ĐỀ XUẤT BIỆN PHÁP DẠY TẬP ĐỌC CHO HỌC SINH LỚP 4 TRƯỜNG TIỂU HỌC THỊ TRẤN THUẬN CHÂU SƠN LA
2.1.1. Hướng dẫn học sinh luyện đọc đúng
2.1.1.1. Hiểu thế nào là đọc đúng?
Đọc đúng là việc đọc phải phát âm đúng, chính xác từ ngữ câu chữ trong văn bản. Việc đọc đúng này còn đòi hỏi HS phải biết ngừng nghỉ chính xác ở những chỗ có dấu chấm, dấu phẩy. Việc đọc đúng cần phải đảm bảo một số yêu cầu:
- Đọc rõ tiếng, rõ lời, đọc đúng chính âm.
- Biết ngắt giọng, nghỉ hơi theo đúng vị trí các dấu ngắt câu và theo cấu trúc ngữ nghĩa của văn bản.
- Đọc liền mạch, lưu loát với âm lượng phù hợp. 2.1.1.2. Biện pháp hướng dẫn học sinh luyện đọc đúng
Từ những yêu cầu trên, chúng tôi xin đưa ra một số biện pháp để hướng dẫn HS luyện đọc đúng như sau:
- GV đọc mẫu toàn bài. Muốn HS đọc tốt, trước hết giọng đọc của giáo viên phải chuẩn. Bởi vì GVTH là những người thầy đầu tiên đặt nền móng, trang bị cho trẻ ý thức về chuẩn ngôn ngữ và chuẩn văn hoá về lời nói. Vì vậy GV cần có ý thức quan tâm đến cách phát âm của mình. GV nên ghi lại giọng đọc của mình, điều này sẽ giúp GV phát hiện ra những nhược điểm để tự điều chỉnh, sửa chữa. Khi đọc, GV cần làm chủ âm thanh giọng đọc, tức là đọc đủ lớn đồng thời làm chủ ngữ điệu, tốc độ, cường độ, cao độ. GV phải đọc đúng đọc diễn cảm một cách chắc chắn tức là mỗi lần đọc mẫu một giọng đọc khác thì HS không thể đọc được theo mẫu.
Khi đọc mẫu cho HS, GV đọc toàn bài nhằm giới thiệu, gây cảm xúc, tạo hứng thú và tâm thế học tập cho HS. Việc đọc mẫu của GV trong giờ Tập đọc ở lớp 4 thường được tiến hành ở cuối phần luyện đọc để rút ra cách đọc bài cho HS nắm được. Có thể đọc câu, đoạn để hướng dẫn học sinh gợi ý hoặc tạo tình huống để các em nhận xét, giải thích, tự tìm ra cách đọc…
- GV có thể đọc mẫu từ, cụm từ để sửa những lỗi phát âm sai và rèn cách đọc đúng, góp phần nâng cao ý thức viết đúng cho HS.
- GV quan sát, hướng dẫn học sinh luyện đọc. Đây là việc làm quan trọng vì khi GV nghe học sinh đọc thì có thể dễ dàng nhận ra việc đọc của từng em đúng hay sai. Nếu học sinh đọc sai, GV phải sửa ngay cho các em, đặc biệt khi luyện đọc tiếng, từ khó để giúp HS phát âm đúng, sửa những lỗi phát âm cho các em.
Đối với HS trường TH Thị Trấn Thuận Châu, do đặc điểm gia đình các em đến từ nhiều vùng khác nhau nên cách phát âm chịu ảnh hưởng của gia đình, quê hương, nhiều em phát âm còn chưa đúng. Lỗi phát âm của các em chủ yếu là lẫn lộn l/n, đây là lỗi phát âm phổ biến cần sửa chữa triệt để nên khi hướng dẫn học sinh đọc GV phải chỉ rõ cách phát âm.
Ví dụ : /n/ là âm mũi, khi phát âm ta sờ tay vào mũi sẽ thấy mũi rung, còn khi phát âm /l/ mũi không rung. Vì vậy muốn phát âm đúng âm /l/ chỉ cần bịt mũi và tập.
- Hướng dẫn HS luyện đọc đoạn, bài: hình thức này giúp HS đọc đúng từng câu trong đoạn, biết ngắt nghỉ hợp lí, tập ngắt nhịp ở các đoạn văn, khổ thơ nhằm giúp HS đọc lưu loát, rõ ràng rành mạch cả bài tiến tới đọc diễn cảm.
Khi hướng dẫn HS đọc thơ, cần chú ý đến nhịp điệu của câu theo từng thể thơ. Chẳng hạn:
Với thể lục bát, câu 6 chữ có thể ngắt nhịp 2/2/2 hoặc 2/4 ,4/2,3/3; câu 8 chữ có thể ngắt nhịp 2/2/2/2 hoặc 4/4, 3/5, 5/3, 2/6……
Ví dụ: Nhác trông /vắt vẻo/ trên cành/ Anh chàng gà trống /tinh ranh lõi đời/
(Bài:Gà trống và cáo- Truyện ngụ ngôn) Với thể thơ 5 chữ thường ngắt nhịp 2/3, 3/2 hoặc đọc liền cả 5 tiếng ở mỗi dòng thơ.
Ví dụ: Bè ta xuôi sông La/ Dẻ cau cùng táu mật/ Muồng đen và trai đất/
Lát chun rồi lát hoa/
(Bài: Bè xuôi sông La- Vũ Duy Thông) Thơ 7 chữ thường ngắt nhịp 4/3 hoặc 3/4
Ví dụ: Mặt trời xuống biển/ như hòn lửa Sóng đã cài then/ đêm sập cửa
(Bài: Đoàn thuyền đánh cá- Huy cận) Đối với thơ tự do thường không có cách ngắt nhịp cố định thì căn cứ vào nội dung của câu, đoạn, bài để ngắt nhịp hoặc dựa vào dấu câu.
Tre xanh!//
Xanh tự bao giờ?//
Chuyện ngày xưa/… đã có bờ tre xanh.// (Bài: Tre việt nam- Nguyễn Duy)
Khi hướng dẫn HS đọc đoạn văn xuôi cần chú ý đến đặc điểm của từng thể loại để có giọng đọc thích hợp. Chẳng hạn văn kể chuyện thường đọc với giọng chậm rãi, văn miêu tả thường đọc với giọng nhẹ nhàng, văn bản hành chính, nhật dụng cần đọc rõ ràng, dứt khoát…
Để hướng dẫn HS đọc đúng, GV cũng cần gợi ý, khuyến khích HS trong lớp trao đổi, nhận xét về chỗ được, chỗ chưa được của bạn để rút kinh nghiệm đọc tốt hơn.
Trong quá trình hướng dẫn luyện đọc GV cần vận dụng các biện pháp, hình thức tổ chức linh hoạt để tạo sự hứng thú, tích cực tham gia luyện đọc của HS, đồng thời coi trọng thực hành luyện đọc, tạo điều kiện để mọi HS đều được tham gia vào quá trình luyện đọc dưới sự chỉ đạo của GV.