Bất cứ ai cũng khó tránh khỏi phạm phải sai lầm, Bill Gates cũng vậy, nhưng ông có quan niệm: Nếu bạn không muốn rút ra bài học từ sai lầm thì bạn sẽ tìm mọi cách để che đậy sai lầm đó. Nếu chịu trách nhiệm với bản thân thì bạn phải dũng cảm nhận lỗi.
Bạn đã từng gặp phải những thất bại nặng nề chưa? Hoặc đã bao giờ tự trách móc bản thân vì những lỗi lầm mà mình mắc phải? Bạn đã từng bỏ công sức mà không thu được kết quả gì? Cuộc đời bạn có thể đã từng xảy ra những bi kịch cá nhân? Liệu bạn đã từng mạo hiểm phạm sai lầm nhưng kết quả là thất bại thảm hại? Liệu bạn đã từng vì hy vọng bị sụp đồ mà suy sụp tinh thần? Không nên để những tình huống trên cản trở bạn đạt được mục tiêu cuối cùng. Thất bại cũng giống như mạo hiểm và thắng lợi, là một phần tất yếu của cuộc sống. Những thành công vĩ đại thường chỉ đạt được sau vô số những lần thất bại cay đắng.
Cuộc đời của tất cả những người thành đạt có thể chứng minh rằng cuộc đời con người không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Chẳng ai có thể luôn là người chiến thắng. Sai sót là điều khó tránh khỏi, vấn đề then chốt là sai lầm đó có thể làm cho bạn hoàn toàn suy sụp hay trở thành cầu nối để đưa bạn đến với bến bờ của thành công.
Phương pháp để học tập từ những sai lầm là:
1. Xem xét một cách chân thực và khách quan đối với tình thế gặp phải. Không nên quy tội cho người khác mà nên tự kiểm điểm lại bản thân.
2. Phân tích quá trình và nguyên nhân thất bại. Lập lại kế hoạch, áp dụng các biện pháp cần thiết để sửa chữa sai lầm.
3. Trước khi tiến hành thử lại, hãy tưởng tượng ra cảnh bản thân giải quyết công việc và ứng phó với khách hàng một cách ổn thỏa.
4. Quên đi những ký ức về sự thất bại có thể đánh vào lòng tự tin của bản thân, biến chúng thành yếu tố bồi dưỡng cho thành công trong tương lai của bạn.
5. Bắt đầu lại.
Có thể bạn sẽ phải thực hiện 3 lần 5 bước trên mới đạt được mục tiêu như mong muốn. Điều quan trọng là trong mỗi lần thử, bạn phải có thêm sự thu hoạch, đồng thời tiến thêm được một
bước về phía mục tiêu.
Bình tĩnh đón nhận sự phê bình không phải là một việc dễ dàng. Chúng ta đều sợ phạm sai lầm. Từ nhỏ chúng ta đã được giáo dục rằng phạm sai lầm là một điều không tốt, sẽ khiến chúng ta mất đi tình yêu thương của người thân và bạn bè. Tuy nhiên, chúng ta cần cố gắng để hành động, hạn chế chịu ảnh hưởng quá lớn của tình cảm.
Khi bị phê bình không nên cảm thấy thất vọng, bất công hay tức giận mà nên dồn hết tinh lực định ra một kế hoạch khác để lấy lại bình tĩnh, làm lại từ đầu. Cùng những người có liên quan nghiên cứu kế hoạch của bạn, không nên lãng phí thời gian và tinh lực vào việc oán trách lẫn nhau, nên cùng nhau nỗ lực giải quyết vấn đề.
Đôi khi chúng ta lại nhận hết trách nhiệm về mình. Chúng ta sẽ nói: “Tất cả đều là lỗi của tôi”, “Tôi chẳng làm được việc gì”. Nếu là lỗi của chúng ta, nhận trách nhiệm là việc nên làm, nhưng rõ ràng không phải lỗi của chúng ta mà cứ nhận trách nhiệm về mình thì lại là một việc rất nguy hiểm. Những người thích đổ lỗi cho bản thân trong tâm lý thường có những suy nghĩ như: “Mình thật ngu ngốc, mình là người thất bại”. Như vậy, lần sau bạn sẽ lại phạm phải sai lầm tương tự, hoặc bạn lầm tưởng rằng bản thân mình ngu ngốc thật mà chẳng hề thử làm lại. Điều kỳ quặc là chúng ta lại có khả năng chấp nhận thất bại. Việc tự thương hại bản thân dễ dàng hơn nhiều so với việc dùng trí óc để phân tích bản thân, suy nghĩ làm thế nào để lần sau đạt được thành công. Những người giành được thắng lợi là những người giỏi trong việc rút ra bài học kinh nghiệm từ những thất bại, bởi vì đây là một phương pháp hữu hiệu để nâng cao năng lực bản thân.