3.1.4.1. Về hình thức pháp luật
- Về hình thức pháp luật: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Bộ Nội vụ đã ban hành rất nhiều văn bản pháp luật quy định về tuyển dụng công chức dưới dạng: Pháp lệnh, Nghị định và Thông tư. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 3 Pháp lệnh: Pháp lệnh số 02-L/CTN ngày 26/02/1998; Pháp lệnh số 21/2000/PL-UBTVQH10 ngày 28/4/2000 và Pháp lệnh số 11/2003/PL- UBTVQH11 ngày 29/4/2003. Chính phủ đã ban hành bốn Nghị định quy định về công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức: Nghị định số 95/1998/NĐ- CP ngày 17/11/1998, Nghị định số 115/2003/NĐ-CP ngày
10/10/2003, Nghị định số 117/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003, Nghị định số 08/2007/NĐ-CP ngày 15/01/2007. Bộ Nội vụ đã ban hành bốn thông tư hướng dẫn chi tiết về công tác tuyển dụng công chức: Thông tư số 08/2004/TT-BNV ngày 19/02/2004, Thông tư số 09/2004/TT-BNV ngày 09/02/2004, Thông tư số 74/2005/TT-BNV ngày 26/7/2005, Thông tư số 06/2007/TT-BNV ngày 04/7/2007.
- Về kết cấu, bố cục: kết cấu, bố cục văn bản pháp luật về tuyển dụng công chức trong giai đoạn này đã có sự phát triển hơn giai đoạn trước. Trong Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 1998 cơ quan soạn thảo sử dụng lời nói đầu là một phần của kết cấu văn bản nhưng Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 2000 và 2003 đã không sử dụng lời nói đầu, mà sử dụng căn cứ, cơ sở pháp luật để ban hành văn bản. Về cách đánh số và ký hiệu văn bản cũng có sự thay đổi khá rõ ràng. Cách đánh số, ký hiệu thể hiện tên loại văn bản và năm ban hành, cơ quan ban hành. Đây là bước phát triển về hình thức của văn bản, đảm bảo tính khoa học, hợp lý và quy định chặt chẽ, rõ ràng.
- Về văn phong, ngôn ngữ: trong giai đoạn này, ngôn ngữ sử dụng trong các văn bản pháp luật đã đảm bảo đúng yêu cầu của ngôn ngữ hành chính, công vụ, có tính cô đọng, mang tính khái quát cao, đơn nghĩa và rõ ràng. Có thể nói, văn phong, ngôn ngữ đã được các cơ quan soạn thảo quan tâm chú ý, lựa chọn sử dụng từ ngữ chính xác, không còn những từ ngữ mang tính ước chừng, những từ ngữ thừa, không còn sử dụng văn nói.
-Về hiệu lực thi hành: các văn bản pháp luật tuyển dụng công chức đã sử dụng các quy phạm độc lập quy định về hiệu lực thi hành. Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 1998 quy định tại Điều 47: “Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/1998. Những quy định trước đây trái với Pháp lệnh này đều bãi bỏ”. Đặc biệt, đến năm 2003, các nghị định của Chính phủ đã dành một chương và điều quy định về điều khoản thi hành, hiệu lực về thời gian thi hành, phạm
vi điều chỉnh, trách nhiệm đăng tải trên hệ thống công báo, trách nhiệm hướng dẫn để thi hành của cơ quan, tổ chức và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị phải thi hành.
3.1.4.2. Về nội dung pháp luật
Căn cứ tuyển dụng công chức: nhu cầu công việc, vị trí công tác của các chức danh công chức trong cơ quan, tổ chức và chỉ tiêu biên chế công chức được giao.
Hình thức tuyển dụng công chức: sử dụng hai hình thức thi tuyển và xét tuyển.
Điều kiện dự tuyển công chức: người đăng ký tham gia dự tuyển dụng công chức phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện về quốc tịch, bằng cấp, tuổi đời, sức khỏe, đạo đức, lý lịch…
Ưu tiên trong tuyển dụng công chức: những người có công với đất nước, các đối tượng chính sách, người có trình độ đào tạo chuyên môn cao, người đồng bào dân tộc ít người, người tình nguyện công tác lâu dài tại khu vực miền núi, vùng cao vùng sâu, biên giới, hải đảo... được ưu tiên trong tuyển dụng công chức.
Thông báo tuyển dụng công chức: trước kỳ tuyển dụng công chức 30 ngày, cơ quan tuyển dụng công chức phải có trách nhiệm thông báo, đăng tải công khai tại trụ sở làm việc hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng về điều kiện, chỉ tiêu, tiêu chuẩn để công dân biết và đăng ký.
Hội đồng tuyển dụng công chức gồm: Hội đồng thi tuyển và Hội đồng xét tuyển. Hội đồng tuyển dụng có từ 05-07 thành viên, có Ban Coi thi, Ban chấm thi. Hội đồng tuyển dụng làm việc theo nguyên tắc, chế độ tập thể, có nhiệm vụ tổ chức kỳ thi tuyển dụng công chức.
Cách tính điểm trong kỳ thi tuyển công chức: bài thi được chấm theo thang điểm 100. Thí sinh trúng tuyển phải làm đủ bốn bài thi: bài thi kiến thức chung, tin học văn phòng, ngoại ngữ và trắc nghiệm chuyên ngành; tổng số điểm thi của từng bài thi phải đạt 50 điểm trở lên và lấy từ thí sinh có tổng số điểm từ cao xuống thấp. Đối với xét tuyển công chức, thí sinh trúng tuyển là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo tiêu chuẩn ngạch công chức.
Thời hạn cơ quan, tổ chức ra văn bản tuyển dụng và thí sinh nhận việc:
kể từ ngày công bố kết quả tuyển dụng, trong thời gian 30 ngày, cơ quan có thẩm quyền phải ra quyết định tuyển dụng công chức.
Tập sự: người được tuyển dụng phải thực hiện chế độ tập sự tùy theo ngạch công chức. Cơ quan, đơn vị sử dụng công chức phải có nhiệm vụ bố trí công chức cùng ngạch với người trúng tuyển để hướng dẫn người trúng tuyển tập sự.
Hủy bỏ quyết định tuyển dụng: người trúng tuyển sau khi tập sự mà không hoàn thành nhiệm vụ được giao sẽ bị hủy bỏ quyết định tuyển dụng. Người bị hủy bỏ quyết định tuyển dụng được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
Nói chung, pháp luật về tuyển dụng công chức trong giai đoạn này đã có sự thay đổi rất lớn, đảm bảo sự kế thừa phát triển của pháp luật về tuyển dụng công chức của giai đoạn trước. Pháp luật về tuyển dụng công chức đã được ban hành dưới dạng pháp lệnh, nghị định và thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ là cơ quan chuyên trách về công tác tổ chức cán bộ. Hình thức pháp luật đã được ban hành đúng quy định. Các văn bản hướng dẫn về công tác tuyển dụng công chức đã quy định chi tiết, rõ ràng, đảm bảo áp dụng thuận lợi trên thực tế. Đã có sự phân biệt giữa công chức và viên chức bằng văn bản riêng. Điểm mới của pháp luật tuyển dụng công chức giai đoạn này là có văn bản quy định về công chức dự bị, nhằm tạo nguồn cho đội ngũ công chức. Nội dung của pháp luật về tuyển dụng công chức đã quy định đầy đủ và chặt chẽ về quy trình, điều kiện, tiêu chuẩn tuyển dụng công chức. Bên cạnh những ưu điểm, văn bản pháp luật về tuyển dụng công chức trong giai đoạn này vẫn còn một số hạn chế: chưa quy định về phạm vi kiến thức nên gây khó khăn cho công tác ra đề thi, thiếu quy định về miễn thi môn tin học và ngoại ngữ đối với những thí sinh có bằng đại học chuyên ngành tin học và ngoại ngữ, chưa quy định về cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức, chưa có quy định cụ thể về sơ tuyển công chức... Do đó, trong quá trình tuyển dụng, mỗi cơ quan, địa phương lại có cách hiểu và thực hiện quy trình, thủ tục tuyển dụng khác nhau, dẫn dến tình trạng sai phạm rất nhiều, ảnh hưởng đến giai đoạn hiện nay.