1. Tích cực phối hợp với cơ quan BHXH địa phương thực hiện tốt công tác vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách BHYT trong đội ngũ giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác thu BHYT, đảm bảo trong năm 2018 có 100% học sinh tham gia BHYT; phối hợp với BHXH phát hành thẻ BHYT kịp thời cho học sinh tham gia BHYT. Chỉ đạo kiện toàn và phát triển y tế trường học, làm tốt công tác Chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) cho học sinh;
2. Tăng cường công tác phối hợp của các tổ chức xã hội, đoàn thể và các ban ngành địa phương tuyên truyền, vận động học sinh tham gia BHYT, trong đó chú trọng vào các nội dung về quyền lợi học sinh được hưởng khi tham gia BHYT; thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền đối với các nhóm đối tượng học sinh thuộc hộ cận nghèo và hộ gia đình có mức sống thấp tham gia BHYT đầy đủ. Đồng thời tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội, các mạnh thường quân để hỗ trợ học sinh tham gia BHYT đạt tỷ lệ 100%.
3. Vào đầu năm học, các trường tổ chức thu BHYT học sinh một lần đối với gia đình học sinh có điều kiện và nhu cầu. Tuy nhiên, để tránh gây áp lực về tài chính vào đầu năm đối với học sinh và cha mẹ học sinh, do vậy có thể vận động, tạo điều kiện cho học sinh tham gia đóng BHYT chia làm nhiều đợt trong năm học. 4. Thực hiện rà soát, phân loại danh sách học sinh chưa tham gia BHYT của năm học trước, những học sinh đến tháng 12/2018 (cuối học kỳ I) sắp hết hạn tham gia, qua đó nhà trường khẩn trương phối hợp với các đoàn thể và chính quyền địa phương tiếp tục vận động cha mẹ học sinh, khuyến khích, động viên học sinh tham gia BHYT đầy đủ, đạt tỷ lệ 100% trong năm học này.
5. Phối hợp với BHXH, Phòng Y tế huyện, thị, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn việc sử dụng đúng, hiệu quả quỹ CSSKBĐ trích lại trường và thực hiện việc thanh quyết toán kinh phí CSSKBĐ theo quy định của BHXH;
6. Lấy tỷ lệ học sinh tham gia BHYT tại đơn vị trường học là một trong các tiêu chí để phân loại thi đua, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm tại đơn vị.