2.2.2.1. Thủ tục cấp ưu đãi đầu tư
Thủ tục cấp ưu đãi đầu tư thường được gắn liền với thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư và được tiến hành ngay trong giai đoạn bắt đầu triển khai dự án.
Thủ tục đầu tư tại các nước khác nhau có thể chia làm hai nhóm:
Nhóm 1: các nước cấp Giấy phép đầu tư hoặc các hình thức chấp thuận đầu tư. Nhóm này gồm: Việt Nam (Giấy chứng nhận đầu tư) và Trung Quốc (Chấp thuận đầu tư), Thái Lan (Giấy phép kinh doanh nước ngoài), Malaysia (Giấy phép sản xuất), Philippines (Phê chuẩn của Ban đầu tư)... Đối với nhóm này, Nhà đầu tư nước ngoài khi tiến hành đầu tư phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý về đầu tư nước ngoài trước khi hoặc đồng thời với việc thành lập doanh nghiệp để triển
khai hoạt động. Đối với trường hợp Malaysia và Philippines, sau khi thành lập doanh nghiệp, trong một số trường hợp Nhà đầu tư phải làm các thủ tục lần lượt là cấp Giấy phép sản xuất hoặc Phê chuẩn của Ban đầu tư.
Nhóm 2: các nước không áp dụng thủ tục riêng đối với nhà đầu tư nước ngoài. Ở các nước này, hệ thống quy định về đầu tư xác định rõ điều kiện đề nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư nước ngoài nói riêng phải đáp ứng khi thực hiện đầu tư vào một lĩnh vực, sản xuất một sản phẩm hoặc trên một địa bàn xác định. Nếu nhà đầu tư đáp ứng được các điều kiện đó thì tiến hành đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần vào các doanh nghiệp đang hiện hữu để thực hiện kế hoạch kinh doanh của mình. Có một số nước có thể yêu cầu nhà đầu tư thông báo về việc tiến hành đầu tư trong một số trường hợp nhất định (Canada) [4].
Các bước của quá trình thực hiện đầu tư có thể khác nhau ở các quốc gia nhưng nhìn chung đều trải qua một số bước chính gồm chuẩn bị dự án, xin các chấp thuận hoặc giấy phép (nếu có), thành lập doanh nghiệp, xin các giấy phép chuyên ngành để đi vào hoạt động.
Ở nước ta, Luật đầu tư 2005 đã có một bước cải cách đáng kể về thủ tục cấp ưu đãi đầu tư so với Luật đầu tư nước ngoài và luật khuyến khích đầu tư trong nước trước đây. Trước đây, các dự án đầu tư trong nước gặp khó khăn rất nhiều trong việc xin giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, các dự án đầu tư nước ngoài phải thực hiện thẩm định dự án trước khi tiến hành cấp phép đầu tư gây trở ngại rất lớn và tốn kém về thời gian và chi phí cho các nhà đầu tư. Hiện nay, tại Điều 38, Luật đầu tư quy định về thủ tục thực hiện ưu đãi đầu tư như sau:
- Đối với dự án ĐTTN thuộc diện không phải đăng ký đầu tư và dự án thuộc diện đăng ký đầu tư quy định tại Điều 45 của Luật Đầu tư, nhà đầu tư căn cứ vào các ưu đãi và điều kiện ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật để tự xác định ưu đãi và làm thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trường hợp nhà đầu tư có yêu cầu xác nhận ưu đãi đầu tư thì làm thủ tục đăng ký đầu tư để cơ quan nhà nước quản lý đầu tư ghi ưu đãi đầu tư vào Giấy chứng nhận đầu tư.
- Đối với dự án ĐTTN thuộc diện thẩm tra đầu tư quy định tại Điều 47 của Luật này đáp ứng điều kiện được hưởng ưu đãi, cơ quan nhà nước quản lý đầu tư ghi ưu đãi đầu tư vào Giấy chứng nhận đầu tư.
- Đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài đáp ứng điều kiện được hưởng ưu đãi, cơ quan nhà nước quản lý đầu tư ghi ưu đãi đầu tư vào Giấy chứng nhận đầu tư [44, Điều 38].
Như vậy, quy định về thủ tục thực hiện ưu đãi đầu tư của pháp Luật đầu tư hiện hành đã tăng thêm quyền chủ động của các Nhà đầu tư trong việc tiếp cận các ưu đãi cũng như góp phần đơn giản hoá thủ tục hành chính trong việc cấp ưu đãi đầu tư, tích kiệm thời gian và chi phí cho nhà nước và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ngoài quy định tại Luật đầu tư 2005 và Nghị định 108/2006/NĐ- CP thì đến nay chưa có quy định cụ thể nào về việc hướng dẫn chi tiết thủ tục thực hiện ưu đãi đầu tư nói trên. Điểm cần xem xét là các doanh nghiệp thường gặp khó khăn khi xác định mình có đủ điều kiện để hưởng ưu đãi hay không. Đối với những dự án ĐTTN, nhà đầu tư phải tự xác định ưu đãi và làm thủ tục hưởng ưu đãi, còn đối với những dự án có vốn ĐTNN, Nhà nước sẽ thực hiện việc xác nhận điều kiện hưởng ưu đãi và ghi ưu đãi vào Giấy chứng nhận đầu tư. Như vậy, nhà đầu tư trong nước phải làm thêm một khâu “tự xác định các ưu đãi” khi tiến hành các thủ đục thể thực hiện đầu tư còn nhà ĐTNN thì không, điều này phản ánh sự phân biệt giữa nhà ĐTTN và nhà ĐTNN trong việc giải quyết các thủ tục để thực hiện dự án đầu tư. Mặt khác, việc Nhà nước “tự xác định các ưu đãi” sẽ làm cho nhà đầu tư bị động và sẽ không đảm bảo quyền lợi cho họ khi dự án có sự điều chỉnh hoặc thay đổi. Trên thực tế, việc ghi nhận ưu đãi đầu tư vào giấy chứng nhận đầu tư cũng tồn tại bất cập vì trong quá trình triển khai dự án thường có nhiều thay đổi điều chỉnh từ phía nhà đầu tư điều này dẫn đến trường hợp nhà đầu tư phải thường xuyên làm thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận đầu tư.
2.2.2.2. Thủ tục điều chỉnh, bổ sung ưu đãi đầu tư
Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, nếu nhà đầu tư đáp ứng điều kiện để được hưởng thêm ưu đãi đầu tư thì nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư đó và có
quyền đề nghị cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, bổ sung ưu đãi đầu tư quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp.
Nếu trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, nhà đầu tư không đáp ứng điều kiện ưu đãi đầu tư thì không được hưởng ưu đãi đầu tư. Cơ quan quản lý nhà nước thực hiện ưu đãi đầu tư có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư về việc nhà đầu tư không đáp ứng điều kiện ưu đãi đầu tư [8, Điều 28].
Như vậy, việc rút ưu đãi đầu tư cần có sự rà soát thường xuyên và phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện ưu đãi đầu tư và cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Trong khi, việc điều chỉnh bổ sung ưu đãi đầu tư là quyền của nhà đầu tư. Nhà đầu tư có thể đề nghị điều chỉnh bổ sung ưu đãi đầu tư hoặc không. Cả hai vấn đề trên đều không có bất kỳ cơ chế cưỡng chế nào cả. Như đã nói ở trên, trong quá trình triển khai một dự án, việc điều chỉnh dự án khác biệt so với đề án đầu tư ban đầu là phổ biến, mà mỗi lần điều chỉnh dự án nhà đầu tư lại phải đăng ký điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư do vậy nguy cơ các nhà đầu tư bỏ qua thủ tục đăng ký là rất lớn. Việc này dễ dẫn đến nguy cơ buông lỏng quản lý từ phía cơ quan nhà nước hoặc thói quen không thực hiện đúng pháp luật của một số nhà đầu tư, ảnh hưởng tiêu cực đến nguyên tắc pháp chế.