Cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước

Một phần của tài liệu 1431tt (Trang 72 - 74)

1. Các vấn đề

1.10.Cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước

Gia tăng dân số và các hoạt động của con người ngày càng tác động mạnh mẽ đến môi trường tự nhiên nói chung và môi trường nước nói riêng. Những hoạt động tự phát, không có quy hoạch... đã và đang gây nên những hậu quả rất nghiêm trọng, làm cho nguồn nước bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Tình trạng kiểm soát không hiệu quả nguồn nước thải, rác thải đã dẫn đến nhiều dòng sông trở thành sông “chết” do nguồn nước ô nhiễm tới mức không thể sử dụng được như sông Cầu, Đáy – Nhuệ và hạ lưu sông Đồng Nai. Nguy cơ thiếu nước sạch càng trầm trọng, nhất là vào mùa cạn ở các vùng mưa ít. Vấn đề ô nhiễm môi trường nước ngày càng trầm trọng đến mức đe dọa trực tiếp sức khỏe con người, ảnh hưởng sự phát triển kinh tế xã hội, đe dọa sự bền vững các hệ sinh thái nước và sự tồn vong và phát triển các thế hệ mai. Tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước vẫn đang tiếp tục gia tăng trong khi cơ chế, chính sách, và thực thi công việc kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm chưa thực sự hiệu quả.

Tại các lưu vực sông, ô nhiễm chất lượng nước mặt tiếp tục xảy ra ở nhiều đoạn, tập trung ở vùng trung lưu và hạ lưu (đặc biệt là các đoạn chảy qua khu vực đô thị, khu công nghiệp, làng nghề), nhiều nơi ô nhiễm đã ở mức nghiêm trọng, như ở lưu vực sông Nhuệ - Đáy, lưu vực sông Cầu, lưu vực sông Đồng Nai. Mức độ ô nhiễm phụ thuộc vào yếu tố thủy văn của dòng chảy (mức độ ô nhiễm thường tăng cao hơn vào mùa khô) và đặc biệt phụ thuộc vào các nguồn thải đưa vào sông. Việc ô nhiễm chất lượng nước cục bộ do chảy qua khu đô thị và tập trung đông dân cư diễn ra ở hầu khắp các lưu vực sông như Sông Thao đoạn thành phố Yên Bái; sông Hồng đoạn thành phố Việt Trì, Tp. Nam Định; Sông Cầu đoạn qua Thái Nguyên (đặc biệt đoạn cầu Trà Vườn), đoạn qua Tp. Bắc Ninh; Sông Nhuệ đoạn Cầu Diễn, Hà Đông Thanh Trì, Thanh Oai…; Sông Mã ô nhiễm hữu cơ tại khu vực cảng Lễ Môn; Sông Hương tại đoạn Đông Ba; Sông Đồng Nai đoạn chảy qua Tp. Biên Hòa và đoạn qua thị xã Thủ Dầu Một…; Sông Sài Gòn đoạn qua Tp. Hồ Chí Minh; Sông Tiền đoạn qua cảng các Mỹ Tho và khu công nghiệp Mỹ Tho.

Môi trường nước mặt tại các khu vực bị ô nhiễm hầu hết do các chất hữu cơ và vi sinh vật vượt ngưỡng cho phép; tình trạng ô nhiễm hữu cơ diễn ra khá phổ biến tại nhiều lưu vực sông mà nguyên nhân chủ yếu do nguồn thải sinh hoạt, chăn nuôi tập trung không được xử lý hoặc xử lý không triệt để. Vấn đề ô nhiễm dầu mỡ thường chỉ xảy ra ở những đoạn sông có hoạt động giao thông thủy phát triển, hoặc những đoạn sông tiếp nhận nước thải công nghiệp của các cơ sở sản xuất, các khu vực cảng… Ô nhiễm kim loại nặng mang tính cục bộ, tập trung chủ yếu ở những sông nhánh gần các khu vực khai thác khoáng sản hoặc các cơ sở sản xuất công nghiệp. Hiện tượng xâm nhập mặn ở vùng hạ lưu, cửa sông diễn ra khá phổ biến trong những năm gần đây tại vùng Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và duyên hải miền Trung.

Hình 39: Tỷ lệ thành phần các chất ô nhiễm trong nước thải

Ô nhiễm nguồn nước xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Do tiếp nhận nhiều loại nguồn thải, môi trường nước mặt đang ở tình trạng ô nhiễm tại nhiều nơi, tùy theo đặc trưng của từng khu vực khác nhau.

Bốn nguồn thải chính tác động đến môi trường chất lượng nước bao gồm: nước thải nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt và y tế. Mức độ gia tăng các nguồn nước thải hiện nay ngày càng lớn với quy mô rộng ở hầu hết các vùng miền trong cả nước. Nước thải sinh hoạt chiếm trên 30% tổng lượng thải trực tiếp ra các sông hồ, hay kênh rạch dẫn ra sông. Vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng là 2 vùng tập trung nhiều lượng nước thải sinh hoạt nhất cả nước. Trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhiều ngành công nghiệp được mở rộng quy mô sản xuất, cũng như phạm vi phân bố. Cùng với đó là sự gia tăng lượng nước thải lớn, nhưng mức đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải chưa đáp ứng yêu cầu. Vùng Đông Nam Bộ, với toàn bộ các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi tập trung các khu công nghiệp lớn, là vùng có lượng phát sinh nước thải công nghiệp lớn nhất cả nước. Số lượng khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải vẫn đang ở mức trung bình (50- 60%), hơn nữa 50% trong số đó vẫn chưa hoạt động hiệu quả.

Bên cạnh những nguồn thải nêu trên, nước thải nông nghiệp cũng là vấn đề đáng quan tâm hiện nay. Đó là nguyên nhân chính gây ảnh hưởng đến nguồn nước tại những địa phương có nền kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh như vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nước thải từ hoạt động nông nghiệp có chứa hóa chất bảo vệ thực vật, hay thuốc trừ sâu, là thành phần độc hại cho môi trường và sức khỏe con người. Đặc biệt, các khu vực này, đời sống dân cư vẫn gắn với nguồn nước sông, dùng làm nước sinh hoạt hay sử dụng để nuôi trồng thủy sản.

Nước thải y tế được xem là nguồn thải độc hại nếu không được xử lý trước khi thải ra môi trường. Do thành phần nước thải y tế chứa nhiều hóa chất độc hại với nồng độ cao và chứa nhiều vi trùng, vi khuẩn lây lan bệnh truyền nhiễm. Mức độ gia tăng lượng nước thải y tế năm 2017 so với năm 2015 là hơn 20%. Theo số liệu khảo sát với các bệnh viện cấp tỉnh và thành phố có quy mô từ 250 - 500 giường, lưu lượng nước thải khoảng 100 - 150 m3/ngày đêm và đối với các bệnh viện nhỏ tuyến huyện và trung

tâm có từ 50 - 250 giường thì lưu lượng nước thải từ 50 - 100 m3/ngày đêm10. Trung bình nước thải y tế khoảng trên 120.000 m3/ngày đêm. Hầu hết các bệnh viện do Bộ Y tế quản lý đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tuy nhiên, tại các bệnh viện thuộc Sở y tế địa phương quản lý hay các bệnh viện thuộc ngành khác quản lý, cũng như các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân nằm rải rác, phần lớn chưa có hệ thống xử lý nước thải.

Một phần của tài liệu 1431tt (Trang 72 - 74)