Thức trách nhiệm, trình độ, năng lực của các chủ thể có thẩm quyền xây dựng và ban hành pháp luật về tuyển dụng công chức

Một phần của tài liệu Luận án Đào Mạnh Hoàn (Trang 67 - 68)

thẩm quyền xây dựng và ban hành pháp luật về tuyển dụng công chức

Ý thức trách nhiệm của công chức, cơ quan có thẩm quyền xây dựng và ban hành văn bản pháp luật về tuyển dụng công chức có ảnh hưởng lớn đến chất lượng hoạt động này. Theo đó, chất lượng xây dựng và ban hành pháp luật về tuyển dụng công chức phụ thuộc vào ý thức tuân thủ về tiến độ trình dự thảo văn bản, nội dung và thời hạn tham gia góp ý kiến, kết quả thẩm định đề nghị xây dựng văn bản. Chất lượng hoạt động xây dựng và ban hành pháp luật về tuyển dụng công chức chịu tác động của hoạt động phân công, phân nhiệm vụ, sự phối hợp giữa các đơn vị có liên quan trong tìm tòi, khảo sát thực tiễn, tham khảo ý kiến của các chủ thể chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, các chuyên gia, nhà khoa học và cử tri.

Thông qua ý thức trách nhiệm của mình, các chủ thể có thẩm quyền tác động đến quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tuyển dụng công chức. Nếu các chủ thể đó có ý thức trách nhiệm cao thì sẽ xây dựng, soạn thảo và ban hành được những quy định về tuyển dụng công chức bảo đảm lợi ích chung cho xã hội, lợi ích hợp pháp của nhà nước, quyền và lợi ích do pháp luật quy định của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong xã hội. Ngược lại, nếu các chủ thể đó thiếu ý thức trách nhiệm thì chỉ có thể xây dựng, ban hành các quy định pháp luật về tuyển dụng công chức có xu hướng thiên lệch để bảo vệ những lợi ích riêng của một nhóm người như qui định về ưu tiên con em trong ngành, không công khai phạm vi kiến thức, không phúc khảo bài thi…. Khi đó, pháp luật tuyển dụng công chức khó bảo đảm tính công bằng, khách quan, minh bạch, công khai, tạo kẽ hở cho những hành vi gian dối, tham nhũng, tiêu cực.

Chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật quy định về tuyển dụng công chức phản ánh trình độ, năng lực của công chức, cơ quan tham gia soạn thảo. Nếu công chức, cơ quan soạn thảo hạn chế về trình độ, năng lực sẽ dẫn đến các hiện tượng: phân tích đánh giá chính sách không sát với thực tế; nghiên cứu không thấu đáo về các vấn đề cần giải quyết như mục tiêu của chính sách, giải pháp để thực hiện chính sách, tác động tích cực, tiêu cực của chính sách, chi phí, lợi ích của các giải pháp, so sánh chi phí, lợi ích của các giải pháp, lựa chọn giải pháp của cơ quan, tổ chức và lý do của việc lựa chọn, đánh giá tác động thủ tục hành chính, tác động về giới (nếu có)…

Một phần của tài liệu Luận án Đào Mạnh Hoàn (Trang 67 - 68)