Bill Gates nói: “Có thể hiểu hết được mọi việc thì có thể bỏ qua tất cả mọi việc”. Trên thế giới, có rất nhiều chuyện bất hạnh xảy ra do con người không có lòng bao dung. Do không nhận thức rõ được sự việc, do sự ngăn cách mà dẫn đến hiểu lầm, từ hiểu nhầm dẫn đến nổi giận. Bởi vậy, nếu muốn trở thành những người văn minh thì chúng ta không thể không hiểu biết về những sự vật trên thế gian.
Tâm lý học cho rằng, mỗi một đặc tính đều có nguyên nhân và mục đích của nó. Ví dụ, trong gia đình, trong một bữa tiệc của mẹ, Mary đã làm rớt chút thức ăn ra chiếc áo mới. Mary cảm thấy rất xấu hồ vì việc này nhưng mẹ của cô bé thì cho rằng, đây là một sơ suất trong sự giáo dục, không thể tha thứ, thế là đã lớn tiếng quát mắng Mary trước mặt khách. Mary đáng thương sau khi bị mẹ mắng còn bị kéo ra khỏi bàn tiệc, cô bé cảm thấy bị mất thể diện trước mặt khách, vì thế cô bé cảm thấy vô cùng đau khổ. Nhưng mẹ cô bé lại cảm thấy làm như vậy đã an ủi được bản thân.
Thực ra trong cuộc sống, ai cũng có những lúc khó xử, có những lúc phạm sai lầm, phải cầu cứu người khác, nếu lúc đó bạn ở phía những người phê phán - nhất là khi sai lầm của họ lại liên quan đến lợi ích của bạn, hoặc khi họ và bạn có mối thù hận sâu sắc - bạn sẽ làm như thế nào? Bạn sẽ đắc ý, sẽ chơi trò mèo vờn chuột? Bạn rất nghiêm túc, rất tôn trọng nguyên tắc? Hay là bạn bỏ qua, không làm khó họ? Mỗi người đều có cách xử lý riêng. Thông thường, những người bụng dạ hẹp hòi thích làm khó người khác, họ không muốn giúp đỡ người khác, không bao dung và tha thứ cho người khác. Họ thậm chí còn nhân cơ hội này để cho mình được hả lòng hả dạ, dương dương tự đắc. Nhưng trong cuộc sống, sẽ có lúc bạn ở vào hoàn cảnh khó khăn, có sai sót, cần đến sự giúp đỡ của người khác. Ví dụ, bạn lỡ tay làm bẩn áo của người khác, vi phạm luật lệ giao thông, vì muốn làm việc nghĩa khí mà gây thù oán với người khác... Trong tình huống này, bạn rất cần có sự bao dung của người khác. Đồng cảm, khoan dung, không làm khó người khác là một đức tính tốt. Đức tính này có thể cảm hóa được con người, nâng cao mối quan hệ thân thiện giữa người với người, giúp xã hội hình thành một phong cách hướng thiện, khoan dung, không còn những kẻ tiểu nhân, những thế lực đen tối cũng sẽ ít đi, khi bản thân gặp sự bất hạnh cũng có thể dễ dàng có được sự giúp đỡ của người khác. Trong những thời khắc quan trọng, bạn có thể giúp đỡ người khác, họ sẽ không bao giờ quên ơn bạn. Ngược lại, làm khó người khác, không tha thứ cho người khác không những chẳng có được điều gì tốt mà còn có thể làm nảy sinh những điều bất lợi cho bản thân.
Rockefeller lẽ ra đã có một cơ hội tốt để dạy cho một nhân viên thiếu giáo dục một bài học nhưng ông đã không làm như thế.
Câu chuyện là thế này, thời trẻ, Rockefeller có rất ít thời gian rảnh rỗi, bởi vậy ông luôn bỏ vào chiếc túi mang bên mình một dụng cụ luyện tay kiểu lò xo co giãn. Một hôm, ông đi vào một phân xưởng của mình, nói là muốn gặp giám đốc, mọi người ở đây không ai biết mặt ông.
Một nhân viên dáng vẻ ngạo mạn thấy cách ăn mặc bình thường của ông liền trả lời: “Giám đốc rất bận”.
Rockefeller liền nói đợi một chút cũng không sao. Khi đó trong phòng khách không có người, ông nhìn thấy trên tường có một chiếc móc, Rockefeller liền lấy dụng cụ luyện tay ra để tập. Âm thanh của lò xo đã gây sự chú ý của nhân viên nọ, anh ta liền chạy đến, nhìn ông với con mắt đầy tức giận, lớn tiếng quát tháo: “Anh nghĩ đây là đâu hả? Tưởng là phòng tập thể hình à? Đây không phải là phòng tập. Anh cất ngay thứ này đi, nếu không thì đi ra ngoài, hiểu chưa?”
“Được, để tôi cất đi”. Rockefeller nhẹ nhàng trả lời. 5 phút sau, giám đốc đến, ông ta lễ phép mời ông vào ngồi.
Người nhân viên nọ tỏ ra hoảng hốt. Rockefeller trước khi ra về còn gật đầu chào anh ta. Anh ta nghĩ rằng chắc chắn tuần này mình sẽ không được trả lương. Anh ta kể lại câu chuyện cho vợ nghe.
Nhưng đến cuối tuần vẫn không có chuyện gì. Một tuần nữa trôi qua, lại một tuần nữa trôi qua, vẫn không xảy ra chuyện gì. 3 tháng sau anh ta mới bình tâm trở lại. Không biết vì duyên cớ gì mà Rockefeller không hề để tâm đến chuyện đó. Có thể là vì Rockefeller còn rất nhiều những việc quan trọng hơn phải làm, ông chẳng để tâm đến một việc nhỏ mọn như thế.
Chúng ta cần nhận thức được rằng, có được cảm tình của người khác nhờ sự bao dung là vô cùng quan trọng. Không nhằm vào những sai sót hoặc khuyết điểm của người khác, như vậy không những giảm thiều được mâu thuẫn mà còn nâng cao được phẩm chất của bản thân. Có ai là người không cần sự giúp đỡ của người khác? Có ai là người không bao giờ mắc sai lầm, không cần người khác khoan dung với mình?
Thế giới này cần sự bao dung, tất nhiên sẽ có những lúc đối tượng cần bao dung lại là kẻ thù của bạn, đây quả là một việc quá khó khăn, nhưng chỉ cần bạn dũng cảm chiến thắng bản thân thì việc đó vẫn có thể thực hiện được. Bao dung với người khác cũng là một cách để đối xử tốt với bản thân.