Pháp luật về tuyển dụng công chức giai đoạn 1959-

Một phần của tài liệu Luận án Đào Mạnh Hoàn (Trang 82 - 86)

3.1.2.1. Về hình thức pháp luật

-Về hình thức văn bản: văn bản pháp luật được ban hành đa dạng về hình thức: Nghị định của Hội đồng Chính phủ, Thông tư liên bộ, thông tư của các Bộ, công văn, chỉ thị. Cụ thể, Nghị định số 24-CP ngày 13/3/1963 của Hội

đồng Chính phủ ban hành điều lệ tuyển dụng và cho thôi việc đối với công nhân, viên chức nhà nước; Công văn số 2477-NC ngày 20/06/1959 Thủ tướng Chính phủ về việc tuyển dụng người vào biên chế và sử dụng nhân viên phụ động hợp đồng; Chỉ thị số 161-CP ngày 12/10/1961 Hội đồng Chính phủ đã nhắc các ngành, các cấp phải xúc tiến công tác tuyển dụng công nhân, viên chức; Thông tư số 32-NV/CB ngày 01/07/1959 của Bộ Nội vụ hướng dẫn việc tuyển dụng vào biên chế…

- Về văn phong, ngôn ngữ: văn bản pháp luật quy định về tuyển dụng trong giai đoạn này đã sử dụng nhiều thuật ngữ hành chính, lối hành văn đã tường minh, chứa đựng, truyền tải được những thông tin về công tác tuyển dụng công chức. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo vẫn sử dụng hình thức văn nói, từ ngữ chưa đảm bảo tính trang nghiêm, chưa đúng với ngôn ngữ hành chính công vụ: thì, phải, cho, rồi, mong, Bộ tôi biết… thậm chí còn sử dụng đại từ nhân xưng: “Bộ tôi” tại khoản 1, mục 5, Thông tư số 32-NV/CB ngày 01/07/1959 của Bộ Nội vụ hướng dẫn việc tuyển dụng vào biên chế: “Trong tình hình hiện nay, để việc tuyển dụng được thông qua ý kiến tập thể, Bộ tôi thấy cần phải có Hội đồng tuyển trạch [14, tr.3]. Trong nội dung Công văn số 2477-NC ngày 20/06/1959 Thủ tướng Chính phủ về việc tuyển dụng người vào biên chế, cơ quan soạn thảo sử dụng các từ ngữ: Linh tinh, làm yếu, anh chị em, các vị bộ trưởng…

- Về kết cấu, bố cục: kết cấu và bố cục của các văn bản pháp luật về tuyển dụng công chức trong giai đoạn này đã có sự tương thích với hình thức văn bản; tạo ra sự khác biệt giữa các hình thức văn bản. Theo đó, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/CP ngày 13/3/1963 quy định về điều lệ tuyển dụng công chức, với kết cấu chặt chẽ, có điều lệ kèm theo. Thông tư của Bộ Nội vụ, Bộ Lao động hướng dẫn về công tác tuyển dụng công nhân viên chức nhà nước ban hành đáp ứng đúng thể thức, kết cấu, bố cục của văn bản pháp luật dưới dạng thông tư. Cách đánh số văn bản và ký hiệu văn bản rất đa dạng nhưng không có sự thống nhất giữa các cơ quan hoặc ngay trong cùng một cơ quan.

- Về hiệu lực thi hành: văn bản pháp luật về tuyển dụng công chức trong giai đoạn này chưa hình thành quy phạm độc lập quy định về hiệu lực thi hành. Cách xác định hiệu lực của các văn bản pháp luật quy định về tuyển dụng công chức là từ ngày ký văn bản.

3.1.2.2. Về nội dung pháp luật

- Nguyên tắc tuyển dụng công chức: tuyển dụng phải đảm bảo đường lối, chính sách cán bộ của Đảng và Nhà nước; tuyển dụng theo nhu cầu sản xuất và công tác; tuyển dụng theo chỉ tiêu lao động và chỉ tiêu biên chế đã được Chính phủ quy định; cơ quan chỉ tuyển dụng người khi được cơ quan chủ quản ở trung ương hoặc UBHC địa phương cho phép sau khi đã cố gắng điều chỉnh ở trong ngành hoặc địa phương mà không được.

- Căn cứ tuyển dụng công chức: căn cứ vào nhu cầu công tác và chỉ tiêu biên chế.

-Ưu tiên tuyển dụng công chức: sinh viên có trình độ, có kinh nghiệm, có sức khỏe và bằng cấp.

-Tiêu chuẩn xét tuyển dụng: phẩm chất chính trị tốt, có khả năng công tác và có sức khỏe bảo đảm, không mất quyền công dân, có lịch sử rõ ràng, tự nguyện phục vụ, tin tưởng vào Đảng, Chính phủ và quyết tâm đi theo xã hội chủ nghĩa, sẵn sàng phục vụ nhân dân, có trình độ văn hóa hoặc chuyên môn kỹ thuật đủ điều kiện đáp ứng theo yêu cầu của cơ quan cần tuyển dụng, từ 18 tuổi trở lên, tối đa không quá 35 tuổi.

- Ưu tiên tuyển dụng công chức: thương binh còn khả năng lao động vào các ngành, nghề thích hợp, người dân tộc thiểu số có thể được châm chước về trình độ văn hóa.

-Đối tượng tuyển dụng công chức: học sinh đã tốt nghiệp các trường, các lớp đào tạo cán bộ, công nhân chuyên nghiệp, nhân viên kỹ thuật của Nhà nước, người do cơ quan lao động có thẩm quyền đưa đến.

- Hồ sơ tuyển dụng công chức: đơn xin tuyển dụng, bản khai lý lịch, giấy chứng nhận sức khỏe, giấy chứng nhận trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật…

- Hình thức tuyển dụng công chức: tuyển dụng công nhân, viên chức làm việc lâu dài và công nhân, viên chức làm tạm thời.

-Thời gian tập sự: không quá hai năm. Bộ Lao động và Bộ Nội vụ sẽ quy định cụ thể thời gian tập sự áp dụng cho học sinh tốt nghiệp của từng loại trường, lớp đào tạo cán bộ, công nhân.

- Thời gian làm thử: không quá 30 ngày. Cơ quan tuyển người sẽ quyết định làm thử hoặc miễn thời gian làm thử tùy theo tính chất phức tạp hay giản đơn của công việc mà người đó sẽ nhận.

- Chế độ cho người tập sự, làm thử việc: người tập sự, làm thử được hưởng lương và các chế độ đãi ngộ hiện hành kể từ ngày bắt đầu nhận việc.

- Tuyển dụng chính thức: khi hết hạn tập sự, làm thử, đương sự có đủ điều kiện để làm việc, cơ quan phải làm mọi thủ tục cần thiết để tuyển dụng chính thức.

- Thời gian tuyển dụng: ngày tuyển dụng chính thức được tính liền sau thời gian tập sự hoặc làm thử, kể từ ngày ấy, đương sự được hưởng lương và các chế độ đãi ngộ theo chế độ chung đối với công nhân, viên chức Nhà nước. - Thẩm tra lý lịch: đối với những người đã làm việc lâu năm theo chế độ hợp đồng, tạm tuyển, trước khi xét tuyển dụng chính thức cũng phải thẩm tra lý lịch, thẩm tra chính trị.

Tóm lại, giai đoạn này các quy định về tuyển dụng công chức đã kế thừa và phát triển các quy định về tuyển dụng công chức của giai đoạn trước: quy định về Hội đồng tuyển trạch, chế độ tập sự... Giai đoạn này, văn bản quy định về tuyển dụng công chức đã có những quy định tiến bộ, phát triển hơn giai đoạn trước về căn cứ tuyển dụng công chức, ưu tiên tuyển dụng công chức, tuổi tuyển dụng công chức không quá 45 tuổi… Do đặc thù đất nước trong giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ, văn bản pháp luật về tuyển dụng công chức cũng đã quy định về đối tượng tái tuyển, thẩm tra lý lịch, thẩm tra chính trị. Tuy nhiên, văn bản pháp luật về tuyển dụng công chức trong giai đoạn này ban hành rất nhiều, quy định lại hết sức chung chung, rất khó áp dụng, chưa có chế tài xử lý đối với cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm trong quá trình tuyển

dụng công chức. Do đó, đã dẫn đến tình trạng tuyển dụng công chức tràn lan, tăng biên chế rất nhiều. Hình thức văn bản đã quy củ hơn giai đoạn trước nhưng vẫn còn sử dụng ngôn từ chưa đúng với văn phong hành chính, cách đánh số và ký hiệu vẫn chưa thống nhất, do chưa có văn bản hướng dẫn về thể thức văn bản.

Một phần của tài liệu Luận án Đào Mạnh Hoàn (Trang 82 - 86)