ĐỀ XUẤT BIỆN PHÁP DẠY TẬP ĐỌC CHO HỌC SINH LỚP 4 TRƯỜNG TIỂU HỌC THỊ TRẤN THUẬN CHÂU SƠN LA
2.2.2. Thiết kế hệ thống câu hỏi trong bài Tập đọc là văn bản nghệ thuật
Trong SGK Tiếng Việt 4, các bài tập đọc chủ yếu là dạng văn bản nghệ thuật (thơ, truyện ngắn, kịch…) nên khi dạy dạng bài này, GV cần chú ý khơi gợi óc thẩm mĩ, khả năng cảm thụ cái hay cái đẹp từ tác phẩm cho các em.
Với những tác phẩm văn xuôi, khi thiết kế hệ thống câu hỏi tìm hiểu bài cần dựa vào đặc điểm cơ bản của bài đọc như nội dung, ý nghĩa, chủ đề ngôn ngữ cụ thể, giải thích hay nêu suy nghĩ về một chi tiết, tránh đưa ra những câu hỏi có tính khái quát, suy luận, trừu tượng quá cao không phù hợp với khả năng tiếp nhận của các em.
Ví dụ: Trong bài “Dế mèn bênh vực kẻ yếu” (Tập đọc- tuần 1) GV đưa ra các câu hỏi tìm hiểu bài tương đối đơn giản chủ yếu dựa vào các chi tiết trong bài tập đọc nên HS không mấy khó khăn khi trả lời, đó là:
1. Tìm hiểu những chi tiết cho thấy chị Nhà Trò rất yếu ớt?
2. Nhà Trò bị bọn nhện ức hiếp, đe doạ như thế nào?
3. Những cử chỉ nào nói lên tấm lòng nghĩa hiệp của Dế Mèn?
GV có thể đặt thêm một số câu hỏi khái quát hơn để HS suy nghĩ và trả lời như: - Tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ nào sau đây để miêu tả các nhân vật trong tác phẩm?
a. So sánh b. Ẩn dụ c. Nhân hoá
Đây là những kiến thức các em đã được học, đòi hỏi các em phải nhớ lại để vận dụng vào bài, các em phải hiểu bản chất thế nào là “nhân hoá” thì mới chọn được câu trả lời đúng.
Sau khi HS trả lời được câu hỏi trên, GV tiếp tục hỏi thêm để khai thác kiến thức:
HS sẽ trả lời theo cảm nhận của cá nhân, các em sẽ lựa chọn cho mình một nhân vật mà các em yêu thích.
Nếu ở những tác phẩm văn xuôi thiên về diễn biến của sự vật hiện tuợng, có tuyến nhân vật, có nội dung tường minh thì thơ là tiếng nói của tình cảm chủ yếu diễn đạt cảm xúc của nhà thơ. Thơ thiên về sử dụng âm thanh, nhịp điệu, ngôn ngữ, hình ảnh để mô tả cảm xúc cá nhân hơn là về lí trí. Vì vậy khi thiết kế câu hỏi trong bài tập đọc là thơ nên hỏi về những chi tiết, hình ảnh đặc sắc.
Ví dụ: Bài thơ Nếu chúng mình có phép lạ, GV đưa ra một số câu hỏi vừa tóm lược được nội dung của bài thơ, vừa nói lên ý nghĩa của những hình ảnh đặc sắc, đó là:
1. Câu thơ nào đựơc lặp đi lặp lại nhiều lần trong bài? việc lặp đi lặp lại nhiều lần của câu thơ ấy nói lên điều gì?
2. Mỗi khổ thơ nói lên một điều ước của các bạn nhỏ, điều ước ấy là gì? 3. Hãy giải thích ý nghĩa của cách nói sau:
Ước “không còn mùa đông”
Ước “hoá trái bom thành trái ngon” 4. Em thích ước mơ nào? Vì sao?
Khi thiết kế hệ thống câu hỏi cho HS lớp 4 trong giờ Tập đọc nên dựa vào khai thác nội dung của bài, đồng thời cũng có thể nêu ra một vài câu hỏi suy luận, khái quát để phát triển tư duy, khả năng diễn đạt cho các em. Tuy nhiên, câu hỏi ở dạng suy luận, tổng hợp là loại câu hỏi khó. Vì vậy, khi đặt câu hỏi ở dạng này, Gv cần thận trọng, cân nhắc kĩ để tránh đặt thêm câu hỏi khai thác nộng dung vượt quá yêu cầu bài đọc và không phù hợp với trình độ của HS lớp 4.
Tùy trình độ của từng HS, từng lớp… mà câu hỏi có thể biến đổi, điều chỉnh cho phù hợp. Có những câu hỏi đặt ra đối với HS khá giỏi các em có thể trả lời ngay nhưng có những HS yếu hơn thì các em lại gặp khó khăn. Hơn nữa, câu hỏi trong SGK đôi khi quá dài với nội dung bao quát rộng, tuỳ theo trình độ của HS
trong lớp, GV có thể dùng nguyên văn câu hỏi hoặc chia tách câu hỏi thành những ý nhỏ để HS dễ trả lời hoặc bổ sung câu hỏi phụ có tác dụng dẫn dắt HS trả lời câu hỏi đạt kết quả cao hơn.
Ví dụ: Khi tìm hiểu bài “Tre Việt Nam” (Tập đọc- tuần 4), trong SGK có câu hỏi:
- Những hình ảnh nào của tre gợi lên những phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam?
a. Cần cù b. Đoàn kết c. Ngay thẳng
Đây là câu hỏi dài, HS sẽ gặp khó khăn khi phải nhớ nội dung câu hỏi cũng như đưa ra câu trả lời. Vì vậy, GV có thể tách câu hỏi trên thành 3 câu hỏi riêng để HS dễ nắm bắt và trả lời:
1. Những hình ảnh nào của tre gợi lên phẩm chất cần cù của người Việt Nam? 2. Những hình ảnh nào của tre gợi lên phẩm chất đoàn kết của người Việt Nam? 3. Những hình ảnh nào của tre gợi lên phẩm chất ngay thẳng của người Việt Nam?
Việc chia tách câu hỏi như vậy giúp HS dễ dàng hơn khi nắm bắt và tìm ý trả lời. Tuy nhiên, GV không nên gợi ý hoặc chia tách câu hỏi quá nhiều vì có thể sẽ phản tác dụng, HS sẽ thụ động tiếp thu, ỷ lại vào GV cũng như hạn chế khả năng suy luận, khái quát và tổng hợp ở các em. Điều này đòi hỏi sự nhạy bén, linh hoạt của Gv trong từng bài dạy, với từng đối tượng học sinh khác nhau sao cho phát huy được tính tích cực, chủ động tiếp thu bài của HS.
Trong quá trình tìm hiểu bài, GV cũng cần rèn cho học sinh cách trả lời câu hỏi, diễn đạt ý bằng câu văn ngắn gọn, rõ ràng, dùng từ đúng, hay. Từ đó bổ sung và làm giàu vốn tri thức ngôn ngữ cho các em.