Kính thưa Quốc hội,
Tôi xin tham gia góp ý báo cáo công tác của Chính phủ.
Trước tiên tôi thống nhất báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Chính phủ, do Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội. Nhìn lại đầu nhiệm kỳ năm 2011 - 2016, trong bối cảnh khó khăn thách thức từ kinh tế thế giới nhiều biến động bất ổn, kinh tế trong nước lạm phát tăng cao, tăng trưởng kinh tế thấp, thất nghiệp diễn biến xu thế tăng, tác động kinh tế vĩ mô nhiều bất ổn. Với bối cảnh như thế nhưng sự quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã điều hành chủ động, linh hoạt và phối hợp giữa các chính sách để kiểm soát lạm phát từ 18,3% năm 2011 xuống còn 0,6% năm 2015. Mặt bằng lãi xuất giảm 50% so với năm 2011, dư nợ tín dụng tăng, chất lượng tín dụng từng bước được cải thiện, tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý. Từ năm 2013 dần phục hồi năm sau cao hơn năm trước. Tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt 5,91% và quy mô tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo đánh giá của diễn đàn kinh tế thế giới, chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam năm 2011 xếp 75/139 nước. Năm 2015 đã xếp là 56/140 nước, tăng 20 bậc. Hoàn thành nhiều công trình dự án quan trọng. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và nhiều giải pháp khác tháo gỡ phát huy hiệu quả như hoạt động hải quan, xuất nhập khẩu v.v... đã rút ngắn nhiều thời gian đáng kể về thủ tục hành chính. Nổi bật nhất là hoạt động ngoại giao trong 5 năm qua đã nâng cao tổng số đối tác chiến lược lên 15 nước. Và đối tác toàn diện lên 10 nước. Hiện thực hóa mục tiêu xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Kết thúc thành công Hiệp định TPP đã mở ra nền kinh tế nhiều cơ hội mới. Tuy nhiên nền kinh nước ta còn nhiều bộc lộ gây nhiều áp lực nặng nề cho nền kinh tế.
Gây lo lắng cho cử tri cả nước là chuyển biến về nông nghiệp, nông dân, và nông thôn, nhất là kết quả tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới chậm chuyển biến.
Đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Nợ công của Chính phủ so với GDP đến năm cuối kỳ còn cao là 50,3%, kế hoạch là 50%. Còn áp lực lớn của nợ công thể hiện qua hệ số ICO có cải thiện, nhưng còn ở mức cao. Năm 2014 là 5,72% cao hơn nhiều so với nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh vấn đề nổi lên rất phức tạp và chưa có giải pháp, giải quyết chuyển biến tích cực là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và khắc phục, nâng tầm chiến lược kịp thời vấn đề hạn hán, xâm ngập mặn. Đặc biệt, ứng phó với các điều kiện khó khăn của đất nước để tận dụng cơ hội và hội nhập kinh tế quốc tế còn nhiều thách thức. Trong đó, khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực là then chốt, nhưng còn mức thấp. Tỷ lệ sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp chỉ đạt 18,3%, trong khi kế hoạch đề ra là 30%, tỷ lệ đổi mới công nghệ bình quân 5 năm là 10,68%, kế hoạch đưa ra là 13%, số lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang trong việc làm nền kinh tế ở cuối kỳ là 51,6%, trong khi kế hoạch chúng ta đề ra là 55%, nhất là đội ngũ doanh nhân chưa biết rõ và chuẩn bị tốt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là Hiệp định TPP sắp tới.
Tôi thống nhất với bài học kinh nghiệm của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày trước Quốc hội. Tuy nhiên, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cần phải có những giải pháp rất đồng bộ và căn cơ để tháo gỡ có hiệu quả những tồn tại trên. Đồng thời, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cần quan tâm phát huy hiệu quả công tác dự báo để giúp cho việc điều hành của Chính phủ một cách chiến lược, căn cơ, xử lý kịp thời hơn trong mọi tình huống của nền kinh tế. Đặc biệt, cần quan tâm và kiện toàn bộ máy, phân công trách nhiệm rõ ràng, nâng cao ý thức công vụ, trách nhiệm của cán bộ thực hiện công vụ hiện nay.
Tình trạng đùn đẩy trách nhiệm qua lại giữa các cơ quan công quyền, nhiều vụ việc lẽ ra thuộc trách nhiệm của cơ quan này lại đùn đẩy cho cơ quan khác, kéo theo nhiều cơ quan và thậm chí muốn cấp trên tham gia để xử lý công việc được yên tâm hơn. Hành xử theo thói quen này đã gây ra nhiều rào cản, ách tắc, phiền toái và chậm trễ, gây hậu quả xấu cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như đời sống và hoạt động của người dân. Điển hình như quy định cấm Salbutamol vừa qua trong chăn nuôi giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế gây tác hại xấu đến sức khỏe và người sử dụng chăn nuôi.
Vấn đề trách nhiệm giám sát quản lý xăng dầu cũng việc đá bóng trách nhiệm trước việc tính thuế của doanh nghiệp xăng dầu làm lãi lớn và gây ảnh hưởng đến nền kinh tế, cũng như sinh hoạt của người dân. Nhiều chồng chéo khác trong phân công, cũng như thói quen né tránh khác của các cơ quan công quyền đã nổi lên ngày càng rõ nét. Đề nghị Chính phủ cần có quan tâm đặc biệt kiện toàn bộ máy, phân định trách nhiệm một cách rõ ràng, nâng cao nhuệ khí trách nhiệm của cán bộ thực thi công quyền, có các giải pháp nghiêm khắc, hiệu quả, xử lý nhanh tồn tại này để lấy lại lòng tin trong dân và đưa nền kinh tế ứng phó tốt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Tôi xin có một số ý kiến. Xin hết. Xin cảm ơn Quốc hội.