Cho cuộc sống có ý nghĩa là một cách sống, làm cho cuộc sống không có ý nghĩa cũng là một cách sống. Có những người sống với một sức sống mãnh liệt, lĩnh hội được tất cả những nét đẹp của cuộc sống; lại có những người sống một cuộc sống vô vị, cô đơn. Bill Gates cho rằng, một người công nhân luôn đi tìm kiếm công cụ thì không thể thành đạt trong sự nghiệp.
Có một kiểu hưởng thụ, nó có thể khiến bạn nằm dài trên giường một cách thoải mái, nó có thể khiến bạn không phải lo lắng buồn rầu, có thể khiến bạn hàng đêm có được giấc ngủ yên lành, đồng thời có thể nói không biết chán về những ảo tưởng của mình... Kiểu hưởng thụ này sẽ ngăn cách con người khỏi sự phấn đấu, sự cần cù chịu khó, không biết đến nắng mưa, không phải đổ mồ hôi.
Nhu cầu hưởng lạc ai cũng có, đây cũng là bản tính của con người. Con người là một sinh mệnh luôn có nhu cầu tự nhiên là để cơ thể được an nhàn.
Tuy nhiên, con người còn sống bằng sự chế ngự của lý tính, không thể chỉ hành động theo nhu cầu của cơ thể.
Con người luôn có mong muốn hưởng lạc, nhưng nếu để nhu cầu này chiếm trọn ý nghĩ thì lại thật sự nguy hiểm. Cũng giống như chuyện đau răng, ai cũng sẽ đau răng nhưng nếu một người cả năm lúc nào cũng đau răng thì đây lại là một căn bệnh.
Làm việc và học tập đều rất vất vả, có những người để tránh sự vất vả đã trốn mình trong phòng, không làm gì, cũng chẳng quan tâm đến điều gì, hoặc đến những nơi vui chơi giải trí để hưởng lạc. Tuy nhiên, áp lực công việc vẫn luôn tồn tại ngay cả khi bạn trốn tránh sự vất vả.
Còn sống thì còn phải làm việc. Bởi vậy, khi hưởng lạc, con người phải tìm một cái cớ để biện minh cho hành động của mình. Đây là một việc rất dễ dàng. Sau khi tìm được cớ, họ đã có thể danh chính ngôn thuận để tìm sự hưởng lạc.
Sự hưởng lạc không có gì xấu, đó là một điều hết sức bình thường đối với con người. Nhưng đã là con người thì sự hưởng lạc lại phải có giới hạn. Bởi vì con người không phải chỉ sống vì bản thân mà còn phải sống vì trách nhiệm.
Đã phải gánh vác trách nhiệm thì không thể chỉ biết đến sự hưởng lạc của bản thân, không được có tâm lý lười nhác.
Những kẻ lười nhác chẳng bao giờ làm được việc gì. Làm việc gì cũng phải có tâm, phải bỏ sức lao động, trên đời chẳng việc gì có được mà không phải bỏ sức lao động. Có người không cần lao động cũng có được tiền của, đó là những người được hưởng tài sản thừa kế kếch sù, hoặc có người tự nguyện cung cấp cho họ; nhưng những người như thế không nhiều, đại bộ phận mọi người đều phải dựa vào bản thân để kiếm tiền.
Quả đúng vậy, sự lười nhác có thể đem lại cho con người sự hưởng thụ trong chốc lát, giúp họ thoát khỏi sự vất vả, mệt mỏi do lao động đem lại. Tuy nhiên, bạn nên biết rằng, sự lười nhác có thể đem lại niềm vui trong chốc lát nhưng đổi lại sẽ là sự đau khổ kéo dài.
Ngoài ra, sự sống được biểu hiện ở sự vận động. Có nghĩa là chính cơ thể con người cũng yêu cầu con người không ngừng vận động, không ngừng hoạt động, không ngừng lao động. Trong cuộc sống, có lúc cần hưởng lạc, nhưng cũng có lúc phải lao động. Bởi vì, xét nhịp điệu và quy luật cuộc sống của một người, nếu luôn mưu cầu sự hưởng lạc thì cũng rất mệt mỏi, không những cơ thể mà hệ thần kinh cũng không chịu đựng được.
Những người lười nhác, suốt ngày ở những trung tâm vui chơi giải trí hoặc ngủ suốt ngày, dần dần cơ thể sẽ béo phì, chân tay không muốn vận động, dễ mắc các bệnh tim mạch, mỡ máu cao, tắc mạch máu não... ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Có hai phương pháp lý tính để đối phó với tâm lý hưởng lạc: Một là loại bỏ nó, có nghĩa là khi ý thức được bản thân có tư tưởng hưởng lạc, cần nỗ lực chế ngự nó, nỗ lực hướng sự chú ý của bản thân vào các hoạt động lao động, công tác hay học tập. Cách thứ hai là duy trì sự hưởng lạc một cách hợp lý, có nghĩa là không loại bỏ tâm lý hưởng lạc của bản thân mà biết cách lợi dụng triệt để tâm lý đó, biến nó thành một kiểu tâm lý có lợi cho bản thân.
Bản chất của tâm lý hưởng lạc là thúc đẩy con người vứt bỏ lao động, hưởng thụ cuộc sống, tuy nhiên, nếu một người có thế vượt lên trên cuộc sống hiện thực, anh ta có thể biến dạng tâm lý này thành động lực để thúc đẩy sự nghiệp của mình phát triển.