Nghiên cứu hoạt động hoàn thiện pháp luật về tuyển dụng công chức của một số nước trên thế giới, có thể rút ra những giá trị tham khảo cho việc hoàn thiện pháp luật về tuyển dụng công chức ở Việt Nam, như sau:
Một là: Chính phủ cần ban hành một nghị định riêng quy định về công tác tuyển dụng công chức. Trong đó, quy định về trang thông tin điện tử (website) công bố các thông tin về tuyển dụng công chức để mọi người được biết và đăng ký tham gia. Hoa Kỳ có trang thông tin điện tử (website) chuyên đăng tải các thông tin về các kỳ thi tuyển dụng công chức tại địa chỉ: http://usajobs.gov và trang web việc làm dành cho sinh viên tìm hiểu tại địa chỉ: http://studentjobs.gov. Các thí sinh có thể nộp hồ sơ và các bài thi sơ tuyển bằng hình thức trực tuyến qua mạng internet. Thời gian nộp hồ sơ dự tuyển vào tháng 9 hàng năm. Lý do các trường học ở Việt Nam thường kết thúc việc đào tạo, cấp bằng vào tháng 8 hàng năm (Học tập kinh nghiệm của Nhật Bản). Đây là thời điểm các sinh viên ra trường. Tháng 10 hàng năm tổ chức thi tuyển, tháng 11 tổ chức công bố kết quả thi, tháng 12 tổ chức chấm phúc khảo và tháng 1 hàng năm ra quyết định bố trí công việc cho các thí sinh trúng tuyển.
Hai là: Việt Nam cần thành lập một cơ quan tuyển dụng công chức độc lập, dưới dạng Trung tâm Tuyển dụng công chức quốc gia (học tập kinh nghiệm của Nhật Bản và Singapore). Trung tâm này sẽ tiến hành ôn thi và thi sát hạch cho các thí sinh. Tiến hành sát hạch trên máy tính các môn thi trắc nghiệm và cấp chứng chỉ để các thí sinh liên hệ với các cơ quan có nhu cầu tuyển dụng công chức để tiến hành phỏng vấn. Thành lập một Nhóm công chức gồm đại diện công chức các ngành, địa phương xây dựng danh mục các vị trí việc làm để các bộ, ngành và địa phương có cơ sở để tuyển dụng công chức, các thí sinh tìm hiểu để đăng ký dự thi vào các vị trí việc làm còn thiếu.
Ba là: Đa số các công chức làm công tác tuyển dụng ở Việt Nam không được đào tạo về nghiệp vụ tuyển dụng công chức, đa số là làm theo người có kinh nghiệm hoặc tự nghiên cứu văn bản. Đội ngũ những người làm công tác tuyển dụng không được bố trí chuyên trách, lại thường xuyên thay đổi. Do đó, cần có giáo trình dạy về công tác tuyển dụng công chức tại hệ thống Trường bồi dưỡng cán bộ, ngành. Những người làm công tác tổ chức cán bộ tại các bộ, ngành và địa phương cần được đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao nghiệp vụ về công tác tuyển dụng công chức, đạo đức công vụ.
Bốn là: Học tập kinh nghiệm của Nhật Bản, Mỹ và Singapore trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tuyển dụng công chức. Việt Nam cần phải hoàn thiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, quy trình xây dựng pháp luật với các qui định chặt chẽ, làm cơ sở cho hoạt động lập pháp của Quốc hội như của Nhật Bản, Mỹ, Singapore. Quy trình xây dựng pháp luật của Quốc hội cần sửa đổi, bổ sung cho ngày càng phù hợp hơn, đảm bảo huy động tối đa trí tuệ các đại biểu Quốc hội vào hoạt động lập pháp. Đồng thời phát huy vai trò thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội đối với các dự án luật. Chú trọng hoạt động tham khảo ý kiến của các chuyên gia pháp lý, nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân đóng góp vào dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác tuyển dụng công chức như Chính phủ Singapore áp dụng hình thức tư vấn trong quá trình lập pháp. Tăng cường hoạt động tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật về tuyển dụng công chức, kịp thời phát hiện những bất cập trong tuyển dụng công chức để sửa đổi, thay thế, bổ sung trong các qui định pháp luật như kinh nghiệm của Nhật Bản hoặc hoạt động tìm hiểu nhu cầu xã hội, nguyện vọng, mong muốn của các doanh nghiệp, các tầng lớp trong xã hội… ở Hoa Kỳ.
Tiểu kết chương 2
Trong chương 2 của luận án, tác giả đã tổng hợp, phân tích những vấn đề lý luận có liên quan đến nội dung nghiên cứu của luận án như: khái niệm, đặc điểm của pháp luật về tuyển dụng công chức ở Việt Nam. Qua nghiên cứu khái niệm, đặc điểm, luận án đã phân tích, làm rõ vai trò của pháp luật về tuyển dụng công chức ở Việt Nam. Pháp luật tuyển dụng công chức là cơ sở pháp lý thể chế hóa quan điểm, chính sách, chủ trương của Đảng về công tác cán bộ; pháp luật về tuyển dụng công chức có vai trò đảm bảo công khai, công bằng, dân chủ và bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân; pháp luật tuyển dụng công chức là cơ sở pháp luật để Nhà nước Việt Nam xây dựng một đội ngũ công chức chính quy, hiện đại; pháp luật tuyển dụng công chức là
công cụ để cơ quan nhà nước tăng cường tính kiểm tra, thanh tra, giám sát trong bối cảnh đẩy mạnh phân cấp trong công tác tổ chức cán bộ.
Trong chương này, tác giả đã nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hoàn thiện pháp luật về tuyển dụng công chức ở Việt Nam, bao gồm: quan điểm, đường lối của Đảng về hoàn thiện pháp luật tuyển dụng công chức; ý thức trách nhiệm, năng lực, trình độ của các chủ thể có thẩm quyền xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật về tuyển dụng công chức; yếu tố văn hóa, truyền thống lịch sử của dân tộc; yếu tố hội nhập quốc tế.
Tác giả cũng dành thời gian nghiên cứu kinh nghiệm hoàn thiện pháp luật về tuyển dụng công chức của nước ngoài và rút ra những giá trị tham khảo cho Việt Nam. Nội dung nghiên cứu trong chương 2 của luận án là cơ sở lý luận, khung lý thuyết để định hướng cho việc nghiên cứu về quá trình phát triển pháp luật, đánh giá thực trạng về tuyển dụng công chức ở Việt Nam hiện nay và đề xuất các quan điểm, giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về tuyển dụng công chức ở Việt Nam trong thời gian tới.
Chương 3