Phương pháp hành chính kết hợp với giáo dục

Một phần của tài liệu Luận án Nguyễn Hồng Sơn (Trang 71 - 73)

Trong quản lý kinh tế, phương pháp hành chính kết hợp với giáo dục của nhà nước chủ yếu tác động trực tiếp vào nhận thức, ý thức của đối tượng quản lý, nhất là người dân, doanh nghiệp nhằm tạo lập trật tự, kỷ cương nâng cao tính tự giác, tinh thần trách nhiệm và năng lực tư duy để đạt được các mục tiêu kinh tế nhất định. Ở phương pháp này, các biện pháp hành chính cưỡng bức, buộc đối tượng quản lý phải tuân thủ, nhiều khi cũng như là biện pháp giáo dục có tác dụng răn đe, giáo

dục, nhưng tính bắt buộc vẫn cao hơn cả và đối tượng hiếm khi có cơ hội phản đối hay phản kháng. Khi ấy, quyền lực thực thi của nhà nước được thể hiện rõ nét và đối tượng quản lý hành chính buộc phải thực hiện. Việc sử dụng các biện pháp này là rất cần thiết bởi nó xác lập kỷ cương, trật tự làm việc ngay trong các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế, khâu nối với các phương pháp quản lý khác để giải quyết những vấn đề cấp bách đặt ra trong quản lý hành chính về kinh tế một cách nhanh chóng [159, tr.128-131, 135-136].

Ở Việt Nam, phương pháp hành chính kết hợp với giáo dục là một trong những phương pháp phổ biến hiện nay của Nhà nước trong quản lý xã hội nói chung và quản lý nền KTTT định hướng XHCN nói riêng. Trong phương pháp này, nhiều khi các biện pháp cưỡng chế, bắt buộc về hành chính của Nhà nước chính là các biện pháp giáo dục, chủ yếu có tác dụng răn đe và thông qua đó để tuyên truyền, phổ biến trên phương tiện thông tin đại chúng (chủ yếu qua mạng xã hội, truyền hình, phát thanh). Cùng với các biện pháp hành chính mềm dẻo, có tác dụng giáo dục, thuyết phục thì các biện pháp cưỡng chế, bắt buộc về quản lý hành chính thể hiện tính cương quyết, cứng rắn và dứt khoát của Nhà nước trong thực thi pháp luật, buộc người dân, doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật.

Có thể thấy, phương pháp hành chính kết hợp với giáo dục ở nước ta có nhiều biện pháp quản lý khác nhau về mức độ là tương đối phong phú, giúp cho Nhà nước linh hoạt trong điều chỉnh thị trường. Trong đó, biện pháp quản lý bằng giáo dục, thuyết phục được Nhà nước đặt lên hàng đầu và thường xuyên áp dụng vì những ưu việt của nó so với các biện pháp cứng rắn hơn như bắt buộc, cưỡng chế. Hơn nữa, nếu phương pháp ép buộc bị lạm dụng do thiếu cơ chế giám sát có thể dẫn đến những bất bình của người dân, doanh nghiệp và ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Chính vì vậy, khi thực thi các biện pháp hành chính, cơ quan công quyền nhất thiết phải tự ý thức được quyền hạn và tự giới hạn phạm vi trong khuôn khổ luật định, đồng thời kết hợp và có ưu tiên biện pháp giáo dục, thuyết phục. Trong việc áp dụng phương pháp hành chính kết hợp với giáo dục thì biện pháp giáo dục, thuyết phục có mức độ ép buộc thấp nhất và mức độ thân thiện cao nhất. Tuy nhiên, trong những trường hợp cấp bách, có tác động lớn đến ổn

định kinh tế - xã hội đất nước, như trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, đối tượng quản lý hành chính mà chủ yếu là người dân, doanh nghiệp buộc phải tuân thủ nhanh chóng, dứt khoát các quyết định của chủ thể quản lý hành chính nhà nước về kinh tế.

Một phần của tài liệu Luận án Nguyễn Hồng Sơn (Trang 71 - 73)