trong KCN
Về cơ bản, pháp luật về ưu đãi đầu tư hiện hành đối với các doanh nghiệp đầu tư vào KCN đã tạo lập cơ sở pháp lý khá đầy đủ và đồng bộ cho việc thực hiện quyền tự do kinh doanh tự do kinh doanh của các nhà đầu tư, lựa chọn về hình thức đầu tư; mở rộng qui mô, địa bàn. Đây là những nền tảng pháp lý cơ bản nhất cho một thể chế kinh tế thị trường, là cơ sở để khơi thông và huy động mọi nguồn lực cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh vào KCN. Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận được các nguồn lực phục vụ cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, như: đất đai, vốn, công nghệ, lao động… để hiện thực hoá các ý tưởng đầu tư, kinh doanh; mở ra cho cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển hoạt động kinh doanh với số lượng ngày càng tăng, quy mô ngày càng lớn, lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng mạnh mẽ của nền kinh tế.
Các ưu đãi đầu tư hiện hành đối với KCN đã xóa bỏ những rào cản và những phân biệt đối xử trong chính sách giữa các thành phần kinh tế, giữa các nhà đầu tư trong nước cũng như ngoài nước; tạo lập một môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, phù hợp với các quy luật của kinh tế thị trường, thông lệ quốc tế, tăng sức cạnh tranh trên thương trường của các doanh nghiệp và đáp ứng các yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với xu hướng cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng gay gắt từ các nước trên thế giới và trong khu vực, trong khi năng lực cạnh tranh quốc gia nói chung, sức cạnh tranh thu hút đầu tư
nước ngoài nói riêng, còn nhiều mặt hạn chế. Trong bối cảnh đó, mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo ráo riết và thu được một số kết quả nhất định trong việc cải thiện môi trường đầu tư, nhất là cải cách thủ tục hành chính, nhưng so với nhiều nước ASEAN, thì hệ thống luật pháp và thủ tục hành chính của nước ta vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư lớn.
Theo bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh toàn cầu được công bố ngày 29/10/2013, Việt Nam đứng thứ 99/189 nền kinh tế, trong khi Campuchia tăng 23 bậc, Indonesia, Philippines tăng 19 bậc. Ngân hàng Thế giới nhận định, thứ hạng của Việt Nam không thay đổi mặc dù từ năm 2005 đến nay đã thực hiện 21 cải cách, nhiều nhất trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Do vậy, để thu hút đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới, thì bảo đảm tính công khai, minh bạch, ổn định của hệ thống pháp luật phải được ưu tiên nhất hiện nay, trong đó có Luật Đầu tư và đặc biệt là các quy định về ưu đãi đầu tư [42].
2.3.1.1. Tình hình thực hiện, triển khai các ưu đãi
Phát triển KCN hiện đang là một trong những mũi nhọn trong mục tiêu phát triển kinh tế của cả nước nói riêng và từng tỉnh nói chung. Do vậy, các ưu đãi đầu tư luôn được các địa phương sử dụng như một công cụ để xúc tiến đầu tư nhằm thu hút mọi nguồn vốn trong và ngoài nước.
Về phía các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư: Hoạt động xúc tiến đầu tư ở
các tỉnh được thực hiện bởi hai cơ quan đầu mối là Sở kế hoạch đầu tư và Ban quản lý KCN. Hầu hết các tỉnh đều xây dựng chiến lược phát triển kinh tế và thu hút đầu tư mang tầm nhìn dài hạn, làm cơ sở để thực hiện đồng bộ các ưu đãi đầu tư. Các ưu đãi đầu tư của tỉnh áp dụng theo các quy định của pháp luật được công bố rộng rãi trên mạng thông tin điện tử của tỉnh để mọi doanh nghiệp được tiếp cận nhanh chóng nhất. Ngoài ra, căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội và điều kiện về tự nhiên của địa phương mà UBND tỉnh quy định các biện pháp hỗ trợ đầu tư áp dụng đối với từng địa bàn đầu tư cụ thể. Hàng năm, UBND cấp tỉnh ở các địa phương có KCN đều trích kinh phí dự trù để tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư và quảng bá các điều kiện ưu đãi đầu tư của địa phương. Nguồn kinh phí này cũng có thể được hỗ trợ từ các doanh nghiệp FDI hoặc các công ty phát triển hạ tầng KCN trên địa bàn tỉnh.
Về phối hợp thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư giữa các cơ quan nhà nước: Nhìn, chung, Sở kế hoạch đầu tư và ban quản lý các KCN ở các địa phương thường xuyên phối hợp trong công tác cập nhật, xây dựng và triển khai các ưu đãi đầu tư, tổ chức các trương trình hội thảo vận động thu hút đầu tư vào các KCN và tổ chức các chuyến đi xúc tiến thương mại trực tiếp ra nước ngoài nhằm phổ biến rộng rãi các điều kiện và chính sách, pháp luật về ưu đãi đầu tư đối với các KCN.
Về phía các công ty xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN: Hầu hết các doanh nghiệp xây dựng và phát triển hạ tầng KCN, đặc biệt là các tập đoàn lớn như: Tập đoàn đầu tư Sài Gòn, Công ty TNHH VSIP, Tổng công ty phát triển Đô thị Kinh Bắc, Viglacera Land... đều có các bộ phận riêng phụ trách việc xúc tiến đầu tư. Các hoạt động này chủ yếu nhằm quảng bá rộng rãi các ưu đãi đầu tư của KCN. Thông qua các tài liệu như Brochure, CD-ROM, thư ngỏ và danh mục dự án đầu tư/giới thiệu ngành nghề/hướng dẫn đầu tư các nhà đầu tư KCN đã quảng bá và phổ biến một cách tốt nhất các ưu đãi đầu tư theo chính sách của Nhà nước và địa phương – đây cũng là tài liệu cơ bản cho nhà đầu tư có cái nhìn tổng quan về địa phương. Các doanh nghiệp này đều có các website để quảng bá ưu đãi đầu tư – đây là hình thức marketing hiệu quả và ít tốn kém nhất. Một số công ty còn đẩy mạnh tham gia các hoạt động hội thảo, diễn đàn đầu tư quốc tế; xây dựng và thực hiện các chiến dịch quảng cáo ở nước ngoài...Các hoạt động này góp phần phổ biến sâu rộng về chính sách ưu đãi đầu tư của Nhà nước đến với các nhà đầu tư không chỉ trong nước mà còn ở quốc tế và góp phần đẩy mạnh sự phát triển các KCN trong từng địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
2.3.1.2. Về thủ tục chấp thuận, cấp phép đầu tư và ưu đãi đầu tư
Từ góc nhìn quản lý, hệ thống pháp luật liên quan đến thủ tục đầu tư ngày càng được cải thiện, theo hướng giảm dần thủ tục không cần thiết. Các thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến việc đăng ký, thành lập doanh nghiệp, đến việc tiếp cận các nguồn lực ngày càng được cải thiện, giảm một cách rõ rệt các phiền hà và chi phí không đáng có về thời gian, tiền bạc cho các doanh nghiệp, đồng thời Nhà nước nhận lãnh trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các cá nhân, tổ chức khi công chức có vi phạm pháp luật.
Việc thực hiện phân cấp quản lý nhà nước đối với Ban quản lý KCN ngày càng chứng minh được vai trò và tầm quan trọng của chính sách này. Việc quản lý cấp phép đầu tư được thực hiện theo cơ chế “một cửa, tại chỗ" và đã phát huy tác dụng tích cực trong việc phát triển KCN đảm bảo tính nhanh chóng, chủ động, tích cực, tích kiệm cho cơ chế hành chính.
Ngoài các Bộ, ngành Trung ương và UBND cấp tỉnh, Chính phủ đã hình thành một hệ thống Ban quản lý KCN cấp tỉnh để quản lý trực tiếp các KCN trong từng địa phương. Thời gian qua, hoạt động của các Ban quản lý KCN cấp tỉnh đã đi vào nề nếp và phát huy những hiệu quả tích cực của cơ chế quản lý "một cửa, tại chỗ”. Ban quản lý KCN cấp tỉnh đã được trao nhiều quyền quyết định trong quản lý KCN, góp phần nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý Nhà nước đối với KCN, rút ngắn được thủ tục hành chính, giải toả tâm lý cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước về chính sách của nhà nước ta đối với việc đầu tư vào KCN, góp phần không nhỏ thúc đẩy phát triển các KCN, được các doanh nghiệp KCN thừa nhận tính tích cực của công tác quản lý Nhà nước. Đây là cơ chế quản lý đúng và phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển hiện nay.
2.3.1.3. Thực trạng đầu tư vào khu công nghiệp hiện nay
Các KCN trên cả nước đã huy động được lượng vốn đầu tư lớn của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Trong hơn 20 năm phát triển KCN ở Việt Nam, với các chính sách ưu đãi, những điều kiện thuận lợi về kết cấu hạ tầng và thủ tục hành chính được đơn giản hoá, các KCN đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Tính đến cuối tháng 12/2011, các KCN, KCX đã thu hút được 4.113 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 59,6 tỷ USD. Hàng năm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào KCN, KCX chiếm từ 35-40% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký tăng thêm của cả nước. Nếu xét riêng về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong ngành công nghiệp thì các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài sản xuất công nghiệp trong KCN, KCX chiếm gần 80% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp cả nước.
KCN cũng là nơi tập trung hút đầu tư trong nước: Tổng vốn đầu tư trong nước tăng thêm tương ứng trong các thời kì là 80.000 tỷ đồng (2001-2005) và 218.860 tỷ đồng (2006-2010). Đến cuối tháng 12/2011, có 4.681 dự án trong nước còn hiệu lực trong KCN, KCX với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 420 nghìn tỷ đồng.
Tỷ lệ lấp đầy các KCN, KCX đã vận hành tăng đều hàng năm từ 55% năm 2001, lên 65% năm 2010. Tính đến 12/2011, tổng diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê của các KCN đang vận hành khoảng 30.000 ha, trong đó đã cho thuê được 19.300 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 65% [2].
Trong năm 2013, có 472 dự án, với tổng vốn đăng ký 8,742 tỷ USD vốn FDI đổ vào các KCN. Tính chung trong năm 2013, tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào các KCN, KKT cả nước đạt 19,942 tỷ USD, chiếm 50% tổng số lượt dự án và chiếm hơn 92% tổng vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh tăng thêm của cả nước, tăng 2,47 lần so với cùng kỳ năm 2012. Nếu như thu hút FDI vào các KCN tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong năm 2013 thì thu hút đầu tư trong nước đạt kết quả “khiêm tốn” hơn, tổng vốn đầu tư đăng ký giảm 5% so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, hoạt động đầu tư trong nước cũng đã thể hiện nỗ lực cao của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư [3].
Năm 2013, các KCN đã thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại, như các dự án của Tập đoàn Samsung tại Thái Nguyên (hơn 3,2 tỷ USD); hay Dự án Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam - Hải Phòng (1,5 tỷ USD)...[3]. Các số liệu trên đã cho thấy ưu thế của các KCN trong thu hút đầu tư, đặc biệt là FDI. Các dự án FDI được cấp mới vào các KCN tập trung chủ yếu vào lĩnh vực điện tử viễn thông và những ngành phụ trợ đi kèm, như sản xuất tai nghe và các linh kiện, phụ kiện, pin, cáp dữ liệu, sạc cho điện thoại di động...