DNVVN ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước. Ở Việt Nam, số lượng DNVVN tăng bình quân mỗi năm khoảng 10% và đây là bộ phận năng động, có hiệu quả nhất trong nền kinh tế. Tính đến tháng 6/2008 đã có 349.305 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, với tổng số vốn đăng ký trên 1.389.000 tỷ đồng, trong đó DNVVN chiếm khoảng 93,96% trên tổng số doanh nghiệp. Các DNVVN hàng năm đã đóng góp khoảng 40% GDP của cả nước, thu hút khoảng 50,13% tổng số lao động trong doanh nghiệp, vốn chiếm 28,92%, doanh thu chiếm 22,07%, lợi nhuận chiếm 11,78% và nộp ngân sách chiếm 17,46%. Có thể nói, DNVVN đang trở thành bộ phận quan trọng đóng góp đáng kể vào nền kinh tế quốc dân.
Tuy nhiên ở Việt Nam, điểm yếu của các DNVVN hiện nay vẫn là thiếu vốn, thiếu mặt bằng sản xuất, thiếu lao động có trình độ, từ đó kéo theo hệ quả là công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, sức cạnh tranh rất yếu. Yêu cầu đặt ra trong định hướng phát triển DNVVN hiện nay là cần có sự hỗ trợ của các cơ chế chính sách, đảm bảo cho sự phát triển lâu dài và có hiệu quả của DNVVN. Kinh nghiệm của nước ngoài cho thấy các DNVVN hoạt động hiệu quả nhất khi chúng hoạt động theo cụm và nhóm vì khi ấy giữa chúng phát triển các mối liên kết ngang và dọc, đồng thời thông qua các hợp đồng phụ sẽ hình thành nên một mạng lưới các mối quan hệ chính thức và không chính thức, giúp khai thác được thế mạnh về tính linh hoạt và năng động của các DNVVN, đồng thời hạn chế nhược điểm về quy mô và năng lực nếu đứng riêng một mình.
Hỗ trợ DNVVN không chỉ là mong muốn của Chính phủ mà còn là mục tiêu lâu dài của các ngân hàng. Bởi đây sẽ là nguồn khách hàng đầy tiềm năng của các tổ chức tín dụng trong tương lai. Đặc biệt đối với các ngân hàng thương mại, DNVVN chính là đối tượng khách hàng tiềm năng và lớn mạnh nhất trong nền kinh tế. Sự phát triển của các DNVVN góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngân hàng hiện nay. Doanh nghiệp cần được chuẩn bị năng lực để trước tiên là tồn tại và phát triển trong các thị
trường nhỏ lẻ, trên cơ sở đó từng bước hội nhập tích cực và sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh các yêu cầu thường trực về nhân lực, tài lực, thông tin (như những đầu vào cho quá trình phát triển), các DNVVN cần phải nâng cao trình độ công nghệ nói chung và công nghệ thông tin nói riêng để đạt được hiệu quả cao hơn trong quá trình sản xuất kinh doanh.
3.1.2. Định hướng cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ tại chi nhánh VPBank Hà Nội Nội
Mục tiêu chính của ngân hàng VPBank hiện nay là tập trung vào đối tượng khách hàng là các DNVVN. Đây là đối tượng khách hàng được nhận định sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Theo chiến lược phát triển đến năm 2010 của Chính phủ thì số doanh nghiệp vừa và nhỏ cả nước dự kiến là 500.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, việc tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng đối với DNVVN còn gặp rất nhiều khó khăn. Theo Vụ tín dụng ngân hàng Nhà nước, hiện nay chỉ có khoảng 50% doanh nghiệp ngoài quốc doanh (163000 doanh nghiệp) có quan hệ tín dụng với ngân hàng, trong đó các DNVVN chiếm đa số và dư nợ tín dụng chiếm 27.3% tổng dư nợ của nền kinh tế. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các ngân hàng nước ngoài cũng là một thách thức lớn đối với ngân hàng trong nước khi tiếp cận các DNVVN, trong đó có chi nhánh VPBank Hà Nội. Theo Hiệp Hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi các ngân hàng nước ngoài xuất hiện thì không chỉ các doanh nghiệp lớn bị thu hút bởi các sản phẩm dịch vụ đa dạng mà các DNVVN cũng thay đổi các hoạt động vay vốn của mình sang các ngân hàng nước ngoài. Các DNVVN sẽ tranh thủ vốn và tiện ích, dịch vụ của các ngân hàng nước ngoài vì cảm thấy được tiếp cận nguồn vốn tín dụng dễ dàng hơn. Ngược lại, DNVVN của Việt Nam cũng là đích ngắm của các ngân hàng nước ngoài. Bởi trên thực tế hiện nay DNVVN rất khó tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng trong nước, vì không đủ tài sản thế chấp trong khi các ngân hàng nước ngoài lại rất chú trọng đến các loại hình doanh nghiệp này. Đây là một thực tế đòi hỏi các NHTM trong nước cũng như VPBank cần đề ra những định hướng chiến lược cụ thể hơn nữa trong việc mở rộng cho vay DNVVN.
Thế mạnh của VPBank hiện nay là mối quan hệ bền vững, sự nắm bắt tâm lý, thói quen, tập quán của khách hàng, do đó có thể triển khai rộng rãi hoạt động nghiệp vụ mà ngân hàng nước ngoài chưa thể có được. Tuy nhiên, trong điều kiện mở cửa hội nhập
quốc tế, NHTM Việt Nam nói chung và VPBank nói riêng một mặt cần chủ động đầu tư cơ sở vật chất, phát triển đa dạng hoạt động kinh doanh, đặc biệt là phát triển các dịch vụ ngân hàng mới, mặt khác cũng cần chú trọng trong việc phát triển nguồn lực con người.