Điều kiện về chính trị pháp luật

Một phần của tài liệu Luận án Nguyễn Hồng Sơn (Trang 74 - 76)

Chính trị là điều kiện chủ yếu ảnh hưởng đến đời sống chính trị của xã hội ở một quốc gia trong từng giai đoạn lịch sử nhất định, cơ bản bao gồm môi trường chính trị, hệ thống chính trị và đổi mới chính trị, qua đó tác động và ảnh hưởng đến chức năng quản lý kinh tế của nhà nước.

Trong nền KTTT hiện đại, chỉ có môi trường chính trị tốt, với đảng cầm quyền vì dân, mới bảo đảm đất nước ổn định về chính trị, tạo điều kiện cho xã hội phát triển hài hoà và là cơ sở thuận lợi để nhà nước pháp quyền tập trung thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý kinh tế của mình, hỗ trợ và phục vụ người dân, doanh nghiệp trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Ổn định chính trị bao giờ cũng gắn liền với dân chủ, kỷ cương và pháp luật, là điều kiện bảo đảm cho phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững. Ở một xã hội nhất định, tính chất, mức độ của nền dân chủ bao giờ cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thực hiện pháp luật. Với xã hội có nền dân chủ rộng rãi, thông tin đa chiều, phong phú, công khai, minh bạch, người dân ở mọi tầng lớp xã hội thường thẳng thắn, cởi mở, bày tỏ chính kiến, quan điểm của mình đối với vấn đề về pháp luật, về các cơ quan nhà nước. Họ sẵn sàng sử dụng quyền của mình đã được quy định bởi Hiến pháp và pháp luật hay yêu cầu các cơ quan nhà nước trợ giúp, bảo vệ các lợi ích hợp pháp và chính đáng của mình. Ngược lại, trong trường hợp xã hội thiếu dân chủ, thông tin nghèo nàn, thậm chí bị bưng bít thì vấn đề dân chủ ảnh hưởng tiêu cực đến bầu không khí chính trị xã hội, dễ dẫn đến khủng hoảng chính trị sâu sắc.

Với môi trường chính trị thuận lợi, hệ thống chính trị mà chủ yếu là nhà nước được tổ chức hợp lý để thực hiện quyền lực công, quản lý quốc gia thông qua việc ban hành và triển khai chính sách, pháp luật về kinh tế, bảo vệ công lý, kiến tạo cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước.

Tuy nhiên, khi nhà nước thực hiện quyền lực công của mình rất dễ sinh ra lạm quyền nếu không tự đổi mới, giới hạn quyền lực trong sự kiểm soát của nhân dân và chế ước lẫn nhau ngay giữa các cơ quan nhà nước thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Việc tự đổi mới của nhà nước nằm trong đổi mới chính trị và chịu sự tác động của đổi mới chính trị theo hướng đổi mới chức năng và phương thức hoạt động cho phù hợp với đổi mới các lĩnh vực khác, nhất là đổi mới về kinh tế, tạo điều kiện cho thể chế kinh tế, nhất là hệ thống pháp luật về kinh tế dần được hoàn thiện, bảo đảm trật tự để hoạt động của các chủ thể kinh tế diễn ra thuận lợi trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, đúng pháp luật.

Một phần của tài liệu Luận án Nguyễn Hồng Sơn (Trang 74 - 76)