Có một số người tự cho rằng bản thân có thể một bước đạt đến thành công, nên luôn mơ tưởng “nhất cử thành danh” - ngay lập tức có thể trở thành một người thành đạt. Trên thực tế, đây là một điều không thể. Một là, do năng lực của bạn không đáp ứng được; hai là, để làm nên sự nghiệp lớn bắt buộc phải trải qua một quá trình cọ xát rèn luyện lâu dài. Bởi vậy, những người thực sự làm nên nghiệp lớn, xuất sắc trong việc làm chủ tình thế, có con mắt nhìn bao quát đại cục đều bắt đầu làm từ những việc nhỏ.
Có người nói, khi lớn lên muốn trở thành một nhân vật vĩ đại, mục tiêu này là không cụ thể. Mục tiêu phải cụ thể, ví dụ như: Bạn muốn học giỏi tiếng Anh, vậy bạn phải đặt ra mục tiêu, mỗi ngày phải học thuộc 10 từ mới, 1 bài luận. Yêu cầu bản thân trong vòng 1 năm phải đọc được sách báo bằng tiếng Anh; do mục tiêu mà bạn đặt ra rất cụ thể, đồng thời lại có thể thực hiện từng bước, mục tiêu sẽ dễ dàng đạt được. Có người đã từng thực hiện một thí nghiệm như sau: ông ta chia mọi người ra thành hai tổ, vóc dáng của mọi người trong hai tổ đều sàn sàn như nhau và yêu cầu
họ nhảy cao. Trước tiên, cả hai tổ cùng nhảy qua mức 6 foot, sau đó ông nói với một tổ rằng: “Các anh có thể nhảy qua mức 6,5 foot” và nói với tổ kia rằng: “Các anh có thể nhảy được cao hơn”, rồi để họ lần lượt nhảy. Kết quả là, các thành viên của tổ có mục tiêu cụ thể là 6,5 foot đều nhảy được rất cao; còn tổ kia, do không có mục tiêu cụ thể nên đa số thành viên chỉ nhảy qua được mức hơn 5 foot một chút, rất ít người có thể nhảy qua được mức 6,5 foot. Nguyên nhân do đâu? Đó là vì tổ thứ nhất có mục tiêu cụ thể.
Với những người có cơ sở nền tảng vững chắc, thành công họ đạt được rất bền vững. Ngược lại, những người không có nền tảng, thành công của họ giống như bong bóng xà phòng, rất dễ mất đi.
Johan là một người bán hàng có thành tích xuất sắc, nhưng anh ta luôn muốn được đứng trong hàng ngũ những người bán hàng có thành tích cao nhất. Tuy vậy, đó chỉ là mong muốn chứ anh ta chưa bao giờ thực sự cố gắng để đạt được. Mãi cho tới ba năm sau, một hôm, anh ta nhớ đến một câu nói: “Nếu làm cho nguyện vọng trở nên rõ ràng thì sẽ có ngày thực hiện được”.
Thế là ngay tối hôm đó, anh ta bắt đầu đặt ra cho bản thân bảng thành tích mà mình hy vọng đạt được, sau đó từng bước thực hiện, ở đây nâng lên 5%, ở kia nâng lên 10%, kết quả là số lượng khách hàng đã tăng lên 20%, thậm chí còn cao hơn. Điều này đã kích thích lòng nhiệt tình của Johan. Từ đó, dù gặp phải tình huống nào, vụ làm ăn nào, anh ta đều đặt ra con số cụ thể làm mục tiêu, đồng thời hoàn thành trong vòng 1 đến 2 tháng.
“Tôi nhận ra, mục tiêu càng rõ ràng thì càng thấy tự tin và quyết tâm rằng bản thân sẽ đạt được mục tiêu đó”. Johan nói, kế hoạch của anh ta bao gồm “địa vị mà tôi muốn đạt được, thu nhập mà tôi muốn đạt được, năng lực mà tôi muốn có”. Sau đó, anh ta chuẩn bị đầy đủ các bài phỏng vấn, nỗ lực tích lũy các kiến thức nghiệp vụ, đến cuối năm thứ nhất, anh ta đã lập được một kỷ lục chưa từng có, sang đầu năm sau, hiệu quả lại càng tốt hơn.
Johan đã có được một kết luận riêng cho bản thân: “Trước đây, không phải là tôi chưa từng nghĩ đến việc phải mở rộng nghiệp vụ, nâng cao thành tích công việc của mình. Nhưng do từ trước đến nay, tôi chỉ suy nghĩ chứ chưa từng hành động, bởi vậy, tất cả những mong muốn của tôi đều tan thành mây khói. Từ sau khi xác định rõ mục tiêu và đặt ra những con số và thời hạn để thực hiện mục tiêu, tôi mới thực sự cảm thấy có một sức mạnh thúc đẩy để tôi đạt được nó”.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta đều có mục tiêu của riêng mình, để đạt được mục tiêu, điều quan trọng là phải cụ thể hóa, chi tiết hóa mục tiêu.
Bất cứ thành công nào cũng đều không dễ dàng có được, đều phải áp dụng phương pháp tiến dần từng bước. Có rất nhiều người sở dĩ bỏ dở mục tiêu giữa chừng không phải vì công việc đó quá khó, mà là vì họ cách quá xa so với những người thành đạt, chính nhân tố tâm lý này đã dẫn đến thất bại.
Coi khoảng cách dài là một đoạn khoảng cách nhất định, dần dần từng bước vượt qua nó, bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn nhiều. Cụ thể hóa mục tiêu có thể giúp bạn hiểu rõ trước mắt phải làm những gì, làm thế nào để làm được tốt hơn.