Mô hình công ty mẹ - công ty con thể hiện sự vượt trội bởi những đặc trưng mà không mô hình nào có được. Một trong số đó là việc công ty mẹ liên kết với các công ty con trên nhiều phương diện và vấn đề phức tạp ở đây là dù chúng là những pháp nhân độc lập nhưng dưới góc độ thương mại, công ty mẹ - công ty con đôi khi lại được xem là một thực thể thống nhất.
Về nguyên tắc, các công ty trong nhóm có tư cách pháp lý độc lập và có quyền giao dịch với nhau theo nguyên tắc của thị trường. Tuy nhiên do bị chi phối bởi công ty mẹ nên tính tự chủ trong hoạt động của công ty con còn hạn chế, vì vậy đôi lúc công ty con sẽ không thể hoạt động hiệu quả. Trong thực tế, chủ sở hữu của các công ty trong nhóm thường lợi dụng quyền lực của mình để điều khiển các hoạt động, giao dịch nội nhóm nhằm đem lại lợi ích cho công ty mẹ. Công ty mẹ từ việc kiểm soát công ty về nguồn lực nội bộ, sẽ dễ dàng chi phối cả những giao dịch – tài chính kinh doanh mang tính chiến lược của công ty con. Từ
đó có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ thể khác như các cổ đông nhỏ, các đối tác có giao dịch với công ty con và cả lợi ích của nhà nước.89 Vì vậy câu hỏi đặt ra không chỉ là làm sao xác định mức độ độc lập trong các giao dịch của công ty mẹ - công ty con mà còn xác định được khoảng cách từ quy định pháp luật tới thực tiễn kinh doanh để từ đó xác định sự hiệu quả của pháp luật trong việc điều chỉnh, kiểm soát mối quan hệ chi phối này.