Biện pháp thi công đóng cọc

Một phần của tài liệu Đồ án tốt nghiệp Khoa công trình ( kèm bản vẽ) (Trang 134 - 136)

5.2.2.1. Công tác chuẩn bị

Công tác trắc địa phục vụ thi công phải do nhóm cán bộ và công nhân đúng chuyên ngành kết hợp với các loại máy móc thiết bị như máy toàn đạc điện tử, máy thủy bình… để tiến hành thực hiện bao gồm các công tác sau:

- Khảo sát lại mặt bằng, kiểm tra lại các mốc cơ sở, xây dựng thêm các mốc mới (nếu cần);

- Xây dựng lưới khống chế thi công làm cơ sở cho toàn bộ công tác trắc địa, trên cơ sở đó trắc dọc theo độ cao, khống chế sai số theo chiều thẳng đứng, cao trình các bộ phận công trình;

- Định vị công trình theo đúng thiết kế, kiểm tra độ sai lệch về cao độ các bộ phận công trình;

- Định vị phục vụ công tác thi công tất cả các hạng mục công trình như: Nạo vét, đóng cọc, làm kè gầm bến, làm hệ sàn đạo, ván khuôn…

- Quan trắc lún, quan trắc biến dạng công trình;

- Tuân thủ theo các nội dung cụ thể quy định trong các tiêu chuẩn xây dựng đối với công tác trắc địa của công trình.

5.2.2.2. Tổ chức thi công đóng cọc

- Đóng cọc vuông BTCT 400x400, chiều dài dự kiến: l = 29 m, chia làm hai đoạn. Dự kiến biện pháp thi công là kết hợp giữa tàu đóng cọc và hệ búa treo trên sà lan để hạ cọc đến cao độ thiết kế, trọng lượng phần va đập của búa ≥ 3,5 tấn để đóng, thiết bị hỗ trợ là cẩu bánh xích sức nâng ≥ 50 tấn; sà lan; tầu kéo 150 CV và ca nô 23 CV.

- Công tác đóng cọc cần phải đảm bảo được độ chính xác theo yêu cầu, không được phép để xảy ra va đụng cọc. Cọc đóng xong cần được gông cố định đầu cọc bằng hệ sà kẹp. Khi đóng cọc cũng cần lưu ý để không gây ra chuyển vị cho các cọc đã đóng, các công trình hiện hữu lân cận. Các cọc phải đóng hết chiều dài thiết kế và đảm bảo độ chối theo quy định. Nếu đóng hết chiều dài cọc mà vẫn không đạt độ chối thi công đóng cọc đại trà (tương ứng với búa đang dùng) phải dừng đóng cọc, báo cáo Chủ đầu tư và Tư vấn thiết kế để phối hợp xử lý. Không cho phép các phương tiện, thiết bị thi công neo buộc hay va chạm vào nền cọc sau khi đóng.

- Ngay sau khi đóng xong cọc phải đo nghiệm thu kiểm tra tọa độ, cao độ đỉnh cọc ghi vào biên bản của cọc và bản theo dõi chung của nền cọc, điểm đo quy định tại tim đỉnh cọc, xác định thống nhất bằng thước chữ thập (+) đươc gia công phù hợp với đầu cọc, đảm bảo độ chính xác và dùng chung cho tất cả các cọc. Phải đo kiểm tra lại tọa độ, cao độ các cọc đã đóng sau khi đóng các cọc liền kề. Nếu thấy có chuyển vị đầu cọc cần chuyển sang chế độ quan trắc định kỳ hàng ngày, báo cáo Chủ đầu tư và Tư vấn thiết kế.

- Cọc bến và tường góc đóng trên khu vực mái nạo vét nghiêng. Trong quá trình đóng cọc cần đề phòng khả năng cọc bị chuyển vị do tác động của mái nghiêng, lưu ý gông đầu cọc bằng hệ sà kẹp ngay sau khi đóng và vận dụng các biện pháp thi công phù hợp như giảm cường độ đóng cọc cục bộ, đóng cọc có lựa chọn kết hợp với công tác quan trắc để có biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu hữu hiệu.

5.2.2.3. Kiểm tra và nghiệm thu công tác đóng cọc

- Sai số cho phép của cọc được quy định như sau: o Sai số trên mặt bằng:

 Cọc biên: 10cm;

 Cọc giữa: 15cm;

 Tang góc lệch với trục dọc của bộ phận cọc khi hạ không lớn hơn 0,02.

o Trong trường hợp cọc bị lệch quá các sai số cho phép, nhà thầu phải báo cáo, trình chủ đầu tư và Tư vấn thiết kế để cùng xem xét.

- Các yêu cầu kỹ thuật khác về công tác đóng hạ cọc chưa nêu trong Hồ sơ này tuân thủ theo TCVN 9394 - 2012: Đóng và ép cọc - Tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu và các quy định hiện hành khác.

Một phần của tài liệu Đồ án tốt nghiệp Khoa công trình ( kèm bản vẽ) (Trang 134 - 136)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(146 trang)
w