- Về hình thức văn bản: trong thời kỳ này, pháp luật về tuyển dụng công chức được hình thành chủ yếu từ các sắc lệnh quy định về sử dụng và quản lý công chức như: Sắc lệnh số 76-SL ngày 20/5/1950 ban hành quy chế công chức Việt Nam. Bên cạnh đó, còn có các văn bản khác của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của các bộ, ngành. Tuy nhiên, các văn bản này chiếm số lượng rất ít, quy định về công tác sử dụng và quản lý đội ngũ công chức còn chung chung.
- Về căn cứ ban hành văn bản: một số văn bản pháp luật căn cứ vào đề nghị của một cơ quan xây dựng, soạn thảo, quản lý nhà nước về ngành hoặc lĩnh vực. Chẳng hạn, căn cứ ban hành Sắc lệnh số 18/SL ngày 08/9/1945 về bãi bỏ ngạch học quan do chính sách thực dân Pháp đặt ra:“Theo lời đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục”. Các văn bản pháp luật khác lại có căn cứ ban hành là chiểu theo một số văn bản pháp luật khác và chiểu theo đề nghị của Bộ trưởng hoặc theo quyết nghị của Hội đồng Chính phủ.
- Về văn phong, ngôn ngữ: văn phong, ngôn ngữ được sử dụng trong các Sắc lệnh có phần đơn giản, dễ hiểu, chưa chú trọng đến văn phong hành chính. Đa số độ dài của các sắc lệnh chỉ chiếm khoảng một mặt giấy. Tùy theo tính chất nội dung công việc, có văn bản có độ dài ngắn khác nhau, đáp ứng được yêu cầu về thời gian ban hành cũng như công tác quản lý nhà nước trong giai đoạn xây dựng và kháng chiến của đất nước.
- Kết cấu, bố cục: văn bản chủ yếu kết cấu bằng các điều, phần lớn là kết cấu 2-7 điều. Tuy nhiên, Sắc lệnh số 76 - SL ngày 20/5/1950 ban hành quy chế công chức Việt Nam lại có độ dài với kết cấu, bố cục chương, mục, điều cụ thể,
rõ ràng. Không có sự thống nhất trong cách soạn thảo văn bản, việc sử dụng kết cấu, bố cục còn khác nhau: có văn bản có bố cục theo “Khoản”, có văn bản bố cục theo “Điều 1” hoặc “Điều thứ nhất”. Qua nghiên cứu, nhận thấy, ký hiệu văn bản, cách lấy số văn bản khá đa dạng, chưa có sự thống nhất, thiếu tính ổn định, chưa có quy định rõ ràng, công tác văn thư, lưu trữ cũng chưa được chú trọng.
-Về hiệu lực văn bản: Thời điểm phát sinh hiệu lực thi hành của các sắc lệnh trong giai đoạn này không thống nhất, một số sắc lệnh có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, có sắc lệnh không được quy định về hiệu lực thi hành (Sắc lệnh 18/SL ngày 08/9/1945). Một số văn bản có điều khoản quy định riêng về hiệu lực thi hành của văn bản pháp luật (Sắc lệnh số 60-SL ngày 14/4/1950), có văn bản lại quy định về hiệu lực hồi tố: Sắc lệnh số 47/SL ký từ ngày 25/3/1950 nhưng Điều 2 của Sắc lệnh quy định thi hành từ ngày 01/01/1950.