ban quản lý dự án, đại diện những người hưởng lợi, đại diện cơ quan chính phủ để xin ý kiến. Có thể tổ chức một hội nghị để thảo luận, xin ý kiến đánh giá, nhận xét bản báo cáo của các bên tham gia. Sau đó, nhóm đánh giá dự án tiến hành sửa chữa, bổ sung, viết báo cáo cuối cùng và giao nộp sản phẩm.

Một phần của tài liệu Bài giảng quản trị dự án (Trang 137 - 139)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)