Điều kiện về văn hoá

Một phần của tài liệu Luận án Nguyễn Hồng Sơn (Trang 77 - 79)

Văn hóa ảnh hưởng đến chức năng quản lý kinh tế của nhà nước thể hiện chủ yếu ở tâm lý xã hội, phong tục, tập quán, thói quen, đạo đức.

Tâm lý xã hội là tâm lý chung của một nhóm người cùng trong điều kiện kinh tế - xã hội nhất định và chính các điều kiện kinh tế - xã hội sẽ tác động mạnh mẽ vào các quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội và quy định hệ thống chính trị mà trực tiếp là nhà nước phải đưa ra các yêu cầu, thông qua chức năng quản lý kinh tế của mình, bảo đảm cho các hoạt động kinh tế diễn ra phù hợp và bình thường [132]. Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển cùng hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa hiện nay, giao lưu văn hoá đã và đang tạo ra nhiều hệ quả, cả tiêu cực và tích cực, như xã hội tiêu dùng, hưởng thụ với lối sống, thói quen tiêu dùng tiết kiệm hay lãng phí, hoặc “quy luật bầy đàn” trong chứng khoán, đầu tư bất động sản, trào lưu tiêu tiền theo “mốt”, thần tượng của giới trẻ,… trên thế giới hiện nay.

Phong tục, tập quán, thói quen của mỗi dân tộc là những quan niệm, giá trị chung, ảnh hưởng không nhỏ đến thể chế của quốc gia từ thể chế chính trị, như hệ

thống và chế độ chính trị, bộ máy tổ chức, đội ngũ công chức nhà nước,… đến thể chế kinh tế, như chế độ sở hữu, bộ máy quản lý nhà nước và hệ thống pháp luật về kinh tế, trong đó có chức năng quản lý kinh tế của nhà nước.

Nhiều giá trị bắt nguồn từ phong tục, tập quán, thói quen của mỗi dân tộc trên thế giới kết tinh thành truyền thống văn hóa tốt đẹp của một quốc gia, được lưu giữ từ đời này qua đời khác; thậm chí, còn được công nhận là giá trị của nhân loại. Trong các hoạt động kinh tế, tập quán thương mại là ví dụ điển hình. Hiện nay, có nhiều loại tập quán thương mại được áp dụng rộng rãi trên thế giới.

Điều kiện về văn hóa mà cụ thể là trình độ văn hoá ảnh hưởng tới khả năng đào tạo cũng như chất lượng chuyên môn và khả năng tiếp thu các kiến thức cần thiết của đội ngũ lao động, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước về kinh tế. Hơn nữa, phong cách, lối sống, phong tục, tập quán, tâm lý xã hội,... trong văn hoá ảnh hưởng tới nhu cầu về sản phẩm của các doanh nghiệp và qua đó ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, những thay đổi theo chiều hướng tích cực, đó là: từ chỗ chỉ coi trọng giá trị tinh thần sang đề cao cả giá trị tinh thần lẫn vật chất; từ chỗ tuyệt đối hóa lợi ích chung sang kết hợp hài hòa giữa lợi ích chung và lợi ích riêng; từ chỗ chỉ coi trọng giá trị cộng đồng sang vừa coi trọng giá trị cộng đồng vừa tôn trọng giá trị cá nhân,... Việc coi trọng hiệu quả hoạt động kinh tế như thước đo giá trị nhân cách không chỉ kích thích con người hoạt động một cách có hiệu quả nhằm khẳng định giá trị nhân cách, mà còn làm cho hoạt động, lao động của con người có ý nghĩa thiết thực hơn. Giá trị nhân cách cũng như đạo đức được đo và bảo đảm bằng hoạt động có hiệu quả, do vậy, nó trở nên thiết thực hơn, khắc phục được tính chất nói suông vẫn ít nhiều thể hiện trong đạo đức truyền thống, đặc biệt là đạo đức của thời bao cấp. Đây là đòi hỏi của KTTT, nó quy định xu hướng tích cực của sự biến đổi giá trị đạo đức.

Vì vậy, dưới tác động của văn hoá, chức năng quản lý kinh tế của nhà nước ở mỗi quốc gia phải tiếp thu, điều chỉnh để tận dụng, phát huy các nội dung tích cực, đồng thời hạn chế những gì lạc hậu và không còn phù hợp.

Một phần của tài liệu Luận án Nguyễn Hồng Sơn (Trang 77 - 79)