1.2.2.1. Yêu cầu cụ thể hoá chính sách của Nhà nước về ưu đãi đầu tư vào khu công nghiệp
Ở Việt Nam, KCN hình thành và phát triển gắn liền với công cuộc đổi mới, mở cửa nền kinh tế được khởi xướng từ Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI (năm 1986).
Đầu thập kỷ 90 của thế kỷ thứ 20, trong bối cảnh nền kinh tế và đời sống xã hội nước ta bị tác động mạnh mẽ bởi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, Đại hội VII đã kịp thời và sáng suốt đề ra những đường lối, chủ trương đổi mới mạnh mẽ và toàn diện nền kinh tế, tiến hành CNH, HĐH đất nước, được cụ thể hoá bằng Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội 1991-2000. Hàng loạt các chương trình phát triển kinh tế - xã hội được triển khai để thực hiện Nghị quyết của Đại hội VII, trong đó có chính sách phát triển KCN, KCX với sự ra đời của KCX Tân Thuận tại Thành phố Hồ Chí Minh (1991) và việc ban hành Quy chế KCX (Nghị định 322/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 18/10/1991) và Quy chế KCN (Nghị định 192/CP của Chính phủ ngày 28/12/1994).
Tiếp đó, định hướng chiến lược về quy hoạch phát triển và phân bố KCN, được xác định cụ thể tại Nghị quyết Đại hội VIII (năm 1996):
Hình thành các KCN tập trung (bao gồm cả KCX và khu công nghệ cao), tạo địa bàn thuận lợi cho việc xây dựng các cơ sở công nghiệp mới. Phát triển mạnh công nghiệp nông thôn và ven đô thị. Ở các thành phố, thị xã, nâng cấp, cải tạo các cơ sở công nghiệp hiện có, đưa các cơ sở không có khả năng xử lý ô nhiễm ra ngoài thành phố, hạn chế việc xây dựng các KCN mới xen lẫn với khu dân cư [27].
Báo cáo Chính trị Đại hội IX (năm 2001) về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010 tiếp tục khẳng định: “Quy hoạch phân bố hợp lý công nghiệp trên cả nước. Phát triển có hiệu quả các KCN, KCX, xây dựng một số khu công nghệ cao, hình thành các cụm công nghiệp lớn và các khu kinh tế mở” [28]. Báo cáo chính trị tại Đại hội X (năm 2006) một lần nữa khẳng định chủ trương “Phát triển một số khu kinh tế mở và đặc khu kinh tế, nâng cao hiệu quả các KCN, KCX” [29],
đồngthời nhấn mạnh chủ trương tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển bền vững, trong đó có phát triển bền vững KCN.
Báo cáo chính trị Đại hội Đảng XI (năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 đã định hướng phát triển KCN bền vững và theo chiều
sâu: “Bố trí hợp lý công nghiệp trên các vùng; phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp hiện có và đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hình thức cụm, nhóm sản phẩm, tạo thành các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao” [30].
Như vậy, Các Nghị quyết của Đảng tại các kỳ Đại hội từ năm 1986 đến nay đã hình thành hệ thống các quan điểm nhất quán của Đảng về phát triển KCN; khẳng định vai trò của KCN là một trong những nền tảng quan trọng để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại như Nghị quyết Đại hội X và XI đã nêu rõ. Đồng thời, chủ trương của Đảng là cơ sở để Chính phủ triển khai xây dựng quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách phát triển KCN trong 20 năm qua và trong giai đoạn tới.
1.2.2.2. Cấu trúc pháp luật về ưu đãi đầu tư đối với các doanh nghiệp trong KCN Pháp luật Việt Nam về ưu đãi đầu tư đối với các doanh nghiệp trong KCN
quy định ba nhóm vấn đề cơ bản sau:
Địa vị pháp lý của KCN: Xuất phát từ mục tiêu phát triển KCN nêu trên, Nhà nước đã ban hành các văn bản pháp luật chuyên biệt để điều chỉnh hoạt động quản lý nhà nước đối với địa bàn KCN mà hiện hành là Nghị định 29/2008/NĐ-CP về Khu công nghiệp, Khu chế xuất và Khu kinh tế được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế. Theo đó, KCN là địa bàn ưu đãi đầu tư (Điều 16, NĐ 29/2008/NĐ-CP). Đây là loại địa bàn sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư ở mức cao hơn so với các địa bàn khác (Pháp luật đầu tư của Việt Nam - các địa bàn ưu đãi đầu tư được chia thành: Các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; Các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; Khu công nghiệp; Khu chế xuất; Khu công nghệ cao, Khu kinh tế). Thông qua việc quy định quy chế pháp lý riêng biệt và cho KCN hưởng ưu đãi áp dụng đối với địa bàn ưu đãi đầu tư (được hưởng những ưu đãi ngang mức với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn), Nhà nước một mặt thực hiện chính sách ưu tiên phát triển KCN, mặt khác đã xác lập cơ chế quản lý riêng biệt và phù hợp để thu hút đầu tư vào địa bàn đặc thù này.
Nội dung các ưu đãi đầu tư: Pháp luật về ưu đãi đầu tư quy định cụ thể về ưu đãi áp dụng với KCN như: ưu đãi về tài chính, ưu đãi liên quan đến chính sách sử dụng đất, mặt nước. Các ưu đãi về tài chính chủ yếu bao gồm các ưu đãi về thuế: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu…Ngoài ra còn có các ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp… Để tăng cường hiệu quả thu hút đầu tư, pháp luật về ưu đãi đầu tư còn đưa ra các biện pháp hỗ trợ đầu tư như hỗ trợ về thủ tục hành chính, pháp lý, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng… Đây là những công cụ thể hiện rõ nét thái độ của Nhà nước đối với các nhà đầu tư và dự án đầu tư vào KCN.
Thủ tục thực hiện ưu đãi đầu tư: Đây là một nội dung quan trọng, không thể thiếu trong quy định pháp luật về ưu đãi đầu tư. Các quy định về đối tượng, điều kiện, mức ưu đãi, lĩnh vực, ngành nghề ưu đãi chỉ tồn tại một cách hình thức và không có tính khả thi nếu không có các thủ tục về thủ tục thực hiện ưu đãi đầu tư. Để được hưởng những ưu đãi, nhà đầu tư ngoài việc xác định các điều kiện để được hưởng ưu đãi, còn phải làm thủ tục để hưởng các ưu đãi đó. Các quy định về thủ tục ưu đãi đầu tư nêu rõ nhà đầu tư cần làm thủ tục như thế nào, làm ở đâu, cơ quan nào có thẩm quyền, làm trong thời gian bao lâu đồng thời quy định rõ nhiệm vụ của các cơ quan chức năng trong việc hướng dẫn, giải quyết, cấp, xác nhận ưu đãi cho nhà đầu tư.
*So sánh ưu đãi đầu tư giữa các doanh nghiệp trong KCN với doanh nghiệp bên ngoài KCN
Các doanh nghiệp trong KCN và ngoài KCN đều được hưởng những ưu đãi đầu tư chung theo quy định của Luật đầu tư. Tuy nhiên, ưu đãi đầu đối với các doanh nghiệp trong KCN có sự khác biệt nhất định về nội dung các ưu đãi và thủ tục thực hiện các ưu đãi so với các doanh nghiệp bên ngoài KCN, cụ thể:
- Về nội dung các ưu đãi đầu tư:
+ Trọng tâm các ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu tư vào KCN hướng vào ưu đãi về thuế và ưu đãi về sử dụng đất. Trong các ưu đãi về thuế quan trọng nhất là thuế TNDN. Đây là công cụ tài chính hiệu quả nhất trong việc thu hút các nhà đầu
tư vì thuế TNDN tác động trực tiếp đến hiệu quả đầu tư, lợi nhuận thu về của các dự án đầu tư. Bên cạnh đó, ưu đãi về sử dụng đất cũng là quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư vì địa bàn KCN là địa bàn đặc thù. Do những điều kiện về cơ sở hạ tầng và tiện ích công cộng có sẵn nên nhà đầu tư thường phải bỏ chi phí về đất lớn hơn so với dự án nếu đầu tư bên ngoài KCN. Việc ưu đãi về tiền sử dụng đất sẽ giảm đáng kể chi phí đầu tư ban đầu bỏ ra cho dự án của các nhà đầu tư.
Ngoài ra, các biện pháp hỗ trợ đầu tư của địa phương cũng giữ vai trò quan trọng. Các biện pháp hỗ trợ này được đưa ra bởi chính quyền ở các địa phương hoặc các doanh nghiệp xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN. Nguồn kinh phí thực hiện những hỗ trợ này chủ yếu xuất phát từ ngân sách tỉnh, một phần nhỏ là từ các doanh nghiệp hạ tầng. Tuỳ điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương mà chính quyền đề ra những hỗ trợ phù hợp để hấp dẫn các nhà đầu tư. Những hỗ trợ này ngày càng quyết định tính cạnh tranh và hấp dẫn về môi trường đầu tư của từng địa phương.
+ Mức ưu đãi: Vì là địa bàn ưu đãi đầu tư nên các dự án đầu tư vào KCN được hưởng các ưu đãi ở mức cao hơn so với các doanh nghiệp đầu tư ở địa bàn khác không được hưởng ưu đãi. Điều này sẽ được tác giả phân tích rõ hơn ở chương II của Luận văn.
- Thủ tục thực hiện ưu đãi: Pháp luật về ưu đãi đầu tư đối với các doanh nghiệp
trong KCN xác lập thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước chuyên biệt đối với các KCN là các Ban quản lý KCN. Theo đó, nếu như các doanh nghiệp bên ngoài
KCN chịu sự quản lý của Bộ/Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc thực hiện các thủ tục về cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp ưu đãi đâu tư thì các doanh nghiệp trong KCN có những nét đặc thù hơn về thủ tục cũng như thẩm quyền thực hiện các thủ tục này.