3.1. Mục đích thực nghiệm
Thực nghiệm dạy học là phương pháp thu nhận thông tin về sự thay đổi trong nhận thức và hành vi của đối tượng giáo dục. Đây là một phương pháp đặc biệt cho phép tác động lên đối tượng nghiên cứu một cách chủ động, là sự tác động có ý thức vào quá trình diễn biến tự nhiên để quá trình ấy diễn ra theo mục đích của người nghiên cứu.
Với ý nghĩa như trên, chúng tôi tiến hành thực nghiệm và áp dụng các biện pháp mà đề tài đề xuất nhằm đánh giá tính khả thi và hiệu quả của các biện pháp đó. Nếu những giờ dạy thực nghiệm thu được thành công nhất định thì có nghĩa là những biện pháp mà chúng tôi đưa ra có tác dụng tốt và có tính khả thi.
3.2.1. Đối tượng thực nghiệm
Đối tượng mà đề tài lựa chọn thực nghiệm là HS lớp 4 trường TH Thị Trấn Thuận Châu- Sơn La.
3.2.2. Thời gian và địa bàn thực nghiệm
- Thời gian các bài giảng thực nghiệm được tiến hành trong học kì II năm học 2007- 2008.
- Địa bàn thực nghiệm là trường TH Thị Trấn Thuận Châu- Sơn La.
3.3. Nội dung, phương pháp thực nghiệm
3.3.1. Nội dung thực nghiệm
- Chọn bài dạy: Chúng tôi chọn các bài tập đọc trong chương trình và SGK lớp 4 để thực nghiệm giảng dạy, đó là:
+ Bài: Con sẻ (Tập đọc- tuần 27)
+ Bài: Trăng ơi… từ đâu đến? (Tập đọc- tuần 29)
- Chọn lớp thực nghiệm: Chúng tôi chọn 2 lớp để tiến hành thực nghiệm là 4A1
và 4A2 của trường TH Thị Trấn Thuận Châu. 2 lớp này có các điều kiện tương đương về sĩ số (4A1: 28 HS, 4A2: 27 HS), chất lượng… để kết quả thực nghiệm thể hiện tính khách quan.
- Chọn người dạy: 2 lớp tiến hành thực nghiệm với cùng một người dạy để đảm bảo sự tương quan, đồng đều.
3.3.2. Phương pháp thực nghiệm
Chúng tôi sử dụng các phương pháp so sánh, đối chiếu để tiến hành thực nghiệm. Thực hiện phương pháp do cùng một đối tượng thể hiện (người dạy), cùng một nội dung thể hiện (bài dạy), trong đó một đối tượng được áp dụng các biện pháp mà đề tài đề xuất, một đối tượng được tiến hành học bình thường như các tiết học khác, sau đó kiểm tra chất lượng cuối giờ học ở cả 2 lớp với cùng một đề kiểm tra. Từ kết quả thu được rút ra nhận xét, đánh giá tác dụng, hiệu quả biện pháp mà đề tài đề xuất.
3.4. Các bài soạn thực nghiệm
Bài 1 : Con sẻ (Tập đọc- Tuần 27)
I. Mục tiêu
1.Đọc thành tiếng
- Đọc đúng các từ khó do ảnh hưởng của phương ngữ: lôi, tuồng như, sẻ con, lao xuống, lao đến dừng lại và lùi…
- Đọc trôi chảy toàn bài, ngắt nghỉ hơi đúng sau các dấu câu, giữa các cụm từ, nhấn giọng ở những từ ngữ gợi tả hình ảnh con sẻ già dũng cảm lao đến cứu con, sự bối rối của con chó săn, sự thán phục của con người.
- Đọc diễn cảm toàn bài, chuyển giọng linh hoạt, phù hợp với nội dung truyện.
2. Đọc hiểu
- Hiểu nghĩa các từ khó trong bài: tuồng như, khản đặc, náu, bối rối, kính cẩn... - Hiểu nội dung bài: Ca ngợi hành động dũng cảm xả thân cứu con của sẻ mẹ.
3. Thái độ
- Giáo dục các em tình yêu thương, tinh thần dũng cảm sẵn sàng quên mình vì người thân vì đồng loại.