Về nội dung pháp luật

Một phần của tài liệu Luận án Đào Mạnh Hoàn (Trang 81 - 82)

Căn cứ tuyển dụng công chức: công chức được tuyển dụng căn cứ vào năng lực (thành tích, kinh nghiệm và trình độ văn hóa).

Phương thức tuyển dụng công chức: qua kỳ thi, xét theo học bạ hay văn bằng được đào tạo hoặc theo đề nghị của hội đồng tuyển trạch. Điểm mới trong sắc lệnh là việc thành lập Hội đồng tuyển trạch, giống mô hình Hội đồng tuyển dụng ngày nay. Thành viên của Hội đồng tuyển trạch là các nhà chuyên môn, không phải các nhà lãnh đạo.

Tiêu chuẩn đăng ký tuyển dụng công chức: có quốc tịch Việt Nam; đủ 18 tuổi. Đối với một vài ngạch đặc biệt tuổi tối thiểu cao hơn; hạnh kiểm tốt; có quyền công dân; có đủ sức khoẻ theo giấy chứng nhận.

Ưu tiên trong tuyển dụng công chức: đồng bào thiểu số, cựu binh, thương binh, quân nhân có chiến công sẽ được ưu tiên trong việc tuyển dụng và có quy định riêng.

Phân cấp trong tuyển dụng công chức: các thể lệ và chương trình thi vào mỗi ngạch sẽ do nghị định Bộ sở quản ấn định, sau khi thoả thuận với Bộ Quốc gia Giáo dục và Bộ Nội vụ. Không phải mọi quy định về hoạt động tuyển dụng công chức đều nhất nhất phải do một cơ quan phụ trách.

Thông báo kết quả tuyển dụng công chức: thời gian công bố kết quả kỳ thi là 2 tháng sau ngày tổ chức tuyển dụng công chức.

Nguyên tắc xác định người trúng tuyển: lấy thứ tự từ cao xuống thấp.

Tuyển tạm công chức và công chức tuyển theo hợp đồng: tùy tính chất, mức độ của công việc và để kịp thời bố trí nguồn nhân lực giải quyết công việc đột xuất hoặc trong điều kiện chưa tổ chức được kỳ tuyển dụng, cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng hình thức tuyển tạm công chức và công chức tuyển theo hợp đồng.

Nguồn tuyển dụng: học sinh, sinh viên và quân nhân phục viên, thương bệnh binh.

Nói chung, pháp luật về tuyển dụng công chức trong giai đoạn này có những ưu điểm nổi bật như: quy định cụ thể về công chức và hoạt động tuyển dụng công chức. Đây là cơ sở pháp lý để cho chính quyền non trẻ ở Việt Nam thực hiện công tác tuyển dụng công chức. Nhiều quy định vẫn còn nguyên giá trị, có thể nghiên cứu, tham khảo cho đến thời điểm hiện nay (ví dụ: quy định về việc thành lập Hội đồng tuyển trạch, ưu tiên trong tuyển dụng đối với đồng bào người dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, phân cấp trong tuyển dụng công chức, tạm tuyển công chức, hợp đồng công chức…). Tuy nhiên, qua nghiên cứu các quy định trong giai đoạn này cho thấy, pháp luật về tuyển dụng công chức trong giai đoạn này vẫn nhiều điểm hạn chế như: chưa quy định thể lệ, chương trình, môn thi, đề thi, chấm thi khi tuyển dụng vào một ngạch công chức; quy định thời gian tập sự là một năm dành cho tất cả các trình độ là chưa hợp lý… Hình thức văn bản pháp luật còn sơ sài, chưa thống nhất trong cách đánh số, ký hiệu văn bản, về thể thức, kết cấu, bố cục, ngôn ngữ, văn phong sử dụng chưa đúng với văn bản hành chính, chưa thể hiện tính chuyên nghiệp.

Một phần của tài liệu Luận án Đào Mạnh Hoàn (Trang 81 - 82)