Dù là người có thể tránh được phần lớn những vấn đề trên, nhưng nếu không biết phân biệt mức độ công việc thì cũng không thể có được hiệu suất làm việc cần có.
Phân biệt được mức độ công việc là vấn đề then chốt trong quản lý thời gian. Rất nhiều người trong quá trình xử lý các công việc hàng ngày không cân nhắc xem sau khi hoàn thành xong một nhiệm vụ nào đó thì họ sẽ có được những lợi ích gì. Họ cho rằng nhiệm vụ nào cũng giống nhau, chỉ cần sử dụng hết thời gian cho công việc là họ đã cảm thấy vui vẻ rồi; hoặc là họ thích làm những công việc có vẻ thú vị mà không để ý đến những công việc khác. Họ không biết phải sắp xếp các nhiệm vụ và trách nhiệm trong cuộc đời mình theo mức độ quan trọng. Trước khi xác định xem cụ thể mỗi ngày phải làm những gì, bạn phải tự hỏi bản thân 3 câu hỏi sau:
Mình cần làm gì? Xác định việc gì mình bắt buộc phải làm.
Cái gì có thể mang lại cho mình hiệu quả lớn nhất? Bởi vì, con người nên tập trung thời gian và tinh lực vào những việc có thể đem lại cho mình hiệu quả lớn nhất.
Cái gì có thể đem lại cho chúng ta nhiều cảm giác thỏa mãn nhất? Trong tất cả những việc có thể đem lại cho chúng ta hiệu quả cao nhất, phải ưu tiên làm trước những công việc đem lại cho bản thân cảm giác thỏa mãn và niềm vui.
Phải luôn luôn cảnh giác với những tên trộm thời gian, nên nhớ rằng, trân trọng thời gian chính là trân trọng sinh mạng của mình. Thời gian là vốn quý của cuộc sống, một người lãng phí thời gian chính là lãng phí sinh mệnh của bản thân. Thời gian đến vội vàng mà đi cũng vội vàng, muốn cuộc sống của bản thân có thêm nhiều ý nghĩa thì phải biết trân trọng quãng thời gian ngắn ngủi của cuộc đời mình.
Thời gian đối xử với mọi người rất công bằng. Ai biết quý trọng thời gian thì sẽ có nguồn của cải vô tận, còn những người lãng phí thời gian sẽ chẳng có được gì.