Kính thưa Chủ trì phiên họp, Kính thưa Quốc hội
Tôi xin có ý kiến về báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác của các tòa án trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Trước hết, tôi thống nhất với báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Trong nhiệm kỳ qua, Tòa án nhân dân các cấp đã tập trung thực hiện chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, tổ chức thực hiện Hiến pháp, luật và các nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp đạt hiệu quả, số vụ án Tòa án nhân dân các cấp thụ lý và giải quyết tăng cao, tỷ lệ án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán giảm, việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm có nhiều chuyển biến. Đặc biệt, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Tòa án nhân dân các cấp được chú trọng để ngăn chặn oan sai, tiêu cực. Đề cao kỷ luật công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh và kỹ năng của Thẩm phán. Đặc biệt, tại các Tòa án đã xây dựng được phong trào thi đua thực chất để đủ sức giải quyết được số lượng án ngày càng tăng và đảm bảo chất lượng xét xử các loại án.
Việc hoàn thiện tổ chức bộ máy xây dựng đội ngũ cán bộ thẩm phá, xây dựng cơ sở vật chất, phương tiện và điều kiện làm việc của các tòa án có bước phát triển rõ rệt. Kết quả công tác của các tòa án trong nhiệm kỳ qua đánh giá cùng với sự nỗ lực trong cả hệ thống Tòa án cá nhân tôi đánh giá rất cao sự đổi mới của Quốc hội trong công tác giám sát hoạt động tư pháp và đầu tư trong việc xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động xét xử. Tôi cho rằng, đây là nhiệm kỳ Quốc hội có nhiều nghị quyết nhất về công tác tư pháp và có những hoạt động đổi mới trong giá sát ví dụ tổ chức phiên điều trần về hoạt động tư pháp.
Về phía Chính phủ, đã đầu tư nguồn lực rất lớn. Hằng năm, chúng tôi theo dõi tình hình đầu tư về kinh phí, Chính phủ rất quan tâm cho hoạt động tư pháp nói chung, trong đó có cơ sở vật chất điều kiện hoạt động của Tòa án nhân dân. Kết quả công tác của Tòa án nhân dân trong nhiệm kỳ qua, tôi cho là nổi bật. Tuy nhiên, khó khăn vướng mắc, hạn chế trong hoạt động xét xử còn nhiều, trong đó có nguyên nhân chủ quan, có nguyên nhân khách quan như báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã nêu.
Trên thực tế, Thẩm phán Toà án nhân dân các cấp chịu rất nhiều áp lực, nhiều lo lắng vì án xử không kịp, án bị hủy, bị sửa, tình trạng Thẩm phán không được tái bổ nhiệm, có trường hợp phát sinh trách nhiệm bồi thường oan sai và một vấn đề chính cá nhân tôi công tác trong ngành Tòa án rất khó chịu trước dư luận xã hội nghi ngờ, nhiều ý kiến không tin vào sự liêm chính của hệ thống tư pháp. Tôi cho đây là nỗi đau lớn nhất của hoạt động tư pháp, vì vậy tôi thống nhất các giải pháp khắc phục đã nêu trong báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đồng thời kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao, Chính phủ và Quốc hội tiếp tục quan tâm thêm các vấn đề tiếp tục đầu tư, cải tiến công
tác cán bộ làm sao vừa đảm bảo xây dựng được đội ngũ cán bộ thẩm phán đủ sức để giải quyết các loại án, đảm bảo tính liêm khuyết, công tâm, đảm bảo cho thẩm phán chính trực, yên tâm công tác, không nơm nớp lo sợ cho sự nghiệp bấp bênh của mình và những người liêm chính không phải tủi hổ vì sự nghi ngờ của dư luận và đầu tư nguồn lực, trí lực cho công tác tổng kết rút kinh nghiệm về công tác xét xử. Hướng dẫn nghiệp vụ xét xử, nhất là những loại án mới phát sinh, phức tạp, pháp luật chưa hoàn thiện, thiếu thống nhất nên tòa án rất khó áp dụng trong thực tế hoặc là án có yếu tố nước ngoài. Làm sao để bảo đảm tính nhất quán về đường lối xét xử và giảm án bị hủy, bị sửa, cũng đồng nghĩa giảm chi phí tố tụng cho người dân và tăng cường niềm tin công lý đối với hoạt động xét xử. Đầu tư, hướng dẫn cải cách thủ tục hành chính tư pháp và tiếp tục kiến nghị Quốc hội khóa XIV tăng cường công tác giám sát hoạt động tư pháp với nhiều hình thức hiệu quả hơn nữa.
Đề nghị Quốc hội khóa XIV đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ mới là xây dựng Luật án phí, lệ phí tòa án để có bước cải tiến thực sự trong việc thu án phí, lệ phí tòa án phục vụ cho hoạt động xét xử, giảm chi phí cho người dân. Tiếp tục có hướng dẫn áp dụng pháp luật hình sự (Bộ luật hình sự mới), để làm sao xử lý được những hành vi hiện nay xã hội đang rất bức xúc. Ví dụ, hoạt động bán hàng đa cấp, tín dụng đen có tính chất lừa đảo, cho vay nặng lãi. Những vi phạm về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Những quy định mà Bộ luật hình sự đã nêu, người dân cũng rất kỳ vọng nhưng trên thực tế áp dụng nếu như không có sự hướng dẫn kịp thời thì cũng rất khó khăn cho các cơ quan bảo vệ pháp luật trong vấn đề xử lý. Trên đây là ý kiến của tôi. Xin hết. Xin cảm ơn Quốc hội.