1. Các vấn đề
1.11. Đa dạng sinh học và hệ sinh thái phụ thuộc nguồn nước
Các hệ sinh thái: Việt Nam là đất nước giàu các hệ sinh thái tự nhiên, nhiều loại rừng, đất ngập nước, rạn san hô phong phú. Độ che phủ rừng khá ổn định và duy trì khoảng 40% trong nhiều năm gần đây, tuy nhiên rừng tự nhiên còn rất ít chỉ còn 7,3% diện tích rừng, rừng nguyên sinh chỉ còn khoảng 2% và gần 70% là rừng thứ sinh nghèo với chất lượng rừng kém.
Đất ngập nước: đất ngập nước ở Việt Nam có khoảng 10 triệu ha phân bố trên cả 8 vùng sinh thái, tập trung lớn nhất ở hai vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện đã xác định được 39 kiểu đất ngập nước (ĐNN)11 ở Việt Nam và đã thống kê có 60 vùng ĐNN có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế được ghi nhận chính thức là những vùng ĐNN có giá trị về môi trường và đa dạng sinh học (ĐDSH). Một số các kiểu ĐNN tiêu biểu ở Việt Nam như sau: (i) Biển và ven biển ( vùng cửa sông, vùng triều; Đầm phá; Rừng ngập mặn; Rạn san hô; Ven đảo); (ii) Thủy vực ngọt nội địa (sông, hồ, ao, kênh rạch; đầm lầy than bùn; (iii) vùng đất ngập nước nhân tạo (hồ chứa). Kết quả của các công trình nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế cho đến nay đã thống kê sơ bộ có khoảng 12.115 loài thủy sinh vật12 phân bố ở môi trường biển, môi trường nước lợ và các vùng nước nội địa cùng với hơn 300 loài động vật có xương sống chuyên sống trong môi trường nước, hoặc có chu kỳ sống thích nghi liên quan với các HST ĐNN. Chẳng hạn, thú có 47 loài thuộc 11 họ, 4 bộ; chim có 170 - 180 loài thuộc 42 họ nằm trong 20 bộ; bò sát có 35 loài thuộc 6 họ và hầu hết 162 loài lưỡng cư thường sống và phát triển trong môi trường ĐNN. Trong số này đã ghi nhận 60 loài thuộc diện có nguy cơ bị đe dọa có tên trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007 như rái cá lông mượt, rái cá vuốt bé, mèo cá, hươu đầm lầy, voọc bạc, voọc mông trắng, voọc đầu vàng, dơi ngựa lớn, bò biển, cá ông chuông, cá heo, sếu cổ trụi, vạc hoa... Đây là nguồn gen tự nhiên có giá trị bảo tồn cao đang hiện hữu trong các HST ĐNN ở Việt Nam, là nguồn tài nguyên vô cùng quý, là sinh kế sản xuất sinh học trong môi trường nước.
Đa dạng sinh học: Việt Nam là một trong những quốc gia được Thế giới ghi nhận có tính đa dạng sinh học cao với nhiều hệ sinh thái, các loài sinh vật và nguồn gen quý hiếm. Giá trị đa dạng sinh học đóng góp 80% thủy sản khai thác ven bờ và 40% protein cho người dân, 70% tăng trưởng du lịch là từ các vùng duyên hải giàu tính đa dạng sinh học. Với ba dạng hệ sinh thái chính (i) hệ sinh thái rừng, (ii) hệ sinh thái rừng ngập mặn (đất ngập nước) và (iii) hệ sinh thái rạn san hô. Ngoài ra các khu bảo tồn có tính đa dạng sinh học cao cũng đang được bảo vệ. Năm 2015, Việt Nam có
913 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 2 khu Di sản thiên nhiên thế giới, 5 khu Di sản ASEAN, và 8 khu Ramsar (đất ngập nước). Do áp lực của phát triển kinh tế - xã hội, tính đa dạng sinh học của các khu vực này đang bị đe dọa do tình trạng nước ô nhiễm từ nguồn nước công nghiệp và sinh hoạt chưa qua xử lý thải ra môi trường. Trên dòng chính Mê Công, các nước thượng nguồn đã và đang có kế hoạch xây dựng đập đe dọa đến tính đa dạng sinh học vùng đất ngập nước đặc biệt đến vùng ĐBSCL.
Hệ sinh thái nước ngọt: bao gồm hệ sinh thái nước đứng và hệ sinh thái nước chảy. Các thuỷ vực nước ngọt nội địa Việt Nam rất đa dạng về hệ thực vật cũng như hệ động vật, bao gồm các nhóm vi tảo, rong, các loài cây cỏ ngập nước, động vật không xương sống và cá. Cho đến nay đã thống kê và xác định được 794 loài động vật không xương sống. Trong đó, đáng lưu ý là trong thành phần loài giáp xác (Crustacea), có 54 loài và 8 giống lần đầu tiên được mô tả ở Việt Nam.
Tác động của con người đối với hệ sinh thái nước ngọt: con người đã khai thác các dòng sông phục vụ cho các mục đích như phát triển NN, phát triển thủy điện, vận tải thủy, phát triển CN, xả nước thải…v..v. Tuy nhiên ngoài những lợi ích do các công trình khai thác mang lại thì lại có những tác động chủ yếu là tiêu cực đối với HSTTS do các công trình trên đã làm thay đổi hoàn toàn chế độ thủy văn, thủy lực, chất lượng nước và môi trường sống của các loài động vật thủy sinh. Trong quá trình phát triển môi trường sống của các loài động vật thủy sinh chưa hoặc không được chú ý khiến sau khi xây dựng công trình nhiều năm con người mới ngộ ra rằng một số loài động vật thủy sinh quý hiếm đã và mãi mãi biến mất. Vì vậy nên nghiên cứu xem xét yếu tố và môi trường của các loài động vật thủy sinh ngay từ đầu và cần cân nhắc giữa phát triển và bảo vệ các loài động vật thủy sinh.
Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, với tầm quan trọng của tài nguyên nước, việc nghiên cứu, xây dựng quy hoạch tài nguyên nước quốc gia là cần thiết, làm cơ sở quan trọng cho các địa phương, ban/ngành thực hiện quy hoạch của ngành cũng như xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương cũng như phát triển kinh tế - xã hội cả nước trong những giai đoạn tới. Nhiệm vụ lập quy hoạch tài nguyên nước quốc gia gồm những nội dung chính sau: