a. Vai trò của người điều khiển và cách dẫn dắt buổi thảo luận
- Vai trò người điều khiển là rất quan trọng. Hiệu quả thảo luận tuỳ thuộc vào thái độ tôn trọng và kĩ thuật, nghệ thuật tổ chức, điều khiển của người điều khiển. Một cuộc thảo luận thành công là cuộc thảo luận phát sinh và giải quyết được nhiều mâu thuẫn nhận thức giữa các thành viên. Vì vậy, hiệu quả cuộc thảo luận phụ thuộc rất nhiều vào vai trò người điều khiển. Người điều khiển có thể là người trọng tài phân xử ý kiến của các thành viên khám phá và phát hiện những điều mới trong các ý kiến khác với mình, Điều này phụ thuộc rất nhiều vào thái độ và nghệ thuật dẫn dắt của người điều khiển.
- Nghệ thuật dẫn dắt thảo luận: Có nhiều yếu tố ảnh hưởng chất lượng cuộc thảo luận. Trong đó có hai yếu tố quan trọng: nghệ thuật sử dụng câu hỏi, kĩ thuật sử dụng phương pháp hai cột của người điều khiển.
+ Câu hỏi được coi là phương tiện của người điều khiển trong việc điều khiển thảo luận. Chúng được dùng vào hai trường hợp chính: Định hướng và dẫn dắt thàng viên trong quá trình thảo luận. Để khởi động và định hướng học viên nhập cuộc thảo luận, nên dùng các câu hỏi gợi mở. Chẳng hạn: Bạn có thể cho biết vì sao bạn đã...? Bạn sẽ xử lí như thế nào với tình huống này?... Trong quá trình dẫn dắt thành viên thảo luận, không nên đặt các câu hỏi mơ hồ, xa với chủ đề thảo luận. Khuyến khích họ trả lời sâu vấn đề bằng cách đặt các câu hỏi phụ (ý kiến này hay đấy, vậy tại sao bạn lại nghĩ như vậy? Sự phát triển tiếp theo sẽ là gì?).
+ Trong những cuộc tranh luận, thường xuất hiện các ý kiến khác nhau, thậm chí có tính đối kháng giữa hai hay nhiều nhóm. Với những trường hợp như vậy, cách tốt nhất là người điều khiển sử dụng phương pháp bảng hai cột. Trong đó người điều khiển kẻ trên bảng hai cột : Các ý kiến tán thành(nhóm A) và các ý kiến không tán thành( nhóm B).
Ý kiến nhóm A Ý kiến nhóm B
Nhiệm vụ của người điều khiển là hiểu và ghi tóm tắt tất cả lập luận và chứng cứ do các thành viên của từng nhóm đưa ra (không được bỏ sót bất kì ý kiến nào). Khi không còn ý kiến, cuộc thảo luận sẽ chuyển sang mục đánh giá. Trong nhiều trường hợp, tại thời điểm ghi xong bảng thì các thành viên đã tự rút ra kết luận tán thành hay phản đối. Vấn đề tiếp theo của người điều khiển là cần có biện pháp phòng ngừa hoặc xoá bỏ những mâu thuẫn cá nhân nảy sinh trong và sau quá trình tranh luận. Những mâu thuẫn này rất dễ xảy ra và ảnh hưởng không tốt đến thái độ và tình đoàn kết giữa các thành viên trong lớp.
b. Thái độ và nghệ thuật biểu hiện thái độ của người điều khiển
Biểu hiện thái độ của người điều khiển có ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả của cuộc thảo luận.
- Thái độ trân trọng các thành viên và ý kiến của họ. Đây là bản chất của dạy học bằng phương pháp trao đổi. Trong dạy học theo các phương pháp thuyết trình, thường ngầm chứa một thông điệp : học viên là người không hiểu gì về vấn đề giáo viên sắp trình bày, còn trong thảo luận thì ngược lại, người giáo viên cần xuất phát từ một giả thuyết: vấn đề được thảo luận mọi người đã biết (mặc dù trên thực tế không hoàn toàn như thế). Vì vậy, người điều khiển cần luôn luôn thể hiện sự trân trọng và quan tâm
đến kinh nghiệm và ý kiến của các thành viên. Điều này được thể hiện qua thái độ lắng nghe và chia sẻ của người điều khiển khi học viên đặt câu hỏi hoặc trả lời.
- Nghệ thuật biểu hiện thái độ của người điều khiển. Đối với nhiều thành viên, trong quá trình thảo luận gặp không ít cản trở : thói quen bị động, ngại diễn đạt bằng lời, ý của mình trước tập thể: không hiểu được giá trị của thảo luận: tâm lý sợ bị phê phán và sợ người khác coi thường, hạ thấp mình (cho là mình dốt) ... Mặt khác, cũng có không ít thành viên có thói quen nói nhiều, nói dài, chiếm nhiều thời gian cuộc thảo luận. Trong những trường hợp như vậy, người điều khiển cần biết thể hiện thái độ của mình. Việc sử dụng ngôn ngữ cũng là vấn đề cần quan tâm khi tổ chức thảo luận. Một cách tốt để tạo không khí sôi nổi trong lúc thảo luận là người điều khiển không nên nói nhỏ nhẹ mà cần nói mạnh mẽ hùng hồn, thể hiện sự quan tâm nhiệt tình trao đổi.