Hướng dẫn học sinh luyện đọc diễn cảm

Một phần của tài liệu Luận văn tốt nghiệp: Đề xuất biện pháp dạy Tập đọc cho học sinh lớp 4 trường Tiểu học Thị Trấn Thuận Châu Sơn La (Trang 29 - 32)

ĐỀ XUẤT BIỆN PHÁP DẠY TẬP ĐỌC CHO HỌC SINH LỚP 4 TRƯỜNG TIỂU HỌC THỊ TRẤN THUẬN CHÂU SƠN LA

2.1.2. Hướng dẫn học sinh luyện đọc diễn cảm

2.1.2.1.Hiểu thế nào là đọc diễn cảm?

Trong thang đánh giá chất lượng của việc đọc thì có thể coi đọc diễn cảm là mức độ cao của đọc đúng. Đó là việc đọc thể hiện ra bằng âm thanh với một giọng đọc phù hợp với những sắc thái khác nhau của phong cách văn bản. Đọc diễn cảm chính là việc đọc thể hiện được “cái hồn” của văn bản và truyền được cái hồn đó đến cho người nghe.

2.1.2.2. Biện pháp hướng dẫn học sinh luyện đọc diễn cảm

Đọc diễn cảm là yêu cầu mới đối với HS khi bước vào lớp 4. Vì vậy, GV cần phải chọn biện pháp luyện đọc cho phù hợp để các em khắc phục đuợc những bỡ ngỡ khi làm quen, thực hành những bài đọc diễn cảm.

- Đối với loại hình văn bản nghệ thuật, trước khi luyện đọc diễn cảm thì một yếu tố quan trọng cần phải nắm được đó là tư tưởng của tác phẩm. Chính nội dung tư tưởng của bài đọc sẽ quy định ngữ điệu đọc, vì vậy không thể áp đặt sẵn giọng đọc cho các bài.

Khi luyện đọc cho học sinh, GV hướng dẫn các em đọc diễn cảm thông qua việc dẫn dắt, gợi mở giúp HS biết thể hiện tình cảm, thái độ qua giọng đọc phù hợp với sự việc, hình ảnh, cảm xúc, tính cách của nhân vật trong bài. GV không được định ra ngữ điệu từ đầu, ngược lại xác định giọng đọc của bài phải là kết luận tự nhiên HS đưa ra sau khi hiểu sâu sắc bài đọc và biết cách diễn đạt thích hợp dưới sự hướng dẫn của GV. GV sẽ tổng hợp ý kiến đúng của học sinh và đưa ra kết luận đầy đủ.

Ví dụ: Khi hướng dẫn HS luyện đọc diễn cảm bài “Văn hay chữ tốt” (Tập đọc- tuần 13), GV hỏi:

- Các em đã nghe cô đọc mẫu và vừa tìm hiểu nội dung ý nghĩa của bài. Vậy theo các em bài văn này cần đọc diễn cảm với giọng như thế nào?

Sau khi gọi một vài HS trả lời, GV có thể hướng dẫn để HS nắm được cách đọc, giọng đọc như:

Bài văn này đọc với giọng từ tốn, đọc phân biệt lời các nhân vật (giọng bà cụ khẩn khoản khi nhờ Cao Bá Quát viết đơn giọng của cao Bá Quát vui vẻ, xởi lởi khi nhận lời giúp bà lão). Đổi giọng linh hoạt, phù hợp với diễn biến của câu chuyện (chậm ở đoạn đầu và nhanh hơn ở đoạn thể hiện ý chí quyết tâm khi luyện chữ bằng được của Cao Bá Quát, hai câu kết với cảm hứng ngợi ca, sảng khoái). Nhấn giọng ở những từ ngữ nói về tác hại của việc viết chữ xấu và khổ công rèn luyện của Cao Bá Quát: rất xấu, khẩn khoản, oan uổng, sẵn lòng, thét lính, đuổi, vô cùng ân hận dốc sức, cứng cáp, mười trang vở, nổi danh, văn hay chữ tốt.

- Đối với loại hình văn bản phi nghệ thuật, GV hướng dẫn HS xác định ngữ điệu đọc cho phù hợp với mục đích thông báo (Làm rõ những thông tin cơ bản giúp

người nghe tiếp nhận được những vấn đề quan trọng hay nổi bật trong văn bản), khắc phục cách đọc thiên về hình thức hoặc đọc diễn cảm tùy tiện của HSTH.

Ví dụ: Trong bài tập đọc “Thư thăm bạn” (Tập đọc- tuần 3) khi hướng dẫn HS đọc diễn cảm, GV hướng dẫn HS xác định giọng đọc phù hợp với nội dung từng đoạn như sau:

Đọc bức thư với giọng trầm buồn, chân thành, thấp giọng khi đọc những câu văn nói về sự mất mát (Mình rất xúc động được biết ba của Hồng đã hi sinh trong trận lũ lụt vừa rồi. Mình gửi bức thư này chia buồn với bạn); cao giọng hơn khi đọc những câu động viên (nhưng chắc là Hồng cũng tự hào về tấm gương dũng cảm của ba xả thân cứu người giữa dòng nước lũ. Mình tin rằng theo gương ba, Hồng sẽ vượt qua nỗi đau này).

Để hướng dẫn HS luyện đọc diễn cảm, GV cần làm một số công việc sau: + Bước 1: GV cho học sinh làm quen với bài đọc, xác định giọng đọc chung cho cả bài.

+ Bước 2: GV tổ chức cho học sinh đàm thoại, xác định thể loại của văn bản, hiểu ý đồ của tác giả, tìm hiểu giọng điệu của bài. Nếu đọc thơ phải chú ý đến nhịp thơ, thể hiện được sự luân chuyển nhịp nhàng giữa các dòng thơ, tránh để HS dừng lại máy móc giữa các dòng thơ không chú ý đến ý nghĩa tiếp nối giữa dòng trước với dòng sau. Đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo cho HS thành công khi đọc truớc lớp.

Khi luyện tập, GV phải chỉ ra chỗ khó đọc, những điểm nhấn giọng trong bài để HS hiểu rõ và có cách thể hiện riêng trong giọng đọc.

+ Bước 4: Tổ chức cho HS đọc diễn cảm trước lớp, HS có thể đọc cá nhân hoặc đọc theo vai (nếu bài đọc có lời đối thoại giữa các nhân vật) để học sinh biết phân biệt giữa lời tác giả với lời của các nhân vật.

GV nên tổ chức cho HS thi đọc diễn cảm để tạo hứng thú cho các em, đồng thời có hình thức khuyến khích, nhận xét khách quan (cho HS trong lớp nhận xét

trước), tuyên dương những em đọc tốt, động viên các em đọc chưa tốt cố gắng hơn ở những lần sau.

Như vậy, chất lượng đọc của HS phụ thuộc rất nhiều vào quá trình luyện đọc trong giờ học Tập đọc. Muốn việc luyện đọc của các em đạt hiệu quả cao, GV cần vận dụng linh hoạt các hình thức luyện đọc và tổ chức luyện đọc phù hợp với khả năng của đối tượng HS mình trực tiếp dạy.

Một phần của tài liệu Luận văn tốt nghiệp: Đề xuất biện pháp dạy Tập đọc cho học sinh lớp 4 trường Tiểu học Thị Trấn Thuận Châu Sơn La (Trang 29 - 32)